Ngoại thành thủ đô ngập rác thải…

Thứ Hai, 11/05/2009, 09:14
Chỉ cần có dịp đi qua các huyện ngoại thành Hà Nội (mới) như: huyện Hoài Đức, Thạch Thất, Thanh Trì… không khó để bắt gặp vô số những bãi rác thải sinh hoạt tự phát. Những bãi rác này không chỉ gây ô nhiễm môi trường mà nó còn vi phạm nghiêm trọng đến trật tự hành lang ATGT.

Đi đâu cũng gặp… rác

Nơi mà chúng tôi dừng chân đầu tiên trong lần đi tìm hiểu sự ô nhiễm của các bãi rác thải sinh hoạt tự phát tại các vùng ngoại thành Hà Nội chính là quốc lộ 21B - đoạn đi qua địa phận xã Thanh Cao (huyện Thanh Oai). Mặc dù chưa lại gần đống rác thải tự phát đang chất đống bên vệ đường, song mùi hôi thối, khó chịu khiến chúng tôi phải vừa điều khiển xe, vừa dùng tay để bịt mũi. Con mương nước vốn dùng để tưới tiêu cho hàng trăm ha lúa, rau nơi đây, giờ đã đặc quánh những chất thải, xác chết động vật...

Để ngăn chặn tình trạng đổ trộm rác thải cũng như nâng cao ý thức của người dân trong việc gìn giữ bảo vệ môi trường xung quanh, chính quyền địa phương nơi đây cũng đã cho lắp biển, kẻ chữ "Cấm đổ rác ra đường". Thế nhưng, dường như "muối bỏ bể"… người dân vẫn tiếp tục vi phạm. Mặt khác, để hạn chế sự ô nhiễm, người dân địa phương đã không ít lần châm lửa để đốt số rác thải tự phát này... Tuy nhiên, chỉ sau đó vài ngày thực trạng trên đâu lại vào đấy, rác thải sinh hoạt lại chất chồng…

Giống với xã Thanh Cao, con đường làng thuộc địa phận xã Hữu Hòa (huyện Thanh Trì) đâu đâu cũng thấy những đống rác thải sinh hoạt tự phát. Nhiều đoạn đường, rác thải còn tràn cả xuống bên dưới dòng sông Nhuệ.

Tìm hiểu chúng tôi được biết, một trong những nguyên nhân khiến rác thải sinh hoạt xuất hiện nhiều ở nơi đây cũng chính do bởi cây cầu duy nhất nối liền đường Tả Thanh Oai vào xã Hữu Hòa chỉ vừa đủ 2 chiếc xe máy lưu thông ngược chiều nhau. Do đó, ôtô chở rác không thể vào xã để thu gom được.

Đứng trước thực trạng trên, thời gian qua chính quyền xã Hữu Hòa đã không ít lần tổ chức thu gom rác thải. Tổng cộng từ đầu năm 2009 tới nay, xã đã thu gom và di dời được trên 60 tấn rác thải. Tuy nhiên, số rác thải hiện còn tồn trên các tuyến đường thuộc địa phận của xã vẫn ở mức báo động. Ấy nên, tới đây, song song với việc tiếp tục thu gom, vận chuyển rác đi nơi khác, xã sẽ đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.

Nhiều làng nghề đổ thẳng rác xuống sông.

Chỉ cần có dịp đi qua các huyện ngoại thành Hà Nội (mới) như: huyện Hoài Đức, Thạch Thất, Thanh Trì… một lượt, ta không khó để bắt gặp vô số những bãi rác thải sinh hoạt tự phát - hệ quả của hành động thiếu ý thức của một số người dân địa phương.

Những bãi rác này không chỉ gây ô nhiễm môi trường mà nó còn vi phạm nghiêm trọng đến trật tự hành lang ATGT. Nhiều diện tích đất canh tác (chủ yếu là lúa, rau…), sông ngòi, kênh rạch cũng bị hoang hóa, ảnh hưởng từ đây. Đáng chú ý, vào thời điểm giao mùa, mưa lũ, những bãi rác thải tại các địa phương sẽ là một trong những nơi hình thành nên các loại dịch bệnh gây nguy hại cho sức khỏe người dân như: dịch tiêu chảy cấp, sốt xuất huyết...

Thiếu quy hoạch hệ thống xử lý rác thải

Đánh giá của đoàn công tác giám sát môi trường TP Hà Nội mới đây nhất cho biết: Đến nay nhiều địa phương đã chủ động hơn trong việc nghiên cứu giải quyết những yêu cầu về quản lý môi trường.

Đơn cử như huyện Thanh Trì đã có nghị quyết thu thêm 500 ngàn đồng so với mức phí chung, xây dựng và triển khai đề án về môi trường; xã Dương Liễu, huyện Hoài Đức có quy định về thu phí, lập quỹ bảo vệ môi trường đối với môi trường làng nghề: Quỹ môi trường 8.000 đồng/khẩu/năm, phí môi trường các hộ làm nghề 50.000-100.000 đồng/hộ/năm…

Hiện tại, một số địa phương ở ngoại thành Hà Nội đã tổ chức các tổ, đội làm dịch vụ vệ sinh môi trường ở địa phương. Đơn cử như tổ vệ sinh môi trường ở xã Dương Liễu, huyện Hoài Đức được tổ chức từ năm 2001 với 15 thành viên, phụ cấp 600 ngàn đồng/tháng.

Tuy nhiên, hiện tại rác thải sinh hoạt tại các huyện chưa được thu gom còn lớn, chôn lấp thủ công còn nhiều. Báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: Đến nay một số huyện khu vực Hà Tây cũ chưa thu gom rác thải nông thôn và còn 11 huyện đổ rác tại các bãi lộ thiên hoặc tận dụng ao, hồ làm nơi chứa rác, không có hệ thống thu gom nước rác gây ô nhiễm môi trường cả nước mặt và nước ngầm.

Công tác quản lý nhà nước về môi trường còn nhiều vấn đề bất cập. Đặc biệt là chưa có chiến lược và quy hoạch hệ thống xử lý rác thải, cả rác thải sinh hoạt, rác thải công nghiệp và rác thải làng nghề.

Khu vực ngoại thành còn lúng túng về mô hình tổ chức và cơ chế kinh tế đối với công tác môi trường, nhất là công tác thu gom và vận chuyển rác thải.

Ở một số nơi như Tân Triều (Thanh Trì), Thường Tín, Dương Liễu - Hoài Đức tổ chức thu gom, vận chuyển rác trực tiếp do UBND xã điều hành và trả lương. Một số nơi khác thì trực thuộc HTX nông nghiệp hoặc dịch vụ. Bên cạnh đó hiện tại cũng chưa có quy định thống nhất về chế độ thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải tại khu vực nông thôn

Xuân Trần
.
.
.