Người bệnh thiệt thòi vì thanh toán BHYT theo định suất
Không ai phủ nhận, việc thanh toán bảo hiểm y tế (BHYT) theo định suất đang được thực hiện thí điểm ở một số tỉnh có những ưu điểm nhất định; khắc phục được tình trạng lạm dụng xét nghiệm, lạm dụng dịch vụ kỹ thuật cao cũng như tạo cho các BV chủ động hơn sử dụng nguồn kinh phí khám chữa bệnh (KCB) và nhất là tiện lợi cho công tác quản lý của… BHXH.
Song, thực tế 2 năm triển khai thí điểm đã cho thấy, còn nhiều vấn đề cần phải cân nhắc kỹ càng. Đó là nội dung mà nhiều đơn vị y tế và BHXH các địa phương đưa ra tại hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện phương thức thanh toán theo định suất do Bộ Y tế và BHXH Việt Nam tổ chức tại Hà Nội ngày 18/4.
Khoán định suất đương nhiên buộc các bệnh viện (BV) phải tiết kiệm để tránh bội chi. Nhiều người lo ngại điều này dễ chuyển từ việc lạm dụng dịch vụ y tế khi không khoán, sang tiết kiệm quá mức, dẫn đến không cung cấp đủ các dịch vụ cần thiết. Bởi BV sẽ hạn chế đến tối thiểu việc cho bệnh nhân làm các xét nghiệm cũng như cho thuốc điều trị, để có thể dư quỹ.
Bệnh nhân đáng lẽ cần được điều trị 5 ngày thì ngày thứ 4 có thể đã phải ra viện, hoặc bệnh nhân bị 2 loại bệnh khác nhau, thông thường, các bác sĩ sẽ điều trị luôn, nhưng với cơ chế khoán, thầy thuốc sẽ cho bệnh nhân ra viện sau khi khỏi một bệnh, rồi lại nhập viện để điều trị bệnh thứ 2. Dù gì thì người thiệt thòi vẫn là bệnh nhân.
TS. Lý Ngọc Kính, Phó Chủ tịch Hội Kinh tế Y tế Việt Nam, bày tỏ: Phương pháp tính theo định suất hiện thiếu tính khoa học, đã “đẩy” khó khăn cho các BV. Phương pháp này chỉ phù hợp nếu Giám đốc BV chủ động được cả hoạt động y tế dự phòng lẫn điều trị, vì chỉ có tập trung cho công tác dự phòng mới giảm được khâu điều trị.
Nhưng mô hình hiện nay, Giám đốc BV tuyến huyện không phụ trách công tác y tế dự phòng, nên nếu công tác này không được làm tốt, thì việc khoán định suất BV sẽ gặp nhiều khó khăn. Vì thế, có thể xảy ra trường hợp chưa hết năm, đã hết kinh phí định suất, trong khi kinh phí bổ sung của BHXH chưa có vì luôn rất chậm trễ.
Do vậy, dễ xảy ra trường hợp bệnh nhân vào viện trước, thì còn kinh phí, nhưng bệnh nhân vào viện sau, thì kinh phí định suất đã hết, nên phải chịu thiệt thòi. Lẽ ra, chi trả theo định suất phải đi kèm các điều kiện cụ thể để bảo vệ quyền lợi của người bệnh.
Bà Nguyễn Thị Hiền, Sở Giáo dục - Đào tạo Cao Bằng: Việc thanh toán theo định suất buộc các Giám đốc BV phải tiết kiệm tối đa chi phí để tránh bội chi. Khi vào BV, nếu thầy thuốc hạn chế các dịch vụ y tế để tiết kiệm, đương nhiên, tôi cũng như các bệnh nhân khác sẽ yêu cầu chuyển viện để được hưởng lợi ích lớn hơn. Như vậy, sẽ dẫn đến một vòng luẩn quẩn: các bệnh viện tuyến dưới càng tiết kiệm thì người bệnh càng yêu cầu chuyển viện nhiều, dẫn đến chi phí chung rất cao, đồng thời, làm cho tình trạng quá tải thêm trầm trọng. Bà Nguyễn Kim Xuyên, thị trấn Sao Đỏ, Chí Linh, Hải Dương: Việc khoán định suất mà buông lỏng khâu kiểm tra, đương nhiên, chỉ người bệnh phải chịu thiệt thòi vì để tiết kiệm tối đa, BV sẽ không cung cấp đủ các điều kiện chữa bệnh như xét nghiệm, thuốc, dịch vụ kỹ thuật cao v.v… như mình đáng được hưởng. |