Người dân chặn xe chở than vì gây ô nhiễm môi trường
>>Dựng lều chặn xe công ty môi trường
Ngay sau khi vụ việc xảy ra, nhóm PV Báo CAND đã có mặt tại hiện trường để tìm hiểu vụ việc.
Con đường đau khổ
Vừa đặt chân đến thị trấn Mạo Khê, huyện Đông Triều, chúng tôi không còn cảm giác đây là một thị trấn sầm uất dọc QL18A bởi nhà dân 2 bên đường đã bị nhuộm đen bụi than. Nhem nhuốc nhất phải kể đến con đường từ cổng Công ty Than Mạo Khê ra đường 18A và một số khu dân cư lân cận. Đứng ở đoạn đường này mươi phút, chúng tôi chứng kiến hàng chục hộ dân để sẵn chậu thau, liên tục té nước ra đường để… chống bụi. Bác Nguyễn Đức Khánh, Phó Bí thư Chi bộ khu phố 2 cho biết, con đường này vốn là hệ thống xe goòng vận chuyển than có từ thời Pháp, ước tính trên 100 tuổi.
Khoảng 10 năm trở lại đây, nó trở thành huyết mạch vận chuyển than từ mỏ ra cảng Bến Cân. Hiện tại, từ sáng đến đêm, từng đoàn xe vận tải hạng nặng chở than nối đuôi nhau "hành quân" quần nát qua con đường này. Khi trời mưa hoặc có xe phun nước đi qua, con đường trở nên lầy lội, trơn trượt cho việc lưu thông của các phương tiện và người dân. Rồi nữa, lớp than bùn đen quánh ngập hết bàn chân giống như đi dưới… ruộng, tạo thành những chiếc hố đọng nước. Mỗi khi xe chở than đi qua, lớp bùn nhão ấy bắn tung tóe vào nhà dân hai bên đường.
Được biết, các xe tải vận chuyển than đều có trọng tải từ 25-30 tấn, với lưu lượng 80 lượt xe/3 ca/ngày. Không hề được che chắn cẩn thận và để cho kịp tiến độ, các lái xe phóng rất nhanh, gây không ít tai nạn cho người dân. Bức xúc trước sự việc trên, trong các ngày 27 và 28/6, nhiều người dân ở đây đã chặn khoảng 60 chiếc xe tải, không cho lưu thông qua con đường này. Đây là lần thứ 5, kể từ đầu năm 2011 đến nay, người dân tổ chức chặn xe chở than.
Con đường "đau khổ" đi qua khu phố 2, thị trấn Mạo Khê… Ảnh: Đăng Hùng |
Ngay sau khi vụ việc xảy ra, sáng 28/6, đại diện lãnh đạo UBND huyện Đông Triều, Công an huyện, thị trấn Mạo Khê, Công ty Than Mạo Khê đã có buổi làm việc với các hộ dân ở khu 2.
Tại buổi làm việc, đại diện UBND huyện Đông Triều đã yêu cầu Công ty Than Mạo Khê cam kết việc tu sửa đường, san lấp "ổ gà, ổ trâu", nạo vét than rơi vãi xuống đường; thường xuyên sửa chữa, nâng cấp tuyến đường nhằm đảm bảo ATGT và môi trường; tổ chức phun nước thường xuyên dập bụi; phối hợp với tổ dân phố khu 2 giải quyết những vấn đề phát sinh…
Sản xuất phải gắn liền với bảo đảm môi trường
Chiều 28/6, trao đổi với PV, ông Phạm Văn Minh, Phó Giám đốc Công ty Than Mạo Khê cho biết, do đơn hàng tồn nhiều, công ty chỉ có 40 đầu xe nên đã huy động thêm trên 20 xe của Xí nghiệp X91, thuộc Tổng Công ty Đông Bắc và Công ty Than Uông Bí vận chuyển than từ mỏ ra cảng. Vào những ngày cao điểm, lượng xe khoảng 70-80 chiếc. Trong khi đó, các lái xe ngoài công ty chạy khoán theo từng chuyến nên việc kiểm soát gặp nhiều khó khăn.
Ngay trong ngày 28/6, Công ty Than Mạo Khê đã tạm dừng tất cả các xe vận chuyển than ra cảng Bến Cân và đã tiến hành san lấp "ổ gà, ổ trâu", nạo vét lớp bùn than bám trên mặt đường, rải đá, lu nền đường, xúc dọn lại các cống thoát nước, đồng thời chỉ đạo công nhân của công ty nhanh chóng sửa chữa lại mặt đường.
Ông Minh cũng cho biết, chiều 29/6, lãnh đạo công ty đã có buổi làm việc với các lái xe yêu cầu họ chấp hành nghiêm các quy định về về tốc độ xe, đảm bảo đúng trọng tải hàng hóa vận chuyển, không xúc đầy lên thành xe, che chắn tránh rơi vãi than ra đường. Có thể thấy, đây là động thái rất cần thiết song vẫn chỉ là "giải pháp tình thế".
Điều mà người dân khu 2 mong đợi từ bấy lâu nay là một phương án khá tốn kém nhưng bảo đảm tuyệt đối cho môi trường sống ở đây là công trình băng tải ống vận chuyển than từ Xưởng sàng 56 thuộc mỏ than Mạo Khê tới cảng Bến Cân với tổng mức đầu tư 521,6 tỷ đồng. Theo thiết kế, hệ thống băng tải này có chiều dài 3,6km, vận tốc 3m/s và công suất từ 2-3 triệu tấn than/năm, không gây bụi trên đường vận chuyển; độ ồn bảo đảm tiêu chuẩn cho phép, có hệ thống thông tin liên lạc và camera giám sát dọc tuyến phục vụ cho việc quản lý sản phẩm và bảo vệ thiết bị an toàn.
Cùng với đó là dự án cải tạo, nâng cấp "hoàn nguyên" tuyến đường dài 4km từ mỏ đến cảng Bến Cân với kinh phí khoảng 36 tỷ đồng. Tuy nhiên, việc triển khai các kế hoạch trên hoàn toàn không đơn giản và phải có lộ trình. Đơn cử, việc quy hoạch tuyến đường 4km từ mỏ ra cảng dù đã được phê duyệt, chờ thi công ngay sau khi hệ thống băng tải ống đi vào hoạt động. Song vẫn đang vướng mắc ở khâu giải phóng mặt bằng nên thời gian thi công kéo dài, chi phí phát sinh xây dựng hệ thống này đã lên tới gần 1.000 tỷ đồng.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ninh, tình trạng ô nhiễm môi trường ở toàn tỉnh nói chung và khu vực Mạo Khê, Đông Triều nói riêng hiện nay là do chiến lược tăng tốc sản lượng khai thác than không đồng bộ với hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông (ngành Than chưa có tuyến đường chuyên dụng), bến cảng và các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
Tại kỳ họp HĐND tỉnh Quảng Ninh khóa XI, đại biểu Nguyễn Hùng Thắng (tổ Đông Triều) đã đưa lên bàn nghị sự những bức xúc về khu vực Tràng Lương, Mạo Khê đang lâm vào tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng chủ yếu do việc vận chuyển than gây ra. Muốn phát triển kinh tế, du lịch ở vùng kinh tế trọng điểm như Quảng Ninh không có cách nào khác vấn đề bảo vệ môi trường phải được đặt thành chiến lược quan tâm hàng đầu, bởi ngoài bảo vệ sức khỏe cho người dân thì môi trường cũng trở thành vấn đề sống còn cho sự phát triển du lịch ở đây