Nhan sắc... "nhảy đồ"

Chủ Nhật, 08/11/2009, 16:10
Cùng với thói "chăm ăn lười lao động", ngày nay không ít những thiếu nữ phạm tội cướp của, đánh thậm chí giết người. Những người phạm tội có nhan sắc đã hết sức manh động chỉ để có tiền tiêu xài. Tuy nhiên, ở bài này tôi xin nói đến đối tượng "nhảy đồ" - ăn cắp là những nữ sinh viên. Họ vì thiếu tiền tiêu xài, hoặc vì cần đồ dùng mà không có tiền mua, nên đã tích cực "cầm nhầm" của người khác.

Nhan sắc "nhảy đồ"

Nếu như trước đây, nạn ăn cắp vặt của nhau ở các khu trọ, ký túc xá (KTX) các trường đại học ở đối tượng là sinh viên nữ chỉ ở mức độ nhẹ nhàng. Đồ chuyên bị ăn cắp là những thứ dùng trong sinh hoạt hàng ngày tương đối rẻ tiền như: quần bò, áo khoác mới, sách vở, giày dép, kẹp tóc, xà phòng... Thì nay, mức độ đã trở nên nghiêm trọng hơn, đối tượng trộm cắp đã nhằm vào những thứ đắt tiền hơn như điện thoại di động, máy tính xách tay, xe đạp, xe máy...

Cùng với nhu cầu và mức độ sinh hoạt ngày càng cao, nhiều sinh viên đã sắm sửa cho mình những chiếc máy tính xách tay để giúp cho việc học hành được hiệu quả hay cố gắng đi làm và trang vị cho mình chiếc điện thoại đắt tiền, thì thủ đoạn trộm cắp cũng tinh vi, "cao cấp" hơn. Từ đó, những người bị thiệt hại cũng nặng nề hơn.

Mới đây, liên tiếp ở Khoa Sáng tác và Lý luận phê bình Văn học (ST&LLPBVH) Trường Đại học Văn hóa xảy ra vụ trộm cắp máy tính xách tay của sinh viên. Tuy không xác định rõ được thủ phạm của hai vụ "nhảy đồ" trên là ai, nhưng nhiều người dám chắc đó là vụ mà do những nữ sinh trong trường làm. Đây không phải là ngôi trường cá biệt, trong số những ngôi trường đã xảy ra những vụ mất cắp. Máy tính xách tay là đồ có giá trị mà không phải sinh viên nào cũng có điều kiện để sắm.

Những kẻ chuyên "nhảy đồ" luôn nhòm ngó cơ hội đánh cắp, khi chủ nhân của những chiếc máy tính kia sơ hở. Nếu đánh cắp được, coi như có tiền chi tiêu cả tháng. Không chỉ ăn cắp máy tính, những đồ dùng như điện thoại, máy nghe nhạc MP3 là những thứ nhỏ, gọn nên dễ bị ăn trộm nhất.

Cô Diệu Vy của ĐH Văn hóa cũng đã bị mất đến 3 chiếc điện thoại di động, dù biết là bè bạn cùng trường lấy trộm nhưng không bắt được tận tay nên cô không làm gì được. Trước đó hơn một năm, ở KTX Đại học Văn hóa cũng liên tiếp xảy ra nhiều vụ mất trộm quần bò, áo sơ mi mới được phơi trên sân thượng. Có vài đối tượng là nữ sinh trong "tầm ngắm" của sự nghi vấn, nhưng cũng chỉ có những lời bóng gió "rằn mặt" chứ chưa bắt được tận tay nên chưa thể xử lý.

Một nữ sinh là nạn nhân của vụ trộm quần bò rủ những người cùng cảnh ngộ xuống báo cáo với bảo vệ nhà trường. Bảo vệ nhà trường cùng một số sinh viên đi khám xét hơn chục căn phòng vì nghi ngờ "kẻ cắp ở lẫn người lành" nhưng không thấy tang vật. Sự việc bị bỏ ngỏ chưa có cách gì giải quyết.

Không chỉ riêng ở các khu KTX xảy ra những vụ mất cắp mà thủ phạm là nữ sinh. Ở những xóm trọ dàn trải trên địa bàn thành phố Hà Nội cũng liên tiếp có những vụ mất trộm. Cách đây nửa tháng, ở khu nhà trọ quận Thanh Xuân xảy ra vụ ăn cắp giữa các nữ sinh trong cùng khu trọ với nhau, nên đã diễn ra một vụ "rằn mặt". Cô gái bị mất cắp đã gọi người yêu đến đánh cô gái bị nghi ngờ lấy cắp quần bò đắt tiền.

Theo những người ở xóm trọ này thì Tươi (cô gái bị nghi ngờ) rất "rắn mặt", lì lợm và gian manh. Họ đề nghị chủ nhà đuổi Tươi ra khỏi xóm trọ. Tuy nhiên, Tươi lại là họ hàng xa với chủ nhà, hơn nữa, chưa có ai tận mắt thấy Tươi rút trộm.

Ông chủ nhà bảo: "Hay là các cô bị mấy thằng nghiện nó lấy trộm. Nó mang ra ngoài đường bán quáng quàng kiếm mấy chục nghìn rồi. Ngoài đường người ta vẫn bán quần áo hàng thùng đấy thôi".

Mèo nào bắt chuột ấy

Phải nói rằng, mức độ những vụ mất cắp cũng đa dạng. Người lấy cái vụn vặt của bạn, đôi khi chỉ là gói xà phòng, cái kẹp tóc, thậm chí cuộn giấy vệ sinh... tức là những thứ đồ dùng sinh hoạt vụn vặt hằng ngày mà một số cô không chịu mua, hoặc có tính tắt mắt. Đây là những đối tượng "mèo bé bắt chuột bé", không thành án. Tuy vậy cũng để diễn ra những vụ cãi cọ, đánh nhau làm mất an ninh ở các khu nhà trọ.

Những đối tượng chuyên ăn chơi, chích hút, lấy của bạn về trang trải cho tình nhân hoặc để làm giàu bản thân mới đáng ngại.

Ở mức độ "mèo to bắt chuột to" này, những cô gái thường có tính toán kỹ lưỡng, có đồng bọn và thể hiện sự chuyên nghiệp, tinh vi. Khi hành động trộm cắp của họ có sự hậu thuẫn của nam sinh, hoặc dân chơi bời lêu lổng hay ăn lười lao động thì sự việc diễn ra nhanh và thuận lợi. Loại này, những nữ sinh thân cô thế cô ở các nhà trọ không thể "trị", lại còn dễ dàng bị họ cho ăn đòn nếu dám "ho he".

Cô Nguyễn Lê - sinh viên Đại học Công Đoàn - người từng nhiều lần bị "nhảy đồ" nói: "Em bị dùng que dài kều mất 2 cái điện thoại. Biết là ai lấy mà đành ngậm miệng làm ngọt. Thôi thì lần sau rút kinh nghiệm, cẩn thận giữ gìn hơn. Chứ không thể làm náo loạn hàng xóm được".

Tháng 8/2008, một nữ sinh viên Trường Đại học Lao Động thương binh xã hội đã có hành vi ăn cắp đồ lót của nhà sách Nguyễn Văn Cừ ở số 36, đường Xuân Thủy, Cầu Giấy. Nhân viên bảo vệ phát hiện cô nữ sinh này lấy một số đồ lót nữ bằng cách mang vào phòng thay đồ mặc vào người.

Khi bảo vệ có mặt đã yêu cầu H. cởi số đồ lót đã mặc vào người rồi đưa lên phòng giám đốc ở tầng 2 để giải quyết. Cô gái đã đạp vỡ mặt kính bàn uống nước trong phòng rồi tự tử. Ngay khi tin tức được đưa lên mạng Internet, một diễn đàn được lập ra, trao đổi về sự kiện này. Rất nhiều người cho rằng cái chết đó thật không đáng.

Số khác lại nói, có thể cô gái kia lần đầu dại dột, vì khi xem đồ thấy thích lại không có tiền mua nên nảy sinh ham muốn sở hữu. Khi bị giữ lại, cảm thấy quá xấu hổ nên đã kết liễu đời mình. Đó là một cái kết cục đau lòng của cô gái chót lầm lỡ nổi máu tham trong giây lát, và lấy đi những thứ thực sự không nhiều tiền và nhận về một cái chết, gây đau thương cho gia đình và xã hội.

Vào ngày 14/10/2009, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP HCM đã tuyên phạt Tô Thị Thanh Xuân (23 tuổi, ngụ Thanh Hoá) mức án 7 năm tù về tội "lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản". Đây là cô nữ sinh được dân sinh viên gọi là "mèo to bắt chuột to", nhưng không bắt nổi. Xuân là một nữ sinh, lợi dụng lòng tin của bà chủ nhà (kinh doanh quần áo) tốt bụng khi giao cả tỷ đồng cho mình cất giữ, nữ sinh Tô Thị Thanh Xuân đã lấy tiền bao người yêu rồi dàn cảnh bị trộm để chạy tội.

Sự việc diễn ra như sau: năm 2005, Xuân rời quê vào TP HCM để học tại một trường đại học dân lập. Cô nữ sinh được dì ruột xin ở nhờ tại nhà người bạn làm nghề kinh doanh quần áo. Bà chủ tin Xuân, lại bận nên đã giao cho cô tay hòm chìa khóa. Vì nổi máu tham mà Xuân định cuỗm tất cả để cùng người yêu tiêu xài và dùng cho sau này, cô lại còn tạo hiện trường giả, nhưng không thể nào trốn tội.

Những vụ trộm cắp vặt vãnh ở các khu nhà trọ, KTX diễn ra, ngoài độ "siêu" của kẻ cắp, còn do chính những sinh viên hớ hênh, tạo điều kiện cho trộm cắp hoành hành. Kẻ cắp luôn luôn rình rập sự sơ hở của các sinh viên vì biết rằng, họ phải thuê trọ hoặc ở những căn phòng sơ sài, không được khóa chắc chắn và đông người qua lại.

Ở hầu hết các khu nhà trọ, thì chủ nhà chỉ làm nhà cho thuê rồi bỏ mặc cho sinh viên thuê tự quản lý. Sinh viên ngoại tỉnh lên học vốn ngại va chạm, nhiều khi có thấy kẻ cắp cũng không dám tố giác hoặc có bị mất cũng âm thầm chịu đựng.

Đây cũng là nguyên nhân để nạn trộm cắp trong đối tượng sinh viên ngày càng tăng, và những cô gái chuyên đạo chích thì nhởn nhơ, tiếp tục hành động xấu xa của mình. Còn ở các KTX các trường liên tục có người từ ngoài vào, nếu không được quản lý cẩn thận thì sẽ có rất nhiều kẻ xấu từ ngoài đột nhập vào, kết hợp với người bên trong cùng hành động.

Cần có cuộc "làm sạch" về tâm hồn

Tôi không có ý kêu gọi lòng tốt từ những cô gái, nhưng rất mong muốn những cô gái đã và đang lầm lỗi hãy biết "làm sạch" lại tâm hồn mình. Tuy nhiên, lời nói của tôi chỉ hợp với những nữ sinh ăn cắp vặt vãnh. Còn những cô gái chuyên nghiệp, coi chuyện lấy của người khác làm của mình để ăn chơi thì phải có sự ra tay của pháp luật.

Lấy của người khác làm của mình mà không xin là không tốt, kể cả những món đồ nhỏ chỉ vài trăm đồng. Nữ sinh cũng là tương lai của đất nước, là những người vợ, người mẹ trong gia đình sau này. Mỗi người cần phải trong sạch hơn, nữ tính hơn để có thể dạy được con cái và không cảm thấy xấu hổ với ai đó khi nói về tư cách, về con người.

Và trước khi những nữ sinh chuyên "nhảy đồ" kịp làm sạch tâm hồn mình, thì mỗi người hãy cẩn thận gìn giữ tài sản của mình, để không tạo điều kiện cho người khác phạm tội

Vãn Tình
.
.
.