Ngư dân khốn đốn vì tàu mắc cạn

Thứ Sáu, 24/06/2011, 16:43
Gần 1 năm trở lại đây, nhiều luồng lạch ra vào cửa biển bị cát bồi lấp nặng, gây khó khăn cho tàu ra vào và gây nên hàng chục vụ tàu mắc cạn, chậm chuyến… gây thiệt hại hàng tỷ đồng cho bà con ngư dân.

Cửa biển ra vào cảng cá Tam Quan Bắc (Hoài Nhơn, Bình Định) là nơi trung chuyển hàng hóa, sản phẩm; cũng là nơi ra vào, neo đậu, tránh trú bão cho hơn 1.000 tàu thuyền trên địa bàn huyện Hoài Nhơn và các vùng phụ cận. Tuy nhiên, gần 1 năm trở lại đây, nhiều luồng lạch ra vào cửa biển bị cát bồi lấp nặng, gây khó khăn cho tàu ra vào và gây nên hàng chục vụ tàu mắc cạn, chậm chuyến… gây thiệt hại hàng tỷ đồng cho bà con ngư dân.

Cửa biển ra vào cảng cá Tam Quan Bắc tính từ kè đá đến núi Trường Xuân rộng khoảng 100m. Những năm trước, tàu có công suất từ 90 - 400CV có thể dễ dàng ra vào cảng mỗi ngày. Tuy nhiên, từ đầu năm 2011 đến nay, tàu cá có công suất 90CV gặp rất nhiều khó khăn khi lưu thông ra vào cảng.

Hiện nay, tại cửa biển Tam Quan Bắc hằng ngày có hàng trăm mét khối cát bị sa bồi từ đoạn hòn Gành Gà đến sát núi Trường Xuân chảy về cửa biển gây nên tình trạng cát bồi lấp nhiều luồng lạch. Nhiều đoạn luồng lạch, cửa biển độ sâu mực nước để đảm bảo an toàn cho tàu cá ra vào cảng hiện chỉ còn chưa tới 1m, diện tích cửa biển rộng 100m đến hiện tại chỉ còn vỏn vẹn 20m nằm ở phía kè đá, nhiều tàu cá phải luồn lách qua "cửa tử" mới có thể vào được cảng.

Tàu thuyền ở cảng cá Tam Quan Bắc (Hoài Nhơn) gặp khó khăn trong việc tìm nơi neo đậu Ảnh: Quang Trung

Ông Phạm Bảo Ngọc, Phó Chủ tịch UBND xã Tam Quan Bắc, cho biết: "Suốt hơn 1 năm qua tình trạng cát bồi lấp đã và đang thu hẹp dần cửa biển. Hàng chục tàu cá ngư dân ra vào cửa biển bị mắc cạn, nhiều vật dụng như bánh lá, mạn thuyền… bị vỡ, gây thiệt hại cho ngư dân".

Từ đầu năm 2011 đến nay, vấn nạn cát bồi lấp cửa biển diễn ra ngày càng trầm trọng hơn, cát từ hòn Gành Gà mỗi khi gặp thủy triều lên chảy mạnh đổ về cửa biển tạo nên những doi cát nhô lên mặt biển, nhiều nơi mặt nước chỉ sâu vỏn vẹn 1m đến 2m. Các tàu cá có công suất dưới 90CV muốn vào hoặc ra, các thuyền trưởng điều khiển tàu đều phải hết sức cẩn thận quan sát luồn lách qua các doi cát mới có thể qua được, nếu không rất dễ bị mắc cạn.

Theo thống kê của Trạm kiểm soát cảng cá Tam Quan Bắc, từ đầu năm 2011 đến nay đã có hàng chục chiếc tàu hành nghề đánh bắt cá ngừ đại dương và một số loại thủy hải sản khác bị mắc cạn và bị sóng đánh dạt vào bờ đá mỗi khi ra hoặc vào cảng Tam Quan Bắc, trong đó, có 1 tàu bị chìm hoàn toàn, 3 thuyền bị vỡ mạn và hàng chục tàu thuyền bị gãy bánh lái, gây thiệt hại hơn 1 tỷ đồng.

Không chỉ dừng ở nỗi lo tàu cá bị mắc cạn, chậm chuyến mỗi khi phải ra vào cảng Tam Quan Bắc. Giờ đây, một nỗi lo hiện hữu trước mắt hàng trăm ngư dân và hơn 1.000 tàu thuyền đánh bắt thủy hải sản là vấn đề trú ngụ mỗi khi gặp thời tiết xấu bất thường. Nhất là khi mùa mưa bão, nếu chẳng may có một tàu cá mắc cạn thì sẽ rất khó cho các tàu cá khác vào neo đậu.

Ông Phạm Bảo Ngọc cho biết thêm: Thời gian qua, được sự hỗ trợ kinh phí của tỉnh, huyện, ngân sách xã và sự đóng góp của ngư dân, địa phương đã đầu tư 800 triệu đồng để nạo vét, khơi sâu luồng lạch tạo điều kiện để tàu thuyền ra vào cảng an toàn. Từ đầu tháng 5 đến nay, đơn vị thi công đã nạo vét, đưa lên bờ 11.500m3 cát. Tuy nhiên, theo chính quyền địa phương, việc nạo vét cát bồi lấp hiện chỉ là giải pháp tạm thời

Quang Trung
.
.
.