Nghiêm cấm quảng cáo mỹ phẩm, thực phẩm chức năng gây hiểu nhầm là thuốc
Tại phiên họp chuyên đề của Chính phủ ngày 21/3 về xây dựng pháp luật, vấn đề quản lý giá thuốc trong dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược còn gây tranh luận nhiều chiều. Theo tờ trình của Bộ Y tế, dự án luật sửa đổi 25/73 điều của Luật Dược hiện hành, trong đó bổ sung chính sách ưu tiên sử dụng thuốc sản xuất trong nước, chính sách sử dụng thuốc hợp lý, an toàn và hiệu quả hơn gắn với đẩy mạnh hoạt động dược lâm sàng và cảnh giác dược.
Bộ Y tế cho rằng, nên giao Bộ Tài chính làm đầu mối để tránh tình trạng Bộ Y tế “vừa đá bóng vừa thổi còi". Tuy nhiên, nhiều ý kiến tại phiên họp cho rằng cần tiếp tục giao cho Bộ Y tế làm đầu mối như hiện nay, đồng thời thành lập hội đồng liên ngành để quản lý giá thuốc. Nhiều ý kiến lo ngại việc Bộ Y tế để giá thuốc leo thang, gây sức ép lớn đến người dân như thời gian qua.
Theo Bộ Y tế, qua 8 năm triển khai thực hiện, đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu thực tiễn về tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về dược; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân trong việc đáp ứng thuốc có chất lượng, hợp lý và an toàn. Hiện nay, cả nước có 178 doanh nghiệp sản xuất thuốc (98 doanh nghiệp sản xuất tân dược, 80 doanh nghiệp sản xuất đông dược) và trên 300 cơ sở sản xuất đông dược tham gia sản xuất thuốc y học cổ truyền. 100% doanh nghiệp sản xuất tân dược đạt tiêu chuẩn thực hành tốt trong sản xuất thuốc...
Các đại biểu đã tập trung thảo luận, đóng góp ý kiến về 5 nội dung chính là vấn đề giá thuốc, cấp phép đăng ký lưu hành thuốc, hoạt động dược lâm sàng, quản lý chất lượng thuốc và triển khai thực hiện đề án "Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam”. Dự luật bổ sung khoản 5a và 5b vào sau Khoản 5 Điều 9 như sau: nghiêm cấm quảng cáo mỹ phẩm, thực phẩm chức năng và các sản phẩm khác không phải là thuốc có nội dung làm người tiêu dùng hiểu nhầm là thuốc. Đồng thời, cấm sử dụng lợi ích vật chất, lợi dụng danh nghĩa của tổ chức, cá nhân, các loại thư tín, kết quả nghiên cứu lâm sàng chưa được Bộ Y tế công nhận và các hình thức tương tự để quảng cáo thuốc. Về phương án quản lý giá thuốc, dự luật trình hai phương án: Chủ tịch Hội đồng là Bộ trưởng Bộ Tài chính và Phó Chủ tịch Hội đồng là lãnh đạo Bộ Y tế, Bộ Công Thương, Bảo hiểm xã hội Việt Nam. Hội đồng có bộ phận thường trực giúp việc đặt tại Bộ Tài chính. Phương án 2: Chủ tịch Hội đồng là Bộ trưởng Bộ Y tế và Phó Chủ tịch Hội đồng là lãnh đạo Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Bảo hiểm xã hội Việt Nam. Hội đồng có bộ phận thường trực giúp việc đặt tại Bộ Y tế. Theo dự luật, Nhà nước quản lý về giá thuốc theo cơ chế thị trường; tôn trọng quyền tự định giá, cạnh tranh về giá của tổ chức, cá nhân kinh doanh thuốc theo quy định của pháp luật; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân kinh doanh, người tiêu dùng và lợi ích của Nhà nước. Nhà nước thực hiện các biện pháp bình ổn giá đối với các thuốc thuộc danh mục bình ổn giá khi có biến động bất thường về giá thuốc làm ảnh hưởng đến sự ổn định kinh tế - xã hội. Nhà nước sử dụng các biện pháp quản lý giá thuốc đối với các thuốc mới, thuốc hiếm, thuốc biệt dược gốc, thuốc có ít số đăng ký, các thuốc sử dụng tại các cơ sở y tế do ngân sách nhà nước và bảo hiểm y tế chi trả.
Kết luận nội dung này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đồng tình với đề nghị của các đại biểu tại phiên họp và cho rằng, xu hướng chung là bộ chuyên ngành quản lý giá và Bộ Tài chính quản lý về nguyên tắc định giá. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng nhấn mạnh, để quản lý giá và góp phần giảm giá thuốc hiện vẫn đang còn cao cần làm tốt công tác cân đối cung cầu gắn với tập trung nguồn lực, khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển ngành công nghiệp dược, góp phần cung ứng thuốc cho thị trường trong nước