Trò chuyện Chủ Nhật

Ngập do mưa giống như... chuyện dài nhiều tập

Chủ Nhật, 02/10/2016, 08:23
Trước mùa mưa, Trung tâm chống ngập (TTCN) TP Hồ Chí Minh đã thực hiện một loạt giải pháp cụ thể để ứng phó với ngập nước mưa. Nhưng ngày 26-9 vừa qua, khi có mưa lớn trên diện rộng, nước mưa đã tiếp tục gây ngập 59 tuyến đường của thành phố.

 

Để làm rõ hơn về vấn đề này, PV Báo CAND đã có cuộc trao đổi với ông Đỗ Tấn Long, Trưởng phòng Quản lý thoát nước - TTCN TP Hồ Chí Minh.

PV: Công tác ứng phó với ngập nước trước, trong và sau cơn mưa  này ra sao, thưa ông?

Ông Đỗ Tấn Long: Cơn mưa chiều 26-9 chỉ kéo dài trong vòng 1 giờ 30 phút, vũ lượng đo được tại các tuyến đường Mạc Đĩnh Chi, Tân Sơn Hòa, Thanh Đa, Lý Thường Kiệt, Quang Trung, Cầu Bông, Phước Long, Phan Văn Khỏe đã ở mức từ 101mm đến hơn 204mm.

Ông Đỗ Tấn Long.

Theo đánh giá của TTCN thì đây là trận mưa cực đoan, lớn nhất từ đầu năm đến nay. Trong thời gian ngắn lượng mưa đã vượt xa tần xuất thiết kế hệ thống thoát nước hiện tại.

Bởi tần suất thiết kế cống hiện nay theo Quyết định 752/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (phê duyệt Quy hoạch tổng thế hệ thống thoát nước TP Hồ Chí Minh đến năm 2020) thì khả năng chịu tải của tuyến cống cấp 2 với vũ lượng mưa trong 1 giờ 30 phút chỉ là 137,7mm; với tuyến cống cấp 3, khả năng chịu tải được lượng mưa là 75,88mm trong 3 giờ; tuyến cống cấp 2 chịu được cường độ mưa 85,36mm trong 3 giờ; các tuyến kênh, rạch cấp 1 đảm bảo thoát nước mưa 95,9mm trong 3 giờ. Do đó, sau trận mưa trên, thành phố đã xảy ra ngập tại 59 tuyến đường, chiều sâu ngập từ 10 đến 50cm; diện tích ngập từ 100 đến 30.000m².

Trước khi xuất hiện mưa trên, TTCN đã tiến hành vớt rác trước miệng thu, cửa xả nước và bố trí nhân sự túc trực tại các vị trí có khả năng gây ngập. Nhưng với vũ lượng lớn như vậy, ngay cả một số tuyến đường đã được đầu tư, nâng cấp hệ thống thoát nước như đường Phan Xích Long, Trường Sơn, tuyến song hành quốc lộ 22, Phan Văn Hớn, Nguyễn Ảnh Thủ, Tô Ngọc Vân... cũng vẫn bị ngập. Một số tuyến đường khác tuy đã được xử lý ngập bằng giải pháp tạm như đấu nối mở thêm hướng thoát nước mới, cải tạo miệng thu trong khi chờ thực hiện các dự án lớn cũng đã bị ngập do trận mưa to này.

Thời điểm xảy ra mưa, nhân viên của Công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị và của TTCN cũng đã được huy động để vớt rác và thanh thải các chướng ngại vật trước các miệng thu nước, hầm ga. Khi xảy ra ngập và trời tiếp tục mưa lớn, TTCN cũng đã phát lệnh ứng cứu toàn diện.

Công ty Thoát nước đô thị đã vận chuyển thiết bị, bố trí nhân sự để ứng phó theo kịch bản đã xây dựng sẵn. Đồng thời liên lạc với lực lượng Cảnh sát PCCC hỗ trợ tham gia ứng cứu khi xảy ra ngập tại tầng hầm của các tòa nhà cao tầng trên địa bàn.

PV: Để hạn chế ngập nước và phát sinh điểm ngập mới, thành phố có những giải pháp gì?

Ngập nước do mưa lớn tại TP Hồ Chí Minh sẽ còn là chuyện dài...

Ông Đỗ Tấn Long: Năm nay, TTCN thực hiện 70 hạng mục công trình cấp bách như đấu nối, mở thêm hướng thoát nước mới, cải tạo một số đoạn cống làm thu hẹp dòng chảy cho điểm ngập… Đến thời điểm này, đã có 57  hạng mục công trình được hoàn thành. Những hạng mục còn lại TTCN đang phối hợp Sở GTVT cấp phép để tiếp tục thi công.Việc duy tu, nạo vét hệ thống cống thoát nước, kênh rạch trước mùa mưa được thực hiện có trọng tâm, trọng điểm; tập trung vào những vị trí có khả năng gây ngập, khu vực đông dân cư, chợ, buôn bán, khu vực có nhiều công trình xây dựng.

TTCN đã tổ chức kiểm tra, bảo trì 27 trạm bơm, gồm 56 máy có công suất từ 168m3/h đến 64.000m3/h, tổng công suất bơm đạt 475.680m³/giờ nhằm hỗ trợ bơm chống ngập khi có mưa kết hợp triều cường; kiểm tra 1.077 van ngăn triều; 5 cống kiểm soát triều trên các tuyến kênh lớn. Việc điều tiết nước trong các tuyến sông, kênh, rạch cũng được tăng cường để tăng khả năng trữ nước khi xuất hiện mưa. Kết hợp với việc vận hành máy bơm đã được đầu tư tại các cụm cống kiểm soát triều và kiểm soát chặt biện pháp dẫn dòng đảm bảo thoát nước trong quá trình thi công các công trình hạ tầng.

TTCN cũng đã tận dụng việc vận hành của 3 trạm bơm nước thải vào việc hỗ trợ thoát nước mưa là trạm bơm Nhiêu Lộc - Thị Nghè với công suất bơm cực đại là 76.800m³/h để thu nước từ mạng cống thoát dọc tuyến kênh này.

Thời điểm mưa lớn, trạm bơm có thể hoạt động tối đa công suất, giảm tải cho hệ thống thoát nước lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Trạm bơm Đồng Diều có công suất 8.000m³/h đảm trách thu nước từ mạng lưới cống thoát nước một phần khu vực các quận 1, 3, 5, 10 để nước mưa không dồn  vào kênh Tàu Hũ - Bến Nghé.

Trạm bơm Bình Hưng Hòa, công suất đạt 1.800m³/h thực hiện thu gom nước từ thượng nguồn kênh Nước Đen, quận Tân Phú để đưa vào nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng Hòa. Trường hợp mưa lớn, nhà máy này sẽ tăng tối đa công suất trạm bơm và đóng các cửa xả ra kênh Nước Đen, góp phần giảm tải của kênh và hệ thống cống thoát nước.

PV: Còn với những vị trí luôn có nguy cơ bị ngập nặng thì sao?

Thoát nhanh nước mưa để giảm ngập tại thành phố còn khá nan giải.

Ông Đỗ Tấn Long: Ngay từ đầu năm, TTCN đã cùng với Công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị xây dựng phương án ứng cứu cho từng vị trí có khả năng gây ngập. Đồng thời phối hợp với các quận, huyện, Cảnh sát PCCC, các đơn vị công ích thuộc quận, huyện thông qua Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố để chuẩn bị ứng cứu.

Mục tiêu đặt ra là việc tổ chức ứng cứu đặt phải đảm bảo giảm nhẹ đến mức thấp nhất mức độ ngập về độ sâu, phạm vi và thời gian ngập; tuyệt đối không để xảy ra thiệt hại đối với an toàn, sức khỏe, tài sản của người dân, cũng như hỗ trợ phân luồng giao thông một cách hợp lý để người dân lưu thông thuận tiện.

Thời gian từ thời điểm nhận lệnh ứng cứu đến lúc bố trí xe máy thiết bị và nhân lực ngoài hiện trường dưới 30 phút. Số lượng nhân sự, phương tiện và thiết bị huy động cho phương án này là 153 người, 11 xe cẩu, 11 xe tải, 3 xe hút, 12 bơm công suất từ 168m3/h đến 250m3/h…

PV: Theo ông, việc xâm chiếm hệ thống thoát nước hiện đã đến mức nghiêm trọng lắm không?

Ông Đỗ Tấn Long: Tính đến giữa tháng 7 vừa qua, trên địa bàn còn tồn tại 59 trường hợp xây dựng lấn chiếm cửa xả tại 23 tuyến đường; 104 hầm ga trên 41 tuyến đường bị chiếm dụng; hơn 13,8km cống và 394 hầm ga của 92 tuyến đường bị tình trạng xây dựng lấn chiếm; 61 vị trí lấn chiếm lòng, hành lang kênh, rạch phục vụ thoát nước. Tình trạng lấn chiếm hệ thống thoát nước, cửa xả, kênh rạch còn phổ biến, song việc xử lý của các địa phương còn chậm mặc dù thành phố liên tục chỉ đạo xử lý.

Ngoài ra, hiện tượng xả rác xuống hệ thống thoát nước như miệng thu, hầm ga, kênh rạch còn phổ biến. Khi mưa lớn, áp lực nước cao sẽ cuốn trôi rác vào lưới chắn rác làm cản trở dòng chảy. Ngoài ra, chính một số dự án thoát nước đang thi công cũng gây ảnh hưởng đến khả năng thoát nước của tuyến cống hiện hữu.

Khi vấn đề thoát nhanh nước mưa để giảm ngập tại thành phố còn khá nan giải thì kết quả phối hợp giữa TTCN với Sở GTVT và các quận, huyện rà soát các điểm ngập còn lại để tiếp tục đề xuất đầu tư cũng đã phát hiện nhiều dự án thoát nước đang vướng thủ tục như dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm; dự án cải tạo rạch Ông Búp; kênh tiêu Liên Xã hoặc dự án có tiến độ thi công chậm như Xa lộ Hà Nội, Nguyễn Văn Quá…

Và khi kênh rạch bị lấp, lấn chiếm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiêu thoát nước mưa, thành phố đã phải quy hoạch 103 hồ điều tiết, trữ nước mưa tạm thời với tổng diện tích lên đến 875ha, nhưng năm nay mới chỉ có thể làm được chừng 3-4 hồ. Nên với thực trạng này, ngập nước do mưa lớn tại TP Hồ Chí Minh sẽ còn là chuyện dài, khó có thể giải quyết trong một sớm một chiều.

PV: Xin cảm ơn ông!

Đức Thắng (thực hiện)
.
.
.