Người dân vùng núi Quảng Trị chung tay bảo vệ rừng
- Ươi trúng mùa, Quảng Nam tăng cường bảo vệ rừng
- Bến Tre triển khai các biện pháp trồng, bảo vệ rừng ngập mặn ven biển
Ông Nguyễn Công Tuấn, Giám đốc Ban Quản lý rừng (BQLR) phòng hộ Hướng Hóa - Đakrông chia sẻ rằng, ông đã có gần 20 năm gắn bó với núi rừng ở đây nên hiểu khá rõ của người Pa Cô và Vân Kiều về quan niệm, ứng xử với núi rừng. Đó là tình cảm thiêng liêng, khắng khít giữa con người với thiên nhiên.
Tuy nhiên, thời gian qua, do có không ít đối tượng ngoài địa phương đến làm ăn, dụ dỗ, móc nối nên một số người vì ham vật chất mà khai thác rừng và săn bắt động vật hoang dã trái phép. Hậu quả, không ít vùng rừng bị xâm hại, tàn phá; muông thú bị bẫy bắt, giết hại ngày càng cạn kiệt… khiến công tác bảo vệ rừng ngày càng trở nên khó khăn, đối mặt với không ít hiểm nguy.
Người dân cùng lực lượng chức năng tuần tra bảo vệ rừng Hướng Hóa - Đakrông. |
“Đơn vị chúng tôi hằng quý, hằng năm đều tổ chức những cuộc gặp mặt, động viên, tuyên truyền bà con bảo vệ, phát triển rừng. Song tình trạng khai thác lâm sản trái phép vẫn xảy ra, có không ít vụ với tính chất, mức độ phức tạp, nghiêm trọng. Trước tình hình đó, BQLR đã đề nghị các đơn vị Công an phối hợp, hỗ trợ tuần tra kiểm soát, phát hiện xử lý các vụ việc xâm hại rừng. Kết quả, tình trạng này giảm đáng kể. Đặc biệt, nhờ sự hỗ trợ của Công an tổ chức tuyên truyền pháp luật cho người dân về bảo vệ rừng; công tác gọi hỏi, răn đe, giáo dục các đối tượng có hành vi xâm hại rừng, đã đem lại nhiều kết quả đáng kể”, ông Tuấn nói.
Theo lời kể của ông Tuấn, ở bản Vùng Kho, xã Đakrông, huyện Đakrông có một thanh niên tên Thuận nhiều lần lén lút khai thác rừng trái phép. Các cán bộ BQLR tìm cách tiếp cận để vận động, tuyên truyền Tuấn hợp tác bảo vệ, phát triển rừng, nhưng anh ta luôn lánh mặt, từ chối nói chuyện.
Một hôm ông Thuận nhận được điện thoại của cán bộ Công an phụ trách địa bàn bản Vùng Kho thông báo, Thuận đã đồng ý nói chuyện. Ông Tuấn liền đến nhà Thuận và trong cuộc trò chuyện, Thuận phân bua, vì gia đình hoàn cảnh khó khăn nên lỡ một vài lần khai thác gỗ rừng mang đi bán, nay được cán bộ Công an khuyên rất đúng nên nghe theo và cam kết không khai thác rừng trái phép nữa.
Thế nhưng, khi ông Tuấn đặt vấn đề nhận Thuận vào làm bảo vệ rừng thì Thuận từ chối. Bẵng đi gần một tháng sau, bất ngờ Thuận đến BQLR tìm gặp ông Tuấn và xin việc làm. Thuận trình bày rằng, nhờ được các anh Công an giải thích nhiều lần nên biết sai, muốn chuộc tội bằng cách góp sức làm tốt công tác bảo vệ rừng. Kể từ đó, Thuận trở thành nhân viên bảo vệ rừng rất tích cực trong công tác...
Cũng theo ông Tuấn, BQLR được giao quản lý, bảo vệ 26.000ha rừng, thuộc địa bàn 26 xã, thị trấn thuộc 2 huyện Hướng Hóa và Đakrông. Trong khi đó, đơn vị chỉ có 15 cán bộ, lại không có thẩm quyền xử phạt trực tiếp đối tượng có hành vi vi phạm lâm luật nên công tác quản lý, bảo vệ rừng rất khó khăn. Tuy nhiên, nhờ sự hỗ trợ, giúp đỡ của người dân Pa Cô, Vân Kiều nên rừng được bảo vệ và phát triển rừng tốt. Đặc biệt, khi xảy ra dấu hiệu xâm hại, phá rừng đều được kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm…
Theo lời giới thiệu của ông Tuấn, chúng tôi đến thôn Ruộng, xã Hướng Tân (Hướng Hóa) để tìm hiểu về công tác giữ rừng của người dân nơi đây. Thôn có 140 hộ dân. Qua trò chuyện, già làng Hồ Cập, năm nay tầm 70 tuổi, bảo: “Sau chiến tranh, cây rừng còn lại rất thưa thớt. Nhưng bà con đã ra sức, quyết tâm chăm sóc, trồng lại rừng. Đặc biệt, người dân có quy ước riêng để giữ vững, phát triển rừng; quy định nếu ai tự tiện chặt cây rừng sẽ bị đưa ra trước dân làng để nhắc nhở, khiển trách. Vi phạm lần đầu làng cho qua, nhưng nếu tái phạm thì làng sẽ bắt phạt cúng heo, cúng gà. Nếu chặt nhiều cây cùng một lúc, chặt cây đến lần thứ 3 thì làng không phạt nữa mà cử người báo ngay cho Công an, Kiểm lâm đến xử lý”.
Anh Hồ Văn Đu, Trưởng thôn Ruộng cho biết thêm, thôn cũng thành lập 4 tổ bảo vệ, mỗi tổ 10 người, hằng tuần băng rừng, lội suối tuần tra kiểm soát rất chặt chẽ. Nhờ đó đã kịp thời phát hiện, ngăn chặn những vụ phá rừng…