Năm Dậu nói chuyện Gà Hồ

Thứ Hai, 07/02/2005, 07:01
Hiện nay, gà Hồ vẫn được nuôi tại Lạc Thổ, thị trấn Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Nếu đúng tiêu chuẩn giống gà Hồ thì con mái phải nặng từ 3,5kg đến 4kg; con trống phải nặng gấp rưỡi, có khi gấp đôi thế!

Làng Lạc Thổ, trước đây thuộc xã Song Hồ, nay là thị trấn Hồ, chính là nơi xuất xứ của giống quý - gà Hồ đã có trên 600 năm nay. Từ giống này tạo ra các nhánh như gà Tam Đảo, gà Đông Cảo...

Quê của gà hồ - Đông Hồ, không chỉ có nét văn hóa vùng Kinh Bắc nổi tiếng, mà nơi đây còn là cụm di tích lịch sử văn hóa. Một đoạn thơ của Hoàng Cầm đã nói lên điều này:

Gà Hồ đang rộn rã sinh sôi

Gà lại vào tranh thắm nghĩa đời

Lúa bên ngô vun nguồn gốc lạc

Hội thi càng quý nét tinh khôi.

Hai ông Nguyễn Văn Mỹ, Nguyễn Đăng Chung, Hội Sinh vật cảnh của thị trấn, giới thiệu về gà Hồ: Nếu con trống đẹp phải là loại mã lĩnh (lông màu vỏ nhãn) hoặc mã thó (lông màu đất sét), gà mái đẹp là mã nhãn. Hằng năm cứ vào ngày mồng 9/2 âm lịch là hội làng. Trong hội nổi bật có Hội thi gà Hồ, ngoài ra có các môn khác như thả chim v.v...

Để có gà đẹp đi thi, mỗi giáp (làng chia làm nhiều giáp) lại cử ra một người chuyên trách nuôi gà Hồ sao cho con gà đi thi phải đoạt giải. Nhà nào đoạt giải được tặng cờ, tặng quà. Gia đình có gà đi thi không bao giờ tiết lộ bí quyết chăn nuôi, nhất là những chú gà trống tiêu chuẩn đẹp, chất lượng như lông mượt, mã lĩnh, mã mật, mào sít, vẩy chân tròn v.v...

Các chuyên gia của Viện Chăn nuôi - Trung tâm Giống gia cầm Việt Nam - Viện Di truyền học Việt Nam cùng các nhà khoa học đã nghiên cứu theo dõi giống gà này tại làng Lạc Thổ đã công nhận gà Hồ là giống quý. Các nhà khoa học của Nhật, Đức đã phân tích gien và kết luận giống gà Hồ hiện còn 75% chất lượng, vì vậy phải thuần chủng và chăm sóc tốt để tạo ra đúng tiêu chuẩn của nó.

Gà Hồ trong mâm cỗ thờ cúng tổ tiên

Gia đình nào ở Lạc Thổ mà nuôi gà Hồ, thì những chủ nhân của gia đình đó rất cẩn thận, cầu kỳ chuẩn bị chọn con gà làm thịt để cúng tổ tiên.

Ông Mỹ và ông Bảy cho biết: Khi làm cỗ, các ông phải trực tiếp cắt tiết, làm lông, mổ moi. Cắt tiết phải biết làm, con gà không bị cắt rộng, da không tím, lông phải làm sạch, sau đó lấy nan tre khéo léo luồn vào trong con gà, (gọi là giàng) làm sao để cho gà đứng ngẩng đầu, cánh dang ra, tư thế vươn lên. Có nhà lại làm cho gà cúng có tư thế quỳ.

Gà để làm cỗ cúng thường là loại gà 5 - 7kg, khi giàng xong, hai tay bê nhẹ nhàng đặt vào nồi to (loại nồi nấu bánh chưng) cho gà đứng vững giữa nồi, rồi đậy nắp vung, trát đất xung quanh nắp cho kín hơi, lửa đun nhỏ lom đom, chỉ từng que củi nhỏ một, vì trong nồi không có nước. Đun như vậy khoảng hơn 2 tiếng đồng hồ thì gà chín.

Gà chín hơi, da bóng mỡ óng ánh đẹp, ta nhẹ nhàng đưa gà đứng vào đĩa to và đặt lên giữa mâm cỗ, tìm bông hồng đỏ cho gà ngậm... Thế là mâm cỗ thờ cúng tổ tiên đã nổi bật với con gà trống oai phong rất ấn tượng và có vẻ đẹp lạ thường. Mùi gà chín thơm phức xen lẫn mùi hương thơm tỏa ngát, bên ánh đèn lung linh chứng tỏ lòng tôn kính tổ tiên, và dâng tiến một sản vật quý của địa phương.

Khi dịch cúm gia cầm xuất hiện, đàn gà Hồ quý đã được bảo vệ an toàn. Huyện Thuận Thành lúc đó có 10/18 xã ở 25 thôn có 55 hộ có gà mắc dịch phải tiêu hủy là 18.696 con. Song, Viện Chăn nuôi không chỉ cấp thức ăn cho giống gà Hồ thường xuyên mà còn cấp thuốc phòng dịch, cử cán bộ trực tiếp xuống cùng bà con chăm sóc đàn gà. Trạm Thú y huyện, UBND huyện hỗ trợ kinh phí mua vật tư dập tắt nạn dịch cúm gà

Trần MạnhTuấn
.
.
.