Nạo vét sông Cổ Cò phát triển du lịch đường song
Sông Cổ Cò nối sông Hàn (Đà Nẵng) chạy dọc theo bờ biển đến Cửa Đại (Hội An, Quảng Nam) có chiều dài 28km, trong đó đoạn qua địa phận tỉnh Quảng Nam 19,7km. Ngày trước, khi đường bộ chưa phát triển, sông Cổ Cò vốn là tuyến đường sông huyết mạch, là con đường giao thương buôn bán sầm uất từ Đà Nẵng vào Quảng Nam, rồi tiếp tục theo sông Trường Giang nối đến Quảng Ngãi. Trải qua thời gian, sông Cổ Cò bị bồi lấp và tuyến đường sông này không sử dụng nữa.
Hiện trạng sông Cổ Cò đoạn chảy qua phường Điện Nam Trung, thị xã Điện Bàn. |
Đã nhiều năm, chính quyền tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng đã đưa vấn đề khơi thông sông Cổ Cò để phát triển du lịch ra bàn bạc, song rồi mọi việc lại rơi vào quên lãng. Mới đây, tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng lại thống nhất thành lập Ban điều phối khơi thông và phát triển sông Cổ Cò, với mục tiêu thông tuyến sông Cổ Cò từ Đà Nẵng đến Hội An trước tháng 9-2020. Ông Lê Trí Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho biết, theo quy hoạch thì trên sông Cổ Cò sẽ xây dựng một số cây cầu theo tiêu chuẩn sông cấp 4, độ thông thuyền 30x5m.
Ngoài ra, các công trình hạ tầng hai bên sông cũng được xây dựng bao gồm các tuyến đường, cầu qua sông, các bến thuyền, khu vui chơi giải trí, điện chiếu sáng, cây xanh... Riêng phía Quảng Nam, việc đầu tư đồng bộ, hoàn chỉnh sông Cổ Cò dự kiến kinh phí cần 1.000 tỷ đồng (bao gồm cả giải phóng mặt bằng, tái định cư), trong đó ngân sách Trung ương hỗ trợ 340 tỷ đồng, còn lại từ nguồn vay Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và từ nguồn xã hội hóa.
Ngoài việc nạo vét lòng sông Cổ Cò rộng 90m, UBND tỉnh Quảng Nam cũng chủ trương đầu tư hoàn thiện hạ tầng 2 bên bờ sông và 4 cây cầu nối hai bờ Đông - Tây.
Đối với các công trình hạ tầng hai bên bờ sông, theo ông Lê Trí Thanh, chính quyền TP Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam cần thống nhất các chuẩn thiết kế kỹ thuật, như thông số khẩu độ thông thuyền của các cầu qua sông; thông số thiết kế hệ thống kè và đường hai bên bờ sông,… đảm bảo sự đồng bộ trên toàn tuyến, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho tàu thuyền lưu thông; đồng thời, cần có sự hài hòa, tương đồng trong thiết kế các cầu qua sông và hệ thống kè, trên tiêu chí đề cao tính thẩm mỹ, tạo điểm nhấn cảnh quan dọc tuyến sông.
Hai địa phương cũng cần có sự phối hợp trong quy hoạch hệ thống các điểm dừng chân, vui chơi giải trí phục vụ phát triển du lịch dọc tuyến sông Cổ Cò một cách hiệu quả nhất, nhằm đẩy mạnh, khai thác tối đa tiềm năng du lịch đường sông của Quảng Nam và Đà Nẵng…
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Đạt, Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn, cho hay, hiện công tác giải phóng mặt bằng đang được triển khai và theo kế hoạch, từ nay đến năm 2020 sẽ thực hiện xong việc nạo vét lòng sông Cổ Cò.
Khi sông Cổ Cò được thông tuyến sẽ tạo ra sản phẩm du lịch mới cho Đà Nẵng và Quảng Nam, đó là du lịch đường sông nước kết hợp du lịch làng nghề. Hiện nay thị xã Điện Bàn cũng đang quy hoạch các điểm du lịch làng nghề, du lịch cộng đồng để sẵn sàng phục vụ du khách.