Người thầy đặc biệt và lò luyện thi giữa cánh đồng
Số phận đau thương của chàng sinh viên trường Mỏ
Thời hoàng kim nhất của chàng trai tỉnh lẻ Nguyễn Khắc Luân khăn gói từ Hà Tĩnh ra Hà Nội nuôi ước mơ giảng đường là những năm tháng dùi mài kinh sử ở Trường Đại học Mỏ - Địa chất. Thế rồi, ở cái Khoa Khai thác mỏ lộ thiên ấy, tiếng đồn về nam sinh Luân cù mì nhưng học giỏi, hát hay đã nhanh chóng nổi như cồn.
Cánh cửa tương lai đang rộng mở bất chợt rẽ sang một lối khác trong một hoàn cảnh mà ngay cả Luân cũng không ngờ đến. Năm thứ tư, Luân mắc một căn bệnh mà những tưởng chỉ có ở người già, ấy là gai đôi cột sống. Ban đầu, cứ nghĩ chỉ là những cơn đau mỏi xoàng xĩnh, nhưng rồi ngày nọ, một buổi sáng thức giấc Luân đã không tài nào nhấc mình nổi ra khỏi giường thì mới biết là đã quá nghiêm trọng. Bắt đầu là những ngày tháng vừa dặt dẹo khắp các bệnh viện lớn nhỏ ở Hà Nội để điều trị, vừa kè kè cuốn tập bên mình để hoàn thành nốt chương trình đại học. Bước sang năm cuối thì Nguyễn Khắc Luân quỵ hẳn, cậu phải xin bảo lưu kết quả để điều trị. Trầy trật mãi mới lấy được tấm bằng tốt nghiệp.
Ra trường, căn bệnh cũng thuyên giảm và Luân được điều về công tác ở vùng mỏ Quỳ Hợp (Nghệ An). Vốn sức khỏe yếu, lại quăng quật với hàng tá công việc nên chỉ một thời gian rất ngắn, căn bệnh cũ tái phát. Chàng kỹ sư trẻ trở về quê với hành trang là hai chân tóp, ốm liệt giường và tâm lý khủng hoảng cùng cực. Một thời gian dài không đi lại được, Luân đã hắt hủi với tất cả, bất nhẫn với chính mình và cả mọi người xung quanh. Cuộc sống vui đã đóng sập cánh cửa trước mắt, lúc anh chấp nhận cuộc đời sẽ mãi gắn chặt với chiếc giường tre ọp ẹp thì kỳ diệu thay, anh đã đột ngột đứng dậy. Ấy là trong một lần đội văn nghệ của làng đến sân nhà anh diễn tập để nhờ anh chỉ bảo (Luân trước kia là cây văn nghệ của trường).
Trong niềm vui bất chợt, anh bỗng thấy tâm hồn lâng lâng niềm vui sống, háo hức với những lời ca tiếng hát, anh trở thành người đặt lời mới cho các bài hát và cố vấn về ý tưởng cho các tiết mục văn nghệ. Như một sự tri ân, trong những lần dìu anh đi xem các tiết mục văn nghệ, đôi chân của Luân đã tự bước đi. Thế rồi, cùng với thời gian và sự nỗ lực của bản thân, căn bệnh quái ác kia cũng lui dần. Trở lại là người bình thường, nhưng nghĩ mình đã mất tất cả, Nguyễn Khắc Luân lại thấy chán chường, anh bỏ nhà ra đồng sống biệt lập, thuê cả một vùng đất chiêm trũng bỏ hoang để nuôi cá...
Người mở cánh cổng trường đại học cho học sinh nghèo
Khi lán vừa mở được mấy hôm thì anh gặp 4 cậu thanh niên choai choai đi chăn vịt đang rủ nhau vào các tỉnh miền
Thế rồi sự miệt mài ấy cũng được báo đáp, kỳ thi đại học năm đó, cả 4 em được thầy bổ trợ kiến thức đều đậu đại học. Trong đó, Nguyễn Bá Phong thi đậu Trường Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội, nay mở công ty xây dựng hoạt động tại địa phương; Phan Văn Thanh và Phan Duy Nghĩa thi đậu Trường ĐHSP Hà Nội I, hiện giờ một người là giáo viên Trường THPT Hương Khê và người kia là Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Sơn Long (Hương Sơn, Hà Tĩnh). Một người khác thi đậu cao đẳng nghề và thành đạt ở TP Hồ Chí Minh.
Tiễn 4 em lên đường nhập học, Luân lại dạy học cho 6 học sinh khác. Anh cho biết, lần ấy, cảm thương hoàn cảnh của anh mà các em đã gom góp được 7.500 đồng tiền "học phí", chẳng thể tin nổi nhưng cầm mấy nghìn tiền lẻ của các em, thầy cứ rưng rưng nước mắt. Sau lớp học với 6 em này cũng dắt tay nhau vào đại học thì tiếng đồn về người thầy tật nguyền dạy học đã bắt đầu được truyền tai nhau. Các em học sinh ùn ùn kéo đến lán canh cá.
Năm 1999, anh chính thức tập hợp các em học sinh lại thành một lớp với 30 em, che chắn thêm lán trại rồi thầy trò tựa lưng vào nhau miệt mài rèn chữ. Kỳ thi đại học năm ấy, 27 trong tổng số 30 em học tại lán canh của Luân đã bước vào cánh cổng trường đại học. Ngày nhà giáo, các em đã ùa về làm xôn xao căn nhà bé nhỏ, trong niềm vui đoàn viên, các em đã không gọi "anh" như ngày thường nữa mà gọi bằng "thầy". Thầy Luân được biết đến từ đấy. Từ khi bén nghề đến nay, thầy đã dạy cho khoảng 12 khóa với hàng trăm học sinh. Bình quân mỗi năm có từ 40 - 50 học sinh tham gia lớp học của thầy đậu đại học, cao đẳng. Năm 2009, có gần 70 em đã được chắp thêm đôi cánh giảng đường. Đặc biệt như năm 2005, thầy mở lớp dạy kiến thức từ lớp 10 đến lớp 12 trong suốt 3 năm cho 40 em thì có 38 em đậu đại học.
Chuẩn bị cho kỳ tuyển sinh sắp tới, thầy đang bổ trợ kiến thức cho 6 lớp khối 12. Nhiều là vậy nhưng vẫn không đáp ứng hết nguyện vọng của các em. Nhiều hôm nhìn các em đến nhưng không đủ chỗ ngồi, lủi thủi dắt xe ra về mà thương nao lòng.
Khi tôi hỏi về mức học phí mà các em phải đóng góp, thầy Luân chỉ cười, thôn quê nghèo lắm, mình thương các em nên làm vậy chứ chẳng nỡ nhận của chúng quá một hào. Có em vì ham học nhưng không có tiền, nhiều bữa cố đi thật sớm để mang cho thầy bơ gạo, bó rau mà ứa nước mắt. Nguyễn Khắc Luân bảo, anh có niềm động viên, khích lệ lớn là cả hai đứa con đều học giỏi, chăm ngoan. Âu đó cũng là sự tri ân kỳ diệu mà anh nhận được sau tất cả những gì anh đã trải qua, đã hi sinh và dâng hiến. |