Người vợ liệt sĩ 40 năm nuôi con tật nguyền

Thứ Sáu, 13/11/2009, 09:47
Ngã tư giao cắt giữa đường Lê Hồng Phong và Nguyễn Văn Cừ (TP Vinh, tỉnh Nghệ An) thường ngày ồn ã. Giữa phố xá sôi động ấy, bên góc phố lặng lẽ một bóng mẹ già ngày ngày lọ mọ bước khập khiễng lên cầu thang, chăm sóc cho đứa con tật nguyền đã 40 tuổi nhưng vẫn như đứa trẻ sơ sinh.

40 năm rồi, người mẹ 74 tuổi ấy vừa hương khói cho hai liệt sĩ, một người là cha, một người là chồng, vừa lặng lẽ viết những trang nhật ký cuộc đời. Cuốn nhật ký không tên, không được đánh số trang, đã đổ màu và dày lên theo năm tháng. Mẹ là Hà Thị Tính, ở số nhà 118 Lê Hồng Phong, khối 2, phường Trường Thi, thành phố Vinh.

Nỗi đau chồng lên nỗi đau

Mẹ Hà Thị Tính, 74 tuổi, trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng ở xã Xuân An, Nghi Xuân, Hà Tĩnh. Bố là đồng chí Hà Trình, Chi ủy viên Chi bộ Đảng Cộng sản Đông Dương xã Nam Giang, huyện Nghi Xuân đã bị địch bắt năm 1930 và kết án tử hình, sau giảm xuống chung thân. Cụ mất năm 1945. Nỗi đau mất cha chưa kịp nguôi ngoai thì lần lượt 2 người anh trai rồi người chị gái cũng bị địch giết vì đi theo cách mạng.

Nối tiếp truyền thống gia đình, 16 tuổi, Hà Thị Tính tham gia hoạt động cách mạng, 20 tuổi trở thành nữ Chủ tịch hành chính xã đầu tiên và cũng là duy nhất của huyện Nghi Xuân lúc bấy giờ. 22 tuổi, mẹ lấy chồng. Chồng mẹ là đồng chí Trần Văn Minh, người hàng xóm thân thiết, người chiến sỹ kiên trung đã hy sinh anh dũng mà cả cuộc đời, nghĩa vợ chồng chỉ vỏn vẹn sống với nhau được 10 ngày đêm ngắn ngủi trong những lần về phép.

"Gia tài" chồng mẹ để lại là 3 người con. Nhưng thật không may, người con trai duy nhất của mẹ, anh Trần Văn Sơn, ngay từ khi lọt lòng đã bị tật nguyền. Nhìn mẹ Tính lọ mọ bước lên cầu thang chăm sóc đứa con trai nằm bất động tại chỗ, chúng tôi không khỏi chạnh lòng.

Mẹ Tính bên đứa con tật nguyền.

Trong câu chuyện của mẹ, những giọt nước mắt hờn tủi cứ thế lăn dài trên đôi gò má đã nhăn nheo. Mẹ nói với chúng tôi rằng: "Đời tui bất hạnh nhiều rồi, nỗi đau nào cũng đã từng trải nên không tiếc gì nữa. Chỉ thương thằng Sơn, năm nay tui đã bước sang tuổi thất thập rồi, nói dại chứ lỡ mai đây có chuyện gì ai sẽ chăm sóc cho nó?".

40 năm làm bạn với cuốn nhật ký cuộc đời

Năm tháng đi qua, vết thương của chiến tranh chưa bao giờ nguôi ngoai trong tâm hồn mẹ thì nỗi đau của thời bình vẫn từng ngày, từng giờ cào xé tâm can. Dẫu vậy, mẹ Tính không bao giờ sống với những ám ảnh của cả quá khứ và thực tại, mẹ vẫn âm thầm như cây xanh mang sự sống đến với đời, lặng lẽ tỏa bóng những mong đem lại điều tốt đẹp nhất cống hiến cho xã hội.

Ấy là vào năm 2005, khi thông tin về em Ngô Văn Thành ở xóm Đồng Phú, xã Đồng Thành, huyện Yên Thành lần thứ 3 trúng tuyển vào Đại học nhưng đành lỡ hẹn với giảng đường vì gia cảnh quá nghèo, mẹ Tính đã viết thư động viên và ngỏ ý giúp đỡ Thành. Mẹ bày tỏ tâm nguyện nếu Thành thi đỗ Đại học Vinh thì mẹ sẽ giúp đỡ một phần về vật chất và lo nơi ăn, chốn ở cho em trong suốt những năm tháng giảng đường. Chính từ lá thư này mà hàng trăm nhà hảo tâm đã ra tay cứu giúp Thành, để em được hoàn thành tâm nguyện học đại học…

Đã gần 40 năm qua - kể từ ngày chồng hy sinh, mỗi khi các con chìm vào giấc ngủ là mẹ Tính lại lần giở những trang nhật ký để gửi gắm lòng mình. Trong nhường ấy thời gian, cuốn nhật ký chính là người bạn tâm giao, là nơi để mẹ trút bầu tâm sự. Mẹ Tính dành phần lớn cuốn nhật ký để viết về người chồng yêu quý, người bạn đời tâm giao dẫu rằng mẹ chỉ được sống trọn nghĩa vợ chồng có 10 ngày. Thế nhưng, với mẹ bấy nhiêu thôi cũng là trọn đạo.

Không trách cứ người chồng đã dành phần lớn cuộc đời mình cho quê hương đất nước. Bên cạnh những dòng chữ trải lòng mình cho sự nhớ nhung vò võ, trang nhật ký của mẹ cũng không ít những nỗi niềm hạnh phúc. "Nhận thư anh vào một buổi chiều tà khi hoàng hôn đang từ từ buông xuống, những ngọn gió phóng túng đầy hương vị ngọt ngào của đồng lúa quê hương từ xa tít tắp thổi về mát rượi khiến lòng em bồi hồi xúc động. Anh ơi! Mỗi lời dặn của anh là một nguồn sức mạnh giúp em đạp băng mọi khó khăn trở ngại. Mẹ con em sẽ đón anh ngày ca khúc khải hoàn…".

Mẹ cũng chưa bao giờ có ý định xuất bản hay đưa cho ai giữ gìn, đơn giản chỉ vì "đó là tâm sự của riêng cuộc đời tôi, còn sống ngày nào tôi còn tiếp tục viết. Cùng với các di vật mà cha và chồng còn để lại được, từ lâu tôi đã coi cuốn nhật ký như một phần cuộc sống của chính mình"…

Hoàng Mai
.
.
.