Người "giữ lửa" đền Đô

Thứ Hai, 09/06/2008, 14:21
Dân trong vùng trìu mến gọi nhà giáo Nguyễn Đức Thìn là ông từ đền Đô, vì từ năm 1989, ông đã tham gia công việc quản lý, trùng tu di tích đền Lý bát đế khi còn là giáo viên Trường THCS Đình Bảng, huyện Từ Sơn, Bắc Ninh.

Sinh ra và lớn lên ở Đình Bảng, nơi phát tích vương triều nhà Lý, năm 11 tuổi, Nguyễn Đức Thìn đã tham gia Đội thiếu niên du kích Đình Bảng trong kháng chiến chống Pháp. Năm 1958, học xong cấp II, Nguyễn Đức Thìn làm giáo viên phong trào bình dân học vụ ở địa phương.

Sau hai năm là giáo viên dân lập kiêm Tổng phụ trách Đội thiếu niên Trường cấp II Đình Bảng, Nguyễn Đức Thìn về công tác tại Trường cấp II Tam Sơn, quê hương nhà cách mạng tiền bối Ngô Gia Tự. Ông đã góp phần đưa Trường Tam Sơn trở thành cái nôi của phong trào "Dạy tốt học tốt", "Học tập vì ngày mai lập nghiệp" trong toàn ngành Giáo dục.

Khi tài năng đang vào "độ chín" thì thật không may, đầu năm 1979, Nguyễn Đức Thìn phát hiện bị mắc bệnh phong. Nghĩ về gia đình, về tình cảm của học trò trong buổi tiễn đưa thầy lên đường trị bệnh, thầy Thìn như được tiếp thêm nghị lực để chiến thắng bệnh tật.

Vào khu điều trị phong Quỳnh Lập (Nghệ An) được ít ngày, ông nhận thấy nơi này dường như đang bị tách biệt với cộng đồng, nhất là chuyện học hành của con em bệnh nhân. Một ý tưởng mới chợt đến. Được sự ủng hộ của Giám đốc - bác sĩ Trần Hữu Ngoạn, thầy Thìn vận động mở trường, mở lớp cho các bệnh nhân trong khu.

Mùa khai trường năm 1979, cùng với học sinh cả nước, trẻ em khu điều trị phong Quỳnh Lập cũng nô nức rủ nhau tới trường. Bác sĩ Ngoạn đốt ngọn đuốc khai sinh ngôi trường mang tên Lê Văn Tám. Đó là ngôi trường của tình thương và trách nhiệm được xây lên bằng chính lương tâm của những con người nơi đây.

Cũng từ đó, khu điều trị được biết đến không chỉ về sự dũng cảm chiến thắng bệnh tật, vươn lên trong cuộc sống, mà còn vì thành tích học tập của con em bệnh nhân. Sau bốn năm điều trị, thầy Thìn hoàn toàn khỏi bệnh, song di chứng bệnh tật làm cho đôi bàn tay của thầy không còn lành lặn như xưa. Nhưng bù lại, ý chí và nghị lực của thầy như được nhân lên gấp bội.

Năm 1983, thầy Thìn chia tay Quỳnh Lập trở về với mái trường Đình Bảng ngày nào, đến năm 1991 thì về hưu. Khởi đầu từ một giáo viên bình dân học vụ, ông đã không ngừng học hỏi phấn đấu và trở thành một nhà nghiên cứu khoa học của ngành Giáo dục với hơn 30 đề tài được áp dụng và phổ biến rộng rãi trong toàn ngành, trong đó 4 đề tài được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cấp bằng Lao động sáng tạo.

Năm 1985, ông được Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý Anh hùng Lao động và năm 1988, ông được phong tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân, được tặng thưởng Huân chương Chống Mỹ, cứu nước và Huân chương Lao động hạng hai và nhiều phần thưởng vinh dự khác.

Vốn là giáo viên dạy các bộ môn khoa học xã hội, thầy giáo Nguyễn Đức Thìn có điều kiện đi sâu tìm hiểu về vương triều nhà Lý, sưu tầm các hiện vật, tư liệu phục vụ việc quản lý, bảo tồn di tích đền Đô. Năm nay 68 tuổi, ông vẫn tham gia Ban quản lý di tích xã Đình Bảng, là Tổ trưởng tổ hướng dẫn du lịch đền Đô.

Hiện nay, ông đang tiếp tục đào tạo đội ngũ hướng dẫn viên kế cận - những người sẽ tiếp tục "giữ lửa" đền Đô, ngọn lửa mà cách đây 998 năm, vua Lý Thái Tổ đã thắp lên, khai sáng kinh thành Thăng Long - Thủ đô nước Việt Nam ta

Duy Cảnh
.
.
.