Nguy cơ cháy nổ làng nghề: Kiểm tra đâu, vi phạm đấy
Cơ sở sản xuất nhiều “không”
Không thiết bị phòng cháy, chữa cháy, người đứng đầu không quan tâm phòng cháy, công nhân không có kiến thức PCCC… Đó là thực tế đang diễn ra tại nhiều cơ sở sản xuất ở làng nghề Phong Khê và trong cụm công nghiệp Phong Khê. Máy móc của Cơ sở giấy Việt Tường đang hối hả làm việc giữa đống nguyên liệu giấy ngồn ngộn. Khói phả trùm cả vào đống giấy carton nằm tiếp nối với máy móc.
Ngay cạnh đó, một bàn thờ nhỏ đặt trên cột mà phía dưới cũng lại là giấy. Cả xưởng sản xuất giấy rộng chừng 3.000m² không có gì khác ngoài nguyên liệu giấy và những cuộn giấy thành phẩm cỡ lớn. Vậy mà, phía trong góc, đi qua những cuộn giấy đó lại là một bếp củi đang đỏ lửa, cách đống giấy chỉ chừng 1m. Đây là nơi nấu bữa trưa cho cánh thợ. Nói dại, chỉ một tàn lửa bắn ra thì không biết hậu quả sẽ thế nào.
Dẫn đầu Đoàn kiểm tra là Đại tá Đoàn Hữu Thắng, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC - CNCH cùng Đại tá Nguyễn Văn Toan, Phó Giám đốc Công an tỉnh Bắc Ninh và đại diện UBND TP Bắc Ninh, Sở Công Thương tỉnh Bắc Ninh. Khi các thành viên trong đoàn nói về lo ngại trước nguy cơ cháy nổ tại cơ sở, ông Trương Văn Trí, Chủ cơ sở giấy Việt Tường trả lời ngay: “Nếu cháy thì tôi sạt nghiệp ấy chứ”.
Đại tá Đoàn Hữu Thắng, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC-CNCH và Đại tá Nguyễn Văn Toan, Phó Giám đốc Công an tỉnh Bắc Ninh trở lại hiện trường vụ cháy tại Công ty Thành Đạt. |
Có vẻ như ông Trí cũng lo xảy ra cháy, nhưng cái cách ông phòng cháy thì thật không biết nói thế nào. Vào năm 2013, tại chính cơ sở này đã từng xảy ra cháy nhưng được dập tắt kịp thời nên không để lại hậu quả lớn. Vậy mà, sau hơn 1 năm, cơ sở này vẫn coi thường công tác PCCC. Hỏi về thiết bị chữa cháy, ông Trí nói: “Tôi có bình xịt chữa cháy”. “Anh có mấy bình?”. “Trước đây có 2 bình, sau khi cháy trang bị thêm là 5 bình”. “Anh để bình ở đâu?”. “Ở góc kia!”.
Theo hướng tay ông chỉ vào góc xưởng cũng toàn giấy là giấy, Đoàn công tác cùng các phóng viên tìm mãi chẳng thấy bình chữa cháy nào. Ông Trí “chữa cháy”: “Chắc nó bị giấy lấp lên rồi”. Chủ cơ sở này cũng cho biết là có bể nước và máy bơm, cùng nhiều ống nhựa bơm nước để đề phòng chữa cháy, nhưng đoàn kiểm tra không nhìn thấy trên thực tế. Nhắc đến việc thắp hương bàn thờ ngay dưới đống giấy, ông Trí cũng tỏ ra lo lắng, nhưng chỉ là lo thôi. Đại tá Đoàn Hữu Thắng đã chỉ ra thêm một lỗi chủ quan: “Đường điện trong cơ sở sản xuất rất cũ nát, nguy cơ cháy lan là rất cao”.
Các cơ sở nhiều “không” trong PCCC ở Cụm công nghiệp và làng nghề Phong Khê như trên là phổ biến. Thượng tá Nguyễn Đình Hoàn, Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC-CNCH, Công an tỉnh Bắc Ninh cho biết, hầu hết các doanh nghiệp trong cụm công nghiệp và làng nghề giấy Phong Khê đều là các hộ gia đình, do đó nhận thức trong việc chấp hành các quy định của pháp luật trong sản xuất kinh doanh, trong đó có Luật PCCC còn rất hạn chế.
Đoàn công tác kiểm tra công tác PCCC tại cụm công nghiệp Phong Khê. |
Dù hiểu và sợ cháy nhưng người dân lại không quan tâm đến công tác phòng cháy mà chỉ quan tâm đến doanh thu, lợi nhuận. Bằng chứng là, hằng năm sản lượng giấy của cả phường đạt 225.000 tấn, doanh thu hơn 1.000 tỷ đồng, với 210 cơ sở sản xuất giấy, (trong đó cụm công nghiệp Phong Khê có 60 doanh nghiệp), thế nhưng trong 11 cơ sở được thẩm duyệt thiết kế về PCCC thì chỉ có 1 cơ sở đã thi công hệ thống chữa cháy nước vách tường, còn lại các cơ sở chỉ dừng lại ở việc trang bị hệ thống bình chữa cháy xách tay.
Tại đây không quy hoạch hệ thống cấp nước chữa cháy, không có hệ thống trụ nước chữa cháy, rất khó khăn trong công tác chữa cháy do thiếu nguồn nước, giao thông cản trở khả năng tiếp cận đám cháy khi xảy ra.
“Phong tỏa” đường làng - chặn đường chữa cháy
Đoàn kiểm tra trở lại hiện trường vụ cháy Công ty cổ phần Giấy Thành Đạt xảy ra vào cuối năm 2013, toàn bộ dãy nhà xưởng 5.000m2 gồm nhiều máy móc, nguyên liệu giấy trước đây giờ là đống tro tàn, phế liệu. Những khung sắt, tấm tôn, máy móc hoen gỉ mà chủ cơ sở không có khả năng phục hồi. Vụ cháy gây thiệt hại lên tới 100 tỷ đồng. Hậu quả do cháy là vô cùng lớn, may mắn không thiệt hại về người thì có thể làm sạt nghiệp cả một doanh nghiệp, mất việc của bao con người lao động. Từ năm 2010 đến nay, tại cụm công nghiệp và làng nghề Phong Khê xảy ra 15 vụ cháy, thiệt hại 103,891 tỷ đồng.
Nguy cơ cháy nổ cao ở làng nghề sản xuất giấy Phong Khê. |
Đại tá Nguyễn Văn Toan nêu thực trạng khó khăn trong công tác PCCC đặc trưng ở làng nghề Bắc Ninh chính là ý thức về phong tục bảo vệ đường thôn xóm mà quên phòng cháy. Họ cắm cọc bê tông, chắn barie để ngăn xe quá tải vào làng vô tình cản trở lối vào của xe cứu hỏa. “Ở Phong Khê, chúng tôi phải làm công tác tuyên truyền, vận động người dân mới dỡ được mấy trụ bê tông ra khỏi đường làng” – Đại tá Toan nhấn mạnh.
Thực trạng sản xuất và PCCC ở làng nghề rất đáng lo ngại. Cơ quan chức năng mà cụ thể là lực lượng PCCC đã tổ chức nhiều lớp tập huấn, tuyên truyền, xử lý vi phạm nhưng vẫn chưa có hiệu quả cao. Tại làng nghề và cụm công nghiệp Phong Khê, trong 5 năm, lực lượng PCCC Bắc Ninh đã kiểm tra 612 lượt cơ sở, phát hiện và kiến nghị khắc phục 731 tồn tại thiếu sót về PCCC, ra quyết định xử phạt 12 trường hợp, thu hơn 87 triệu đồng.
Đoàn kiểm tra cũng nhấn mạnh, việc sử dụng lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ trong PCCC là hiệu quả nhất, là biện pháp tối ưu, nhất là ở các làng nghề, cụm công nghiệp nằm trong khu dân cư, nơi mà phương tiện, lực lượng chữa cháy khó tiếp cận. Giải pháp xa hơn là phải quy hoạch làng nghề, cụm công nghiệp có sự tham gia quy hoạch hệ thống PCCC của cơ quan chức năng.
Để đảm bảo an toàn PCCC tại làng nghề, Đại tá Đoàn Hữu Thắng nhấn mạnh: Cần phải thống nhất công tác quản lý nhà nước về PCCC, làm rõ trách nhiệm của từng cơ quan quản lý thì mới có giải pháp đúng hướng. Bên cạnh đó, vai trò của người đứng đầu cơ sở sản xuất là đặc biệt quan trọng trong PCCC.
Vừa qua, Ban Bí thư ra Chỉ thị 47 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác PCCC là cơ sở để huy động cả hệ thống chính trị, tổ chức cá nhân vào cuộc để mới nâng cao hiệu quả công tác PCCC.