Thượng tướng, Anh hùng LLVTND Nguyễn Huy Hiệu, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng:

Nên có hình thức tri ân tất cả các nạn nhân chiến tranh

Thứ Bảy, 27/07/2013, 12:32
Theo Thượng tướng, Anh hùng LLVTND Nguyễn Huy Hiệu, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng: "... cũng nên có thêm hình thức, ví như chọn 1 ngày tri ân dành cho tất cả các nạn nhân trong các cuộc chiến tranh Từ đó góp phần khơi dậy lòng yêu nước của người Việt Nam. Nạn nhân chiến tranh tôi muốn nói ở đây là nạn nhân trong các cuộc chiến tranh suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, trong đó có nạn nhân của các cuộc chiến tranh gần đây".

Chiến tranh đã qua đi, đất nước hòa bình, nhưng những đau thương mất mát mà chiến tranh để lại thì không gì bù lấp được. Hằng năm, Ngày Thương binh, Liệt sĩ 27-7 đã đi vào lịch sử đất nước ta là ngày hội tụ đầy đủ ý nghĩa chính trị, đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “đền ơn đáp nghĩa” của dân tộc ta, nhân dân ta, nhằm tưởng nhớ, tri ân những người có công với nước.

Nhân dịp này, phóng viên đã có cuộc trao đổi với Thượng tướng, Anh hùng LLVTND Nguyễn Huy Hiệu, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng để cùng ôn lại đạo lý cao đẹp đó.

PV: Thưa Thượng tướng, gia đình ông là gia đình thương binh, liệt sĩ. Trong đó, phu nhân của ông là con liệt sĩ chống Pháp, bản thân ông là thương binh chống Mỹ. Nhân dịp kỷ niệm Ngày 27/7, ông muốn chia sẻ điều gì về đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta?

Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu: Đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta đã có từ ngàn đời nay. Lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng thường xuyên viết thư thăm hỏi thương binh, gia đình liệt sĩ, nhắc nhở trách nhiệm và động viên, biểu dương các địa phương, các đơn vị và cá nhân đã hết lòng giúp đỡ thương binh, gia đình liệt sĩ.

Đảng và Nhà nước đã có Nghị quyết cho toàn Đảng, toàn dân làm việc đền ơn đáp nghĩa. Đó là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta, một hoạt động mang tính nhân văn sâu sắc. Chúng ta đã có những chính sách ưu đãi về cả vật chất lẫn tinh thần đối với người có công cũng như gia đình và con em của họ.

Hưởng ứng chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, các ngành, đoàn thể và địa phương đã có nhiều hình thức, biện pháp và cách làm sáng tạo trong việc xã hội hóa công tác đền ơn đáp nghĩa, qua đó đã khơi dậy và phát huy được truyền thống, đạo lý của dân tộc.

Hậu quả của các cuộc chiến tranh để lại rất nặng nề, không chỉ người Việt Nam mất tích trong chiến tranh, ảnh hưởng của chất độc đi-ô-xin, hậu quả của bom mìn phát nổ còn sót lại… Một điều đáng lưu ý, khi chiến tranh càng lùi xa, nguyện vọng thiết tha nhất của những người cha, người mẹ, người thân các liệt sĩ mong muốn Đảng, Nhà nước có biện pháp tích cực hơn để đưa thi hài các liệt sĩ đang bị mất tích về nghĩa trang liệt sĩ.

PV: Trong giai đoạn đất nước đang đổi mới, hội nhập sâu rộng như hiện nay, việc xã hội hoá công tác đền ơn đáp nghĩa có ý nghĩa giáo dục như thế nào đối với thế hệ trẻ, thưa ông?

Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu: Xã hội hoá công tác đền ơn đáp nghĩa sẽ giáo dục tốt đạo đức cho thế hệ trẻ hiện nay, góp phần nêu cao tinh thần yêu nước của người Việt Nam và bảo vệ nền độc lập dân tộc.

Đặc biệt, trong giai đoạn đất nước đang hội nhập sâu rộng như hiện nay, chúng ta càng phải đẩy mạnh việc giáo dục cho thế hệ trẻ những truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam như đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn.

Việc đền ơn đáp nghĩa không chỉ đúng ngày 27-7 chúng ta mới làm, các cấp, các ngành phải quan tâm thường xuyên. Theo phong tục, vào các ngày rằm, mồng 1, chúng ta nên khuyến khích các em học sinh đến thắp hương tại các nghĩa trang, để giáo dục truyền thống “uống nước nhớ nguồn”.

Hãy biến các nghĩa trang thành Đài Văn hoá tâm linh, là nơi giáo dục cho các thế hệ người Việt, nhất là các bạn trẻ về truyền thống cao đẹp đó.

PV: Vậy, theo Thượng tướng, có hình thức nào nữa để chúng ta tri ân các nạn nhân trong chiến tranh?

Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu: Chúng ta đã có Ngày Thương binh, Liệt sĩ 27-7 và gần đây có Ngày Tưởng niệm các nạn nhân bị tai nạn giao thông ở Việt Nam (ngày chủ nhật, tuần thứ ba của tháng 11 hằng năm). Như vậy thì cũng nên có thêm hình thức, ví như chọn 1 ngày tri ân dành cho tất cả các nạn nhân trong các cuộc chiến tranh. Từ đó góp phần khơi dậy lòng yêu nước của người Việt Nam. Nạn nhân chiến tranh tôi muốn nói ở đây là nạn nhân trong các cuộc chiến tranh suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, trong đó có nạn nhân của các cuộc chiến tranh gần đây.

Việc xây dựng các trung tâm văn hoá tâm linh cũng phù hợp với phong tục tập quán của người Việt Nam. Ngày tri ân dành cho tất cả các nạn nhân chiến tranh có thể là ngày 17-7 hoặc một ngày nào đó trong năm.

PV: Trân trọng cảm ơn Thượng tướng về những chia sẻ vừa rồi!

Chí Công (thực hiện)
.
.
.