Người thừa kế bài thuốc quý của Ama Kông
Đó là y sỹ Khăm Phết Lào, người con thứ 7 của "vua voi" Ama Kông. Thật khó tin, tôi gặp ông tại Hà Nội chứ không phải ở bản Đôn của núi rừng Tây Nguyên. Khăm Phết Lào dự định chỉ ở Hà Nội hai hôm nhưng vì chú voi Khăm Bun (Khăm Bun đang bị vết thương nặng ở chân) của Liên đoàn Xiếc Việt Nam nên ông ở lại.
>> Con trai Ama Kông chữa bệnh cho voi Khăm Bun
Dõi theo hành trình chữa bệnh cho voi của ông, tôi còn khám phá ra mối quan tâm đặc biệt của các quý ông và cả các quý bà về bài thuốc gia truyền "chồng uống vợ khen" mà ông được cha đẻ cho quyền thừa kế.
1.Với chất giọng lơ lớ rất đặc trưng và nước da nâu bóng đậm màu nắng, gió Tây Nguyên, ai cũng dễ dàng nhận ra bản sắc của con người vừa đến từ vùng đất bazan, Khăm Phết Lào.
Vẻ mộc mạc, chân thành của ông khiến những người mới gặp đã mến ngay. Ngay cả chú voi tên La ở Liên đoàn Xiếc Việt Nam cũng đón tiếp ông và 3 người đi cùng đến từ Tây Nguyên bằng nghi thức chào trịnh trọng làm ai cũng kinh ngạc. "Hẳn là nó nhận ra mùi của đồng loại vì mình hay cưỡi voi mà", Khăm Phết Lào bảo thế.
Hay khi tiếp cận, khám bệnh cho chú voi con Khăm Bun (Khăm Bun có nghĩa là con voi đẹp), Khăm Phết Lào cũng dễ dàng chơi đùa với nó. Khăm Bun dùng chiếc vòi để vờn, còn Khăm Phết Lào nhẹ nhàng đặt tay lên đấy.
Khám bệnh cho voi. |
Thấy có người định giơ tay ra bắt chiếc vòi của Khăm Bun, ông liền ngăn lại và giải thích, làm như thế rất nguy hiểm. Nếu chú voi tức giận, nó dùng vòi quấn và quật mạnh thì chỉ có gẫy tay. Nói rồi, ông lại dạy cách làm thân với chú voi bằng cách nhẹ nhàng đặt tay lên vòi của nó và vỗ nhẹ.
Chiều 15/5, Khăm Phết Lào nhận lời mời của Vườn thú Hà Nội tới thăm và giúp "điều trị" cho voi đã nuôi 17 năm nhưng vẫn bất trị có tên Krông. Năm 1992, Krông được chuyển từ buôn Đôn ra Vườn thú, lúc này nó còn là một chú voi con dễ thương. Những người chăm sóc còn cho nó đi dạo trong công viên, dễ dàng điều khiển nó.
Thế nhưng, càng lớn, Krông càng khó bảo. Nhất là vào thời kỳ động đực, Krông làm cho những người chăm sóc nó khốn khổ. Nó giằng co, giẫy giụa làm xích kêu xủng xoảng và thái độ lúc nào cũng như thách thức.
Thi thoảng, nó lại mắc bệnh đái giắt. Để điều trị cho Krông, bác sỹ thú y của Vườn thú buộc phải chế ra một loại bơm tiêm đặc biệt được nối từ cây gậy và xơranh để đứng từ xa với vào tiêm chứ không thể đến gần.
Chính bởi tính hung hãn và khó thuần dưỡng của Krông nên công nhân vệ sinh dọn rửa chuồng mỗi ngày cũng gặp rất nhiều khó khăn. Thế nên, khi được tin Khăm Phết Lào đang có mặt ở Hà Nội, đại diện Vườn thú đã mời ông đến thăm và hướng dẫn dạy chú voi khó bảo này.
Cuối giờ chiều nên người tham quan Vườn thú không đông, voi Krông xích chân đang đứng trong khu chuồng thú dữ, trước mặt là đống bắp ngô non. Cán bộ Vườn thú mở cổng nhưng Khăm Phết Lào không lại gần, ông đi vòng quanh chuồng và chọn vị trí thuận lợi để quan sát chú voi này. "Voi một ngà, đàn bà một mắt, con voi này hung dữ lắm đây", Khăm Phết nói. Bác sỹ thú y của Vườn thú giải thích, Krông chỉ có một ngà vì một cái bị sâu, gãy.
"Vậy thì càng dữ tợn hơn", Khăm Phết Lào khẳng định. Rồi ông lại giải thích và viện dẫn, một chủ voi ở buôn Đôn bị voi húc chết. Người chủ này đã cưa một cái ngà của nó đi.
Vẻ ngoài, con voi này có vẻ cam chịu, hàng ngày vẫn lên rừng hoặc chở khách du lịch. Thế nhưng, trong thâm tâm nó vẫn thù người đã cưa ngà của mình nên tìm cách báo thù. Voi Krông do bị sâu, gãy ngà nên nó có thời gian bị đau đớn hành hạ, cộng với những bức bối về mặt sinh lý nên con voi này rất khó bảo. Giá như khi nó còn bé, việc thuần dưỡng được thực hiện ngay thì thuận lợi hơn rất nhiều, Khăm Phết Lào tiếc rẻ.
Quan sát kỹ hơn Krông, Khăm Phết Lào bảo, đây là chú voi mà những người nuôi voi ở buôn Đôn không bao giờ nuôi trong nhà.
Mọi người cùng ngạc nhiên, còn ông lại giải thích "không chỉ dữ, mà đây còn là con voi phản chủ. Nếu nuôi nó trong nhà, nó sẽ hại chủ. Còn thả vào rừng tự nhiên, nó sẽ phá hoại nhà cửa, hoa màu và tìm cách hại người".
Nói rồi, ông chỉ ra căn cứ, thứ nhất, chú voi này không chịu đứng yên lấy 1 giây, đầu, cổ lúc nào cũng lắc lư. Thứ hai, tai chú ta lúc nào cũng dựng chứ không phe phẩy nhẹ nhàng như những chú voi khác, đây chứng tỏ là nó luôn ở trạng thái căng thẳng. Thứ ba, lông môi dưới của voi quặp vào trong.
Nghe Khăm Phết Lào nói vậy, những người chăm sóc Krông rối rít hỏi cách "điều trị". Nếu ở Tây Nguyên, sẽ dùng hai con voi có uy quyền hơn để kẹp nó lại, rồi dùng dây thép cố định đầu tại vị trí cổ, hai bên tai. Nếu nó cựa quậy sẽ bị đau đớn. Và cần thiết thì bỏ đói. Một thời gian ngắn sau, nó sẽ bị khuất phục. Tuy nhiên, do bản tính của Krông nên những người gần gũi với nó kể cả khi đã thuần dưỡng cũng phải cảnh giác, bởi vì không ai lường trước được điều gì sẽ xảy ra.
Với tình trạng nuôi nhốt ở Vườn thú như hiện nay, để Krông thuần tính hơn, người chăm sóc nên tiếp cận dần dần bằng cách đứng từ xa dùng gậy buộc khăn gãi nhẹ lên người nó. Đồng thời, phải liên tục gọi tên cho nó quen tiếng.
2. Những lúc đi cùng với Khăm Phết Lào, tôi thấy điện thoại của ông liên tục nhận được các cuộc gọi tư vấn và đặt mua thuốc. Có phụ nữ ở Phú Thọ muốn đặt mua hai thang thuốc cho chồng. Có người ở Bắc Giang cũng hỏi mua thuốc…
Tôi từng nghe nói về bài thuốc gia truyền có tác dụng tăng cường sinh lực cho các quý ông, nhưng đến khi chứng kiến sự sốt sắng tìm mua của các bà vợ, mới thấy sự quan tâm lớn lại dành cho các quý bà. Hẳn là phụ nữ thường cẩn trọng nên họ tìm cho bằng được người đang sở hữu bài thuốc gia truyền để đặt mua.
Bạn đọc còn nhớ, cách đây ít lâu đã xảy ra việc tranh chấp chủ quyền bài thuốc gia truyền Ama Kông giữa "vua voi" với bác sỹ Hồ Việt Sang. Pháp luật đã bảo vệ lẽ phải và Ama Kông được công nhận là chủ nhân của bài thuốc gia truyền lừng danh này.
Trong số 21 người con, Khăm Phết Lào là người say mê nghề thuốc nên ngay từ nhỏ, Ama Kông đã truyền thụ cách lựa chọn, thu hái, sơ chế và sử dụng các loại cây thuốc quý.
Sau này, cùng với những kiến thức học từ sách vở (Khăm Phết Lào là y sỹ đông y), kết hợp với bí quyết gia truyền học từ bố, Khăm Phết Lào đã pha chế ra một số bài thuốc khác bổ sung vào số lượng các bài thuốc đã nổi danh.
Từ một người chỉ biết vào rừng thu hái cây thuốc, chế tạo ra phương thuốc để sử dụng cho bản thân và rồi tiếng lành đồn xa, nhiều người tìm đến uống thử và đặt vấn đề mua bán. Rồi có người đặt vấn đề nghiên cứu và ông cho cùng đi vào rừng hái thuốc rồi có ý đồ chiếm đoạt. Để đòi quyền lợi chính đáng, Ama Kông phải nhờ đến pháp luật. Hiện nay, ông đã 98 tuổi.
Ông đã viết di chúc thừa kế bài thuốc cho con trai mình là Phăm Phết Lào, người mà khi mới 9 tuổi đã theo cha vào rừng nhận dạng cây thuốc, khi lớn lên theo nghề thuốc. Nhận được sự tin tưởng của cha, Khăm Phết Lào phải chịu trách nhiệm bảo tồn, giữ gìn thương hiệu.
Trong bối cảnh hiện nay, khi không chỉ ở Tây Nguyên, mà còn nhiều tỉnh, thành khác, nhiều người nhái thuốc Ama Kông để bán kiếm lời thì việc giữ gìn thương hiệu bài thuốc lại càng khó khăn.
Tìm kiếm trên mạng, tôi dễ dàng tìm được các địa chỉ quảng cáo bán thuốc Ama Kông. Tôi hỏi Khăm Phết Lào, có phải ông đặt đại lý ở TP Hải Dương, tỉnh Hải Dương thì ông lắc đầu. Thế mà khi đưa thông tin lên mạng, người ta không chỉ rao bán 500.000đ/bình/10lít rượu ngâm thuốc Ama Kông mà còn đăng tải thông tin, hình ảnh của "vua voi" lẫn người được quyền thừa kế bài thuốc Khăm Phết Lào cứ như thật. Lại có cả một người quảng cáo là bác sỹ, in kèm thêm số điện thoại rao bán thuốc Ama Kông. Khi nghe tin này, Khăm Phết Lào chỉ biết lắc đầu.
Ông cho biết, thuốc Ama Kông chỉ bán tại nhà riêng, không có đại lý uỷ quyền nào khác. Người mua có thể đến nhà hoặc đặt chuyển khoản, ông sẽ giao hàng bằng đường bưu điện.
Đâu là sự thực về phương thuốc bí truyền bổ dương? Tôi hỏi Khăm Phết Lào. Ông bảo rằng, bài thuốc có tác dụng trị đau lưng, kém ăn, mất ngủ, đau dây thần kinh, bổ thận, tráng dương…
Từ năm 2001, bác sỹ Cao Minh Toản đã thực hiện đề tài "Kiểm kê lại và lập kế hoạch bảo tồn một số cây thuốc quý hiếm ở Đắk Lắk", đánh giá được trữ lượng của 56 cây thuốc quý trên địa bàn tỉnh và đề xuất kế hoạch bảo tồn, trong đó đáng chú ý bài thuốc của ông Ama Kông, bản Đôn. Theo kinh nghiệm dân gian, thuốc có tác dụng bổ thận, ích tinh, tráng dương, chữa đau lưng nhức mỏi… mà vị thuốc quan trong nhất là thân cây Tơm Trơng.
Năm 2006, Đại học Huế đã thực hiện đề tài "Sưu tầm, định danh, xác định thành phần hóa học và tính chất sinh học một số cây thuốc của dân tộc bản địa tỉnh Đắk Lắk", trong đó đã tìm câu trả lời, cây Tơm Trơng, một trong những vị thuốc chủ đạo của bài thuốc gia truyền Ama Kông là thế nào.
Theo kết quả nghiên cứu, cây Tơm Trơng là loại cây bụi leo, thân gỗ, có mủ trắng, chồi lá phủ đầy lông mềm, cành ngọn có đường kính 1,5-2mm, phủ đầy lông ngắn, lá mọc đối hình xoan hay xoắn bầu dục thon, dài 3,5 - 5cm, rộng 1,5cm - 2,5cm, mặt lá nhẵn, có nhiều lông mềm, gân sơ cấp 6-7 đôi, trong suốt, cuống lá khoảng 4-5mm phủ lông.
Định lượng alcaloid, phytosterol cho thấy, thành phần phytosterol có một số tác dụng quan trọng: chống xơ vữa động mạch, ung thư, chống ôxy hóa, chống loét, chống nám. Phân tích hàm lượng các nguyên tố đa lượng và vi lượng, xác định 15 thành phần vô cơ và nguyên tố vi lượng gồm: K, Ca, Mg, Fe, Mn, Ni, Se, Li, Co…
Những câu chuyện về "vua voi" Ama Kông, khi đã 80 vẫn cưới được vợ trẻ và sinh con cùng những đồn thổi về bài thuốc của ông khiến cho ngày càng nhiều người săn lùng thuốc Ama Kông.
Trước tình trạng thuốc giả, thuốc nhái, Khăm Phết Lào khuyên người mua nên tìm đúng địa chỉ. Và cùng với nó, các đức lang quân cần rèn luyện thể lực chứ không có loại thuốc tiên nào có thể giúp cải thiện "năng lực" khi cơ thể họ ốm o