Ngăn gia cầm nhập lậu, “khoanh” các ổ dịch trong nội địa

Thứ Tư, 26/02/2014, 09:29
Chiều 25/2, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch cúm gia cầm đã họp tại Hà Nội, đánh giá diễn biến dịch và đề ra các giải pháp phòng chống dịch trong thời điểm hiện nay.
>> 20 tỉnh, thành có dịch cúm gia cầm

Dịch cúm lan ra nhiều tỉnh nhưng tại các điểm nhỏ lẻ

Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) cho biết, tính đến ngày 25/2, cả nước đã có 67 ổ dịch cúm gia cầm A/H5N1 tại 21 tỉnh, làm mắc bệnh và chết hơn 63.000 con gia cầm. Như vậy, chỉ trong 1 tuần, từ ngày 18 đến ngày 25/2, cả nước đã có thêm 10 tỉnh bùng phát dịch.

Cục Thú y nhận định, thời tiết trong 2 tháng đầu năm 2014 lạnh tại cả 3 miền Bắc, Trung, Nam là môi trường thuận lợi để virus H5N1 tồn tại và lây lan. Trong dịp Tết Nguyên đán, gia tăng việc đi lại, mua bán gia cầm, sản phẩm gia cầm của người dân dẫn đến virus có điều kiện phát tán. Thêm nữa, nhiều địa phương không triển khai công tác tiêm phòng định kỳ đợt 2 năm 2013 và chưa tổ chức tiêm phòng đợt 1-2014 cho nên các đàn gia cầm không có miễn dịch bảo hộ virus cúm H5N1. Công tác thực hiện vệ sinh tiêu độc khử trùng thường xuyên môi trường chăn nuôi không được thực hiện trong thời gian qua tại nhiều địa phương.

Người kinh doanh gia cầm đối mặt với nguy cơ nhiễm bệnh từ gia cầm không rõ nguồn gốc. Ảnh minh họa.

Qua công tác giám sát thường xuyên, Cục Thú y nhận thấy, tỷ lệ lưu hành virus H5N1 trên đàn thuỷ cầm tại các chợ buôn bán gia cầm trong năm 2013 gần 6%. Còn năm nay, theo ông Đàm Xuân Thành, Phó Cục trưởng Cục Thú y, trong 21 tỉnh đang có dịch cúm gia cầm hầu hết xảy ra trên đàn gia cầm nuôi tại các hộ gia đình... Chính quyền địa phương, cơ quan chuyên môn thú y phát hiện và xử lý kịp thời nên chưa có hiện tượng lây lan diện rộng (4 tỉnh có 1 hộ bị dịch; 6 tỉnh có 2 hộ có dịch,...; trung bình mỗi tỉnh có 3 ổ dịch xảy ra tại 2 huyện). “Trong thời gian tới, nguy cơ xảy ra dịch nhỏ lẻ tại các địa phương là rất cao. Song, nếu các địa phương tăng cường công tác giám sát, xử lý kịp thời thì vẫn kiểm soát được dịch”, lãnh đạo Cục Thú y nhận định.

Cần tập trung ngăn chặn gia cầm nhập lậu

Trong năm 2014, virus cúm H5N1 nhánh 1.1 đã được phát hiện tại ổ dịch trên gà tại Bạc Liêu, Kiên Giang và Cà Mau, còn hiện tại hầu hết các ổ dịch trên gia cầm (gà, vịt, ngan) tại các tỉnh có dịch do virus H5N1 nhánh 2.3.2.1C. Theo đánh giá của Cục Thú y, cuối năm 2013 và đầu năm 2014, nhánh virus 2.3.2.1C đã xâm nhập vào các tỉnh phía Nam và gây bệnh thay cho nhánh 1.1 lưu hành phổ biến tại các tỉnh phía Nam trong những năm trước đây. Nguyên nhân có thể do quá trình vận chuyển gia cầm từ phía Bắc vào Nam, sau đó lây lan qua các đàn vịt chạy đồng trong vùng dẫn đến việc nhánh 2.3.2.1C xuất hiện và lưu hành rộng rãi tại vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Để hỗ trợ địa phương chống dịch, Bộ NN&PTNT đã xuất cấp 7,2 triệu liều vaccine RE6 từ Quỹ dự phòng cho các tỉnh chống dịch. Tại cuộc họp, các thành viên Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch cúm gia cầm yêu cầu: Trong thời điểm hiện nay, các địa phương cần tập trung ngăn chặn tình trạng vận chuyển và kinh doanh gia cầm nhập lậu, tăng cường phòng chống dịch cúm gia cầm lây lan qua biên giới; tập trung chống dịch cúm gia cầm và các chủng virus cúm gia cầm lây lan sang người như: H5N1, H7N9… Tiếp tục triển khai “Tháng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng khẩn cấp để phòng, chống dịch cúm gia cầm” từ nay đến cuối tháng 3.

Đồng tình, ông Nguyễn Đức Kiên, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Lào Cai cho biết: Phương châm phòng, chống dịch, tiêu hủy gia cầm mắc bệnh trong đợt dịch này là khi phát hiện gia cầm ốm, chết sẽ tổ chức lấy mẫu bệnh phẩm kịp thời để xét nghiệm. Nếu có kết quả dương tính với bệnh cúm mới cho tổ chức tiêu hủy đàn gia cầm nhốt, thả cùng với gia cầm mắc bệnh tại phạm vi hộ, cơ sở chăn nuôi đó. Với các hộ, cơ sở chăn nuôi lân cận sẽ lập tức nhận được yêu cầu nuôi nhốt gia cầm để theo dõi chứ không bắt, tiêu hủy như trước đây.

Theo đại diện Bộ Y tế, diễn biến dịch cúm A/H7N9 tại Trung Quốc vẫn diễn biến phức tạp. Tổ chức Y tế thế giới đã cập nhật thêm nhiều ca tử vong tại quốc gia này. Tính đến ngày 25/2, Trung Quốc đã có 365 trường hợp mắc, trong đó 116 người tử vong.

Chi Linh
.
.
.