Nghị lực phi thường của chàng trai không tay, không chân

Thứ Năm, 26/12/2013, 12:10
Chuyện của chàng trai người Jrai có tên Nay Djruêng như cổ tích. Gần 20 năm trước, dân bản Ji A (xã Krông Năng, huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai) đã bàn tán xôn xao, khi Nay Djruêng chào đời lại không có tay, chân. Ngày đó, Nay Djruêng bị chôn sống theo luật tục, nhưng người cha đã cứu sống cậu. Và, Nay Djruêng đã không chỉ sống mà còn đến trường bằng hai đầu gối của mình. Hiện giờ, Nay Djruêng đang viết tiếp “cổ tích đời mình” ở giảng đường đại học...

Người cha bước qua hủ tục

Bản Ji A chìm khuất giữa đại ngàn núi rừng Tây Nguyên hùng vĩ. Hai mươi năm trước nơi đây vẫn còn tồn tại nhiều hủ tục mà mỗi khi nhắc đến người nghe chưa từng chứng kiến cũng rùng mình khiếp sợ. Nay Djruêng là con thứ 8 của vợ chồng KBór Djoang và Nay HChẻ. Khi Nay Djruêng cất tiếng khóc chào đời là cả một đêm trắng hãi hùng nhất đối với họ. Đứa con không chân không tay ngọ nguậy trong tấm chăn mỏng cứ gợi cho họ nhớ lại đứa con thứ hai cách đó tầm chục năm về trước.

Người Jrai ngày đó quan niệm, ai sinh con ra mà không có đủ hình hài của con người thì là con của ma quỷ. Khi đó, dân bản bắt buộc phải chôn sống đứa trẻ bằng không nó báo hại cả bản, Giàng bắt phạt những ai không tuân theo luật tục. Lời nguyền từ đời này nối sang đời khác cứ vọng lên trong đầu ông KBór Djoang và bà Nay HChẻ. Luật tục của bản phải tuân theo; nhưng đến cả thú dữ cũng không ăn thịt con, huống chi là người. Ông KBór Djoang vừa buồn lại vừa hận. Ông hận con ma con quỷ đã bắt con ông thành hình hài của quái vật. Ông không hề biết những năm tháng làm du kích, vào sinh ra tử ở căn cứ Ea Réh, huyện Krông Pa ông đã bị nhiễm phải chất độc màu da cam của giặc Mỹ… Có một điều chắc chắn dù nguyên nhân thế nào, thì luật tục vẫn phải được thi hành.

Hôm ấy, trước sự chứng kiến của các già làng uy tính trong buôn, ông KBór Djoang dằn lòng đào hố chôn con. Nhưng khi vừa lấp đất đến ngang vai, nhìn đứa con vô tội khóc thét vì khó thở, ông liền lao xuống xới đất bế con lên, rồi ông quỳ tạ tội và xin chịu phạt trước dân bản.

Vượt lên số phận

Khi lên 6 tuổi, một hôm Nay Djruêng níu lấy chân cha, xin cha cho cậu được đi học. Người cha sau thoáng ngạc nhiên, lặng lẽ nhìn con rồi nhìn về phía ngôi trường vang tiếng trẻ. Trong thâm tâm ông KBór Djoang muốn con được học hành nhưng lại sợ bạn bè trêu chọc con, làm cho đứa con kém may thêm phần đau khổ. Sau nhiều đêm thức trắng suy nghĩ, đắn đo, ông quyết định cõng Nay Djruêng đến trường, xin cho con vào học. Một tuần đầu, cậu bé không tay không chân được cha mình cõng tới trường. Nhưng về sau khi đã quen đường và quen bạn bè ở lớp, cậu xin cha được tự đến trường để cha còn phải vào rừng kiếm sống. Từ đó, Nay Djruêng bắt đầu tập đi bằng hai đầu gối... Con đường đến trường của em bớt nhọc nhằn khi em học lên cấp II và được vào trường nội trú. Bằng những nỗ lực vượt khó, sự giúp đỡ của thầy cô giáo và bạn bè, em đã vượt qua được khó khăn.

Nay Djruêng tâm sự: “Em có giọng ca tốt và đã từng rẽ ngang sau khi tốt nghiệp lớp 9, vào đội văn nghệ của một trung tâm khuyết tật ở Hà Nội nhưng rồi vì nhớ trường, em quay về học tiếp. Lên lớp 11 em được học môn tin học và em bắt tay vào lập trang web dành cho các bạn khuyết tật để các bạn có cơ hội chuyện trò, chia sẻ với nhau, cùng nhau vươn lên trong cuộc sống”. “Em không ngờ, chính từ điều ấy khi tốt nghiệp lớp 12 em lại chọn ngành Công nghệ thông tin để theo định hướng nghề nghiệp cho đời mình”, Nay Djruêng chia sẻ.

Em hiện đang là sinh viên năm thứ nhất Trường Cao đẳng Công nghệ thông tin Đà Nẵng. Nay Djruêng năng động, hòa đồng và có năng khiếu văn nghệ nên được các bạn bầu làm lớp trưởng; hăng hái tham gia vào các hoạt động sinh viên tình nguyện, tổ chức đêm Trung thu cho trẻ em nghèo, mồ côi; nấu cháo tình thương cho các bạn khuyết tật ở quận Ngũ Hành Sơn…     

Lúc chia tay, Nay Djruêng khập khiễng tiễn tôi ra sân kí túc xá, em nói với tôi mà như nói với chính mình: “Khi tạo hóa không ban cho mình niềm hạnh phúc có một thân thể vẹn toàn thì vẫn có một thứ có thể cho mình điểm tựa để vươn lên, để sống và để hạnh phúc với những khiếm khuyết. Đó là niềm tin và khát vọng! Có niềm tin và khát vọng thì cuộc sống sẽ có ý nghĩa!”

Thanh Bình
.
.
.