Nhà trường "ép" học sinh mua đồng phục mới?
>> Nhiêu khê đồng phục học sinh
Chị Ngô Mai Linh, ở quận Đống Đa cho biết, con chị năm học này mất gần 1 triệu tiền đồng phục, gồm có 3 bộ mùa hè, mùa thu và mùa đông (mỗi mùa mua 2 bộ), giá bộ mùa hè hơn 90.000 đồng/bộ, bộ mùa thu 100.000 đồng/bộ và bộ mùa đông là hơn 200.000 đồng/bộ. Như vậy, chỉ riêng tiền đồng phục, chị Linh đã mất gần triệu bạc, trong khi hoàn cảnh kinh tế gia đình nhà chị cũng không dư dả.
Song điều chị bất ngờ hơn là ba bộ đồng phục đó hoàn toàn theo mẫu mới, khác hẳn năm trước. Nhà trường thì nói không ép buộc các con phải mua bộ mới, vẫn có thể mặc đồng phục cũ, nhưng như một áp lực vô hình, hễ hiệu trưởng "đã có lời" thì cứ thế mà thực hiện. Thành ra, cả trường này dấy lên phong trào "thay đồng phục". Con bé nhà chị chỉ vì mua ít hơn chỉ tiêu đề ra đã không được cô tuyên dương như các bạn khác, cháu buồn khóc mãi.
Theo lời chị Linh, chúng tôi tìm đến trường tiểu học này. Cô hiệu phó khi tiếp chúng tôi đã đề nghị rằng, cô sẽ rất cởi mở trao đổi thông tin với báo chí với điều kiện không được nêu tên cô, tên trường (kể cả tên tắt của trường). Tất nhiên, chúng tôi tôn trọng lời đề nghị này, thế song trong lòng không khỏi băn khoăn. Nếu đã là "may đo tự nguyện, có thoả thuận với phụ huynh", thì có vấn đề gì phải "kín kẽ" như vậy?
Theo lời giải thích của cô Hiệu phó thì trường cô đa phần con em gia đình khá giả, nên mua gần 1 triệu tiền đồng phục cũng không vấn đề gì; trước nhu cầu chỉ dừng "ăn chắc mặc bền", giờ thì tiến tới "mặc đẹp, mặc cao cấp" và tiền nào của nấy. Trường chọn vải 100% chất cotton cho các em mặc (nên mới có giá đó) và may đo đồng phục trên tinh thần phải vì quyền lợi của trẻ và sự đồng thuận của phụ huynh.
Khi chúng tôi đặt câu hỏi, các em học sinh tiểu học, đặc biệt là lớp 1, lớp 2 còn quá nhỏ và hiếu động liệu có thích hợp với bộ véc không, thì cô Hiệu phó này cho rằng: "Như thế trông môi trường sư phạm càng hiện đại". Quy mô học sinh của trường là hơn 800 em, trung bình mỗi em mua 4 - 6 bộ/3 mùa, tổng số đồng phục được cung ứng cho trường này lên tới xấp xỉ 4.000 bộ.
Còn tại Trường Tiểu học Quang Trung, quận Hoàn Kiếm, cô Hiệu trưởng Lê Minh Sơn cho chúng tôi biết, một cấp tiểu học, mỗi học sinh nên mua 4 bộ là đủ, các em có thể mặc từ năm này sang năm khác. Giá cả đồng phục của trường này cũng bình dân: bộ nam - 85.000 đồng, bộ nữ - 75.000 đồng.
Quan điểm của trường là không bắt ép các cháu mua (phụ huynh có thể đến nhà may may đo), không đưa đồng phục về lớp và không ăn "chiết khấu %" với nhà may. Cô Sơn còn đề xuất, nên có quy định mỗi quận có 1 mẫu đồng phục chung, bộ đồng phục của học sinh không cần quá nhiều trang trí, vì chỉ thêm một cái nơ là sẽ thành vấn đề. Mẫu mã nếu ổn định phụ huynh sẽ không phải mua mới, tránh lãng phí…
Bà Nguyễn Thị Ngọc Bích, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội:
Học sinh khi mang bộ đồng phục trên người sẽ cảm thấy tự tin và tôn trọng chính bản thân mình. Bộ đồng phục còn giúp nhà trường quản lý học sinh hiệu quả hơn, vì nhìn vào bộ quần áo, phù hiệu đó, người ta sẽ biết em đó ở trường nào. PV: Nhưng thưa bà, bộ đồng phục hiện nay bị biến tướng nhiều chiều, vậy quan điểm của bà về vấn đề này như thế nào? Bà Nguyễn Thị Ngọc Bích: Dư luận bức xúc là có cơ sở. Theo tôi đã là đồng phục thì phải đồng thuận và đạt yêu cầu sau: thống nhất mẫu mã nghiêm túc, phù hợp với tâm sinh lí của lứa tuổi học sinh, an toàn, thuận lợi, đảm bảo cho các cháu học hành vui chơi thoải mái. Chất lượng vải phải vệ sinh, mùa đông ấm áp, mùa hè thoáng mát và có tính thẩm mỹ. Nhưng tôi cho rằng, chỉ nên khuyến khích, động viên phong trào mặc đồng phục. Những nơi có điều kiện thì có thể mặc nhiều ngày/tuần, nhưng những nơi ở ngoại thành thì nên yêu cầu các em mặc ít thôi, chỉ cần mặc ngày chào cờ là được. PV: Vậy hiện nay đồng phục đang được quản lý như thế nào? Bà Nguyễn Thị Ngọc Bích: Sở cũng đã tổ chức một số hội thảo về đồng phục, sau đó thống nhất làm thế nào để khuyến khích giúp cho phụ huynh nhận thức được ý nghĩa của đồng phục và như vậy thì đồng phục không được bắt buộc. Sở quy định trường không được đứng ra may, các trường chỉ có thể đứng ra giới thiệu mẫu mã cho phụ huynh tham khảo. Phương thức là thoả thuận chứ không được ép buộc. Trước đây vài năm, Sở đã có hướng dẫn về đồng phục trong nhà trường. PV: Đã bao giờ Sở kiểm tra riêng chuyện may đo đồng phục ở các trường chưa, thưa bà? Bà Nguyễn Thị Ngọc Bích: Chưa có, nhưng đầu năm học, các đoàn kiểm tra của Sở có thanh, kiểm tra công tác thu chi đầu năm ở các trường, trong đó theo quy định thì tiền đồng phục không phải là khoản thu bắt buộc. Trường nào bắt học sinh mua đồng phục là làm trái tinh thần chỉ đạo của Sở. PV: Có trường năm nay đột ngột đổi kiểu dáng đồng phục cho học sinh, thậm chí may véc cho các em học sinh nam, giá khá cao. Thậm chí có trường còn yêu cầu học sinh mang cặp sách đồng phục. Bà nghĩ gì về việc này? Bà Nguyễn Thị Ngọc Bích: Như thế là không ổn rồi, là làm khó cho phụ huynh học sinh và rất lãng phí vì có phải nhà nào cũng giàu có đâu, nhất là giá cả đắt đỏ như hiện nay. May véc cho các em là quá đắt. Giá thành của sản phẩm không được cao hơn giá thị trường. Chúng tôi vẫn nhấn mạnh, bộ đồng phục phải có tính phổ biến, khả thi và đại trà. PV: Đã có trường nào nhắc nhở, xử lý vì ép học sinh mua đồng phục chưa? Bà Nguyễn Thị Ngọc Bích: Chưa! Nhưng sắp tới đi kiểm tra, chúng tôi sẽ chú ý vấn đề này. Nếu thấy bất hợp lý, chắc chắn sẽ có chấn chỉnh kiên quyết. PV: Theo bà, vai trò, trách nhiệm của Hiệu trưởng trong việc này như thế nào? Bà Nguyễn Thị Ngọc Bích: Thầy, cô Hiệu trưởng có trách nhiệm rất lớn khi quyết định chọn cho học trò bộ quần áo như thế nào. Quan trọng nhất là người thầy phải cảm thông được với hoàn cảnh của học trò và đặt địa vị mình vào phụ huynh học sinh. PV: Xin trân trọng cảm ơn bà! PV (thực hiện) |