Ngăn chặn dịch sởi – rubella: Biện pháp hữu hiệu là tiêm phòng
Để ngăn chặn dịch bùng phát, Bộ Y tế cho biết, từ ngày 15/9, sẽ bắt đầu triển khai chiến dịch tiêm phòng sởi - rubella miễn phí cho 23 triệu trẻ em từ 1 đến 14 tuổi, kéo dài liên tục trong 6 tháng, nhằm tạo miễn dịch chủ động phòng bệnh sởi và rubella ở diện rộng trong cộng đồng, hướng tới mục tiêu loại trừ bệnh sởi, khống chế bệnh rubella và hội chứng rubella bẩm sinh.
PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho biết: Nguồn vaccin sử dụng cho chiến dịch lần này do Tổ chức Liên minh toàn cầu về vaccin và tiêm chủng (GAVI), UNICEF viện trợ, với kinh phí trên 36 triệu USD. Ấn Độ sản xuất, Tổ chức Y tế thế giới kiểm định và thử nghiệm lâm sàng tại Việt Nam. Hiện, Viện Kiểm định vaccin và sinh phẩm (Bộ Y tế) đã hoàn thành kiểm định chất lượng 5 triệu liều vaccin. Ông Phu cũng cho biết, sẽ không triển khai ồ ạt việc tiêm chủng, mà chỉ nơi nào chuẩn bị tốt mới cho tiêm.
Riêng về bệnh rubella, các chuyên gia nhấn mạnh sự nguy hiểm đến sức khỏe khi có tới 50% số trường hợp có biểu hiện lâm sàng không điển hình, làm cho bệnh nhân dễ bị nhầm tưởng là bệnh khác. Đặc biệt, bệnh rubella rất nguy hiểm đối với phụ nữ có thai, đặc biệt là trong 3 tháng đầu của thai kỳ. Có khoảng một nửa số trường hợp mắc bệnh không có dấu hiệu lâm sàng điển hình nên nhiều phụ nữ có thai mắc rubella không được phát hiện, gây ra nhiều hậu quả nặng nề về sức khỏe đối với người mẹ và thai nhi. Nhiễm rubella trong thời kỳ đầu mang thai có thể gây ra sảy thai, thai chết lưu hoặc đẻ non. Trẻ sinh ra từ các bà mẹ này có nguy cơ cao mắc hội chứng rubella bẩm sinh với nhiều dị tật nghiêm trọng, như: dị tật tim, điếc, đục thủy tinh thể, chậm phát triển… Ngoài ra, trẻ có thể mắc đái tháo đường, vàng da, xuất huyết, xương thủy tinh, viêm não màng não, viêm phổi, nhẹ cân, sinh non..., gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe giống nòi. Một số trường hợp trẻ tử vong do hậu quả của hội chứng rubella bẩm sinh. Hội chứng rubella bẩm sinh có thể gặp ở 70-90% trẻ sinh ra từ bà mẹ bị nhiễm rubella trong 3 tháng đầu mang thai.
Nhiều trẻ bị hội chứng rubella bẩm sinh. |
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, cũng như sởi, virus rubella có khả năng lây lan cao nên có thể gây dịch lớn. Bệnh lây truyền qua đường hô hấp do ho, hắt hơi, tiếp xúc gần với người bị nhiễm hoặc dịch tiết mũi họng. Tất cả những người chưa có miễn dịch với rubella đều có nguy cơ mắc bệnh. Sống ở nơi đông dân cư là yếu tố thuận lợi làm tăng nguy cơ mắc loại bệnh lây lan theo đường hô hấp này. Tại Việt Nam, nhóm người có nguy cơ mắc rubella cao là trẻ em, thiếu niên và thanh niên. Do vậy, các nhóm đối tượng này cần được tiêm chủng vaccin rubella để phòng bệnh.
PGS.TS Trần Đắc Phu cũng cho biết thêm về tình hình bệnh rubella và ở Việt Nam: Năm 2011, cả nước có trên 7.200 ca mắc rubella tại 59 tỉnh/thành phố, tập trung ở nhóm trẻ em, thanh niên và phụ nữ tuổi sinh đẻ. Thực tế số mắc còn cao hơn nhiều lần, do nhiều trường hợp bệnh nhẹ không đến cơ sở y tế. Trong các năm 2011-2012, tại các Bệnh viện Nhi Trung ương, BV Nhi đồng 1, Nhi đồng 2 đã có hơn 300 ca mắc hội chứng rubella bẩm sinh với các dị tật bẩm sinh. Trong đó 90% mắc tim bẩm sinh với các dị tật phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của trẻ, 45,3% đục thủy tinh thể; 37,7% lách to; 15,3% vàng da nhân; 11,3% trẻ có kích thước đầu nhỏ; 12,3% chậm phát triển, 3,7% có các tổn thương não phức tạp (bại não, xuất hiện giãn não thất, xuất huyết não); 1% viêm não màng não và các hậu quả khác như nhẹ cân khi sinh (73,2%), đẻ non (33,5%), suy dinh dưỡng bào thai, tổn thương gan. Hơn 80% các trường hợp này mắc từ 2 dị tật trở lên.
Con số ước tính của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho thấy, mỗi năm Việt Nam có từ 1.267-6.145 ca mắc hội chứng rubella bẩm sinh.
Vì tính chất nguy hiểm của bệnh rubella, Bộ Y tế khuyến cáo người dân ngay khi nghi nhiễm rubella, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, chẩn đoán. Đối với trường hợp bệnh nặng lên hoặc có dấu hiệu biến chứng phải điều trị và cách ly tại bệnh viện. Cũng như sởi, rubella là bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên chủ động tiêm vaccin sởi và rubella là biện pháp tốt nhất để phòng bệnh. Riêng phụ nữ trong thời kỳ mang thai cần hạn chế tiếp xúc với các bệnh nhân có sốt, phát ban và trẻ mắc hội chứng rubella bẩm sinh. Phụ nữ có thai, đặc biệt có thai trong những tháng đầu, nếu bị sốt, phát ban nên đến các cơ sở y tế để được khám, xét nghiệm, chẩn đoán, tư vấn kịp thời.
Cục Y tế dự phòng cho biết: Hiện có vaccin phối hợp sởi – rubella, giúp bảo vệ đồng thời cho trẻ em khỏi mắc hai bệnh sởi - rubella và phòng hội chứng rubella bẩm sinh ở trẻ em,với hiệu quả bảo vệ là 95%. Tuy nhiên, đáp ứng miễn dịch còn tuỳ thuộc vào tuổi tiêm vaccine, loại vaccin, đặc điểm miễn dịch, tình trạng sức khỏe của từng người, chất lượng vaccin và kỹ thuật thực hành tiêm chủng