Nâng cao tiêu chuẩn và chất lượng nguồn nhân lực du lịch Việt

Thứ Năm, 04/12/2014, 12:03
Đây cũng là nhóm vấn đề được quan tâm thảo luận trong hội thảo về thực hiện các tiêu chuẩn nghề du lịch Việt Nam (VTOS) điều chỉnh theo Thỏa thuận Thừa nhận lẫn nhau trong ASEAN về nghề Du lịch (MRA-TP) do Dự án Chương trình Phát triển năng lực Du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội do Liên minh châu Âu tài trợ (gọi tắt là “Dự án EU”), Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (gọi tắt là “EuroCham”) và Tiểu ban Du lịch và Nhà hàng - Khách sạn tổ chức tại Hà Nội ngày 3/12.
Việc thành lập Cộng đồng kinh tế ASEAN vào năm 2015 sẽ là cơ hội lớn cho Việt Nam, và đặc biệt là ngành Công nghiệp du lịch.

Theo Tổng cục Du lịch, Việt Nam cần thêm 40.000 lực lượng lao động mỗi năm, trong khi số lượng sinh viên tốt nghiệp mỗi năm trong ngành Công nghiệp du lịch chỉ là 15.000 sinh viên. Ngành Du lịch đang có khoảng 500.000 việc làm trực tiếp và 1.000.000 việc làm gián tiếp trong năm 2014, và con số này được dự kiến đạt 650.000 việc làm trực tiếp và 2.000.000 việc làm gián tiếp trong năm 2015. Lực lượng lao động làm quản lý cũng được dự kiến tăng 25%. Để lấp khoảng trống về nguồn thiếu hụt nhân lực này Tổng cục Du lịch đã giải quyết bằng việc ban hành “Tiêu chuẩn kỹ năng của nghề du lịch Việt Nam” được thực hiện tại các cơ sở đào tạo du lịch.

Ngài Franz Jessen, Đại sứ - Trưởng đại diện Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam, đã nhấn mạnh “ngành Du lịch cần có nhiều lao động có trình độ hơn nữa nhằm tăng cường tính cạnh tranh cũng như đưa Việt Nam trở thành một điểm đến hấp dẫn. Với sự hỗ trợ của Liên minh châu Âu, thông qua bộ tiêu chuẩn nghề VTOS này, các trường đại học/cao đẳng đào tạo du lịch sẽ được trang bị bài bản hơn để đào tạo một lực lượng lao động trẻ mà ngành Du lịch đang thực sự cần”.

Theo ý kiến của các chuyên gia EU, bằng cách tăng số lượng nhân viên được đào tạo và có trình độ trong tất cả các lĩnh vực của ngành Du lịch và khách sạn sẽ nâng cao được chất lượng sản phẩm và dịch vụ. Điều này, sẽ có một tác động tích cực đến hình ảnh và uy tín của Việt Nam. Dịch vụ tốt hơn cũng dẫn tới khả năng cạnh tranh tốt hơn, lượng khách du lịch cũng sẽ nhiều hơn và theo đó tăng đóng góp vào GDP và doanh thu cho Chính phủ. Du lịch là một ngành công nghiệp quan trọng của đất nước và có thể tạo những hiệu quả tích cực cho các ngành công nghiệp có liên quan, nâng cao trình độ, kỹ năng của toàn bộ chuỗi cung ứng. Điều này có thể dẫn đến gia tăng số lượng việc làm và tiền lương cho lao động trong nước.

Được xây dựng từ năm 2007, tiêu chuẩn VTOS đã và đang được các doanh nghiệp và các trường đào tạo nghề du lịch sử dụng rộng rãi. Hiện tại, khi đã được điều chỉnh và cập nhật dưới dạng cấu trúc mô-đun, mười bộ tiêu chuẩn nghề VTOS đã được Tổng cục Du lịch phê duyệt để triển khai thực hiện trong ngành Du lịch và Khách sạn. Các tiêu chuẩn VTOS phiên bản mới được xây dựng và dựa trên thang chuẩn là các tiêu chuẩn nghề quốc tế và phù hợp với Hướng dẫn trong Quyết định số 09/2008/QĐ-BLĐTBXH của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, trong đó quy định các nguyên tắc và quy trình xây dựng các tiêu chuẩn kĩ năng nghề quốc gia.

Lưu Hiệp
.
.
.