Người tiên phong đưa cây lúa nước lên vùng cao Thừa Thiên - Huế

Thứ Hai, 12/01/2015, 13:00
Với mong muốn giúp người dân thôn bản có cuộc sống no ấm, thoát được cảnh đói nghèo, già làng Lê Minh Rói (60 tuổi, ở thôn Lê Ninh, xã Hồng Bắc, huyện A Lưới, Thừa Thiên- Huế) đã tìm cách học hỏi để đưa cây lúa nước của đồng bào miền xuôi lên bản làng miền ngược, phát triển kinh tế hộ gia đình...

Chiến tranh đã lùi xa, con đường ven suối dẫn lên Di tích lịch sử quốc gia đồi A Bia đầy rẫy hố bom, đạn năm nào giờ đã được phủ xanh bởi những ruộng lúa nước tươi tốt. Ông Lê Văn Sinh, Phó Bí thư Đảng ủy xã Hồng Bắc, cho biết: “Sau chiến tranh, khu vực này được xem là vùng đất chết, bởi người dân không biết trồng cây gì để phát triển kinh tế.

Cũng may lúc ấy ông Rói đã tiên phong đi tìm hướng thoát nghèo và học được cách trồng lúa nước của người dưới xuôi rồi về dạy cho người dân ở thôn bản nơi đây. Nhờ thế mà hôm nay bà con dân bản không những có cuộc sống sung túc; mà cảnh quan, môi trường bao quanh di tích đồi A Bia đã được thay đổi hoàn toàn”.

Ông Sinh nói thêm: “Chính cây lúa nước do già Rói “khai sinh” đã giúp người dân dần bỏ tập quán du canh, du cư và “chặt, cốt, đốt, trỉa” để canh tác lương thực như trước đây. Không những giúp người dân Lê Ninh có cái ăn, cái mặc, thoát nghèo nhờ cây lúa nước mà sau này, khi Nhà nước đầu tư nhiều công trình thủy lợi dẫn nước về những vùng khô hạn thì người dân ở nhiều thôn của xã như Tân Hối, Lê Lộc, Pa Đu... cũng học cách trồng lúa nước từ già Rói. Hiện toàn xã trồng khoảng 100ha lúa nước, với năng suất đạt từ 2 đến 2,5 tạ/sào đã giúp nhiều hộ dân thoát nghèo bền vững, có của ăn của để và nuôi con cái học hành đầy đủ”…

Nhưng, với bản tính chân thành, mộc mạc, già Rói chỉ cười hiền và cho rằng, việc tìm tòi đưa cây lúa nước ở đồng bằng lên vùng cao là trách nhiệm của một người con được sinh ra ở bản làng Lê Ninh. Già kể: Sau ngày đất nước giải phóng, cuộc sống của hàng trăm hộ dân ở thôn bản Lê Ninh chỉ biết dựa vào cây lúa Ra Dư. Nhưng, loại giống lúa có hạt gạo thơm ngon được dân làng ví là “hạt ngọc trời” này lại được mất theo từng vụ mùa nên bà con luôn bị đói ăn. Năm 1977, khi biết tin xã bên có người về xuôi học được cách trồng lúa nước và trồng thành công nên già cũng lặn lội về xuôi để học thử. Sau những chuyến vượt núi, băng đèo hàng chục cây số để đi học cách trồng lúa nước và nhờ sự giúp đỡ của già làng Quỳnh Nót, già Rói đã trồng thử nhiệm thành công cây lúa nước.

Già Rói hướng dẫn cho người dân chăm bón lúa nước.

“Lúc ấy, già vui mừng một thì bà con dân bản trong vùng vui mừng mười. Già đã cùng với một số hộ dân trong bản đi đến thung lũng gần các con suối A Túc, A Ta để khai hoang, vỡ đất và gieo giống. Để đất được tơi xốp, già học cách đẽo lưỡi cày, ủ phân bón, làm thủy lợi cấp nước cho ruộng lúa nữa đấy”, già Rói nhớ lại… Vụ mùa năm đó, bản làng mừng như có hội, khi già Rói và 20 hộ dân đầu tiên trong thôn bản cùng trồng cây lúa nước đã thu về hàng chục a chói (dụng cụ gùi hàng hóa của người bản địa- PV) đựng đầy hạt lúa vàng óng ánh. Dân bản Lê Ninh thoát cảnh đói ăn từ đó! Thế rồi, cây lúa nước dần thay đổi nhận thức và tập quán canh tác, làm nương rẫy của người dân ở xã miền núi này.

Đến hôm nay, ông Hồ Văn Điêng (65 tuổi, ở thôn Lê Ninh), hiện là chủ của 3 mảnh ruộng 0,7ha nằm một bên lưng ngọn đồi A Bia vẫn không thể nào quên được cảm giác khi đặt lưỡi cày đầu tiên lên mảnh ruộng của gia đình. Ông Điêng bảo: “Ngày ấy, vì đất đai nằm dưới chân đồi khô cứng nên già Rói đã dạy cho vợ chồng mình cách dùng trâu cày ruộng như người miền xuôi. Thế mà hiệu quả thật, chỉ một buổi sáng mà mình đã cày gần xong mảnh ruộng lớn. Rồi ông ấy còn chỉ bà con cách dùng những thân gỗ rỗng ruột hoặc ống tre để đưa nước từ suối về ruộng. Nhờ thế mà cây lúa nước dần gắn bó và trở thành cây trồng chủ lực của thôn bản trong nhiều năm qua”…

Với những đóng góp cho sự phát triển của quê hương, già Rói được các cấp của tỉnh Thừa Thiên- Huế tặng nhiều bằng khen, giấy khen trong phong trào “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Già còn được người dân bầu chọn giữ nhiều chức vụ ở xã Hồng Bắc...

Anh Khoa
.
.
.