Mưu sinh trong đêm rét thấu xương ở Hà Nội

Thứ Bảy, 04/01/2014, 17:00
Hà Nội đang chìm trong những ngày đông buốt giá. Trong cái rét thấu xương của đêm đông, nhiều con người cần mẫn vẫn bám gió, bám sương miệt mài mưu sinh trên đường phố.

0h đêm, trên con phố Bạch Mai dài hun hút, một vài đốm lửa sắp lụi, đêm khuya người đốt đã về hết, chỉ còn một đám tro sắp tàn. Góc phố bên kia đường, một bà cụ tất tả quờ tay túm lại miếng nilon mỏng vừa bị gió rứt ra khỏi tấm thân gầy guộc. Hai bàn tay run rẩy dường như đã từ lâu không còn nghe theo bà nữa, cứ kéo được bên này, miếng nilon lại bật ra ở bên kia. Bà cụ đang ngồi co ro sắp xếp lại thành quả của cả một ngày lang thang nhặt rác, nào ống nhựa, lon bia, nilon, bìa giấy… tất cả được xếp gọn gàng trong đôi quang gánh nhỏ.

Hỏi ra mới biết, bà quê ở Gia Lâm (Hà Nội) nhưng ban ngày thì qua Hà Nội đi nhặt rác, nhặt được đâu cụ bán luôn, tối lại bắt xe về. Nhưng đêm nay cụ phải ngủ lại Hà Nội vì lỡ tham nhặt nhiều quá đến tối giờ xe về cụ chưa bỏ được mối hàng nên đành ngủ lại vỉa hè. Cụ kể, mỗi ngày đi nhặt rác khắp nơi cũng kiếm được 30.000 - 50.000 đồng. “Tôi định về từ lúc tối rồi nhưng mà hàng nặng quá lại chưa bán được nên ngủ tạm qua đêm đã rồi mai tính tiếp”, bà run run nói. Chỉ có duy nhất tấm nilon mỏng rách, cụ vẫn gắng gượng chống lại cái lạnh 9 độ C của đêm Hà Nội chỉ vì miếng cơm manh áo.

Những cơn gió buốt găm xuyên qua làn áo mỏng, đưa cái lạnh thấm sâu vào da thịt khiến chị Hoàng Thị Tuyết (28 tuổi, huyện Mỹ Đức, Hà Nội) cứ vừa bán hàng vừa co ro hết đứng lên lại ngồi xuống. Đã hơn 7 năm nay, đêm nào chị Tuyết cũng cần mẫn đi bán ngô, khoai… bất kể trời mưa hay gió rét. Cung đường dài hun hút cùng những vòng quay đều đều của xe ngô luộc đã nuôi sống cả gia đình chị gồm ông bà và con nhỏ, mỗi đêm chị bán được khoảng 200.000 - 300.000 đồng. Cứ 6h chiều, chị gồng mình đẩy xe ngô ra khỏi xóm trọ, vòng qua các cung đường Phạm Hùng, Xuân Thủy, Cầu Giấy, Nguyễn Phong Sắc… đến khoảng 3h sáng mới trở về. Chị kể: “Vì không có cái chữ nên mới phải bán đêm vậy chứ, nghề này cũng có cái khổ cực riêng, nhưng tôi đã quá quen rồi”. Nói rồi chị kể, mấy đêm nay trời đêm rét buốt thấu xương nhưng mấy chị em trong xóm cùng đi bán ngô khoai không ai dám nghỉ vì ai cũng cố gắng cày cuốc thêm để lo Tết. Hiện chị Tuyết đang mang bầu đến tháng thứ 7, đôi mắt đã thâm quầng, chân tay khô ráp do phơi sương muối đã lâu. Chị cười xòa: “Ai cũng bảo tôi tham việc quá, có bầu còn đi bán hàng đêm khuya. Trời mấy hôm nay rét thật cực khổ lắm nhưng tôi không đi cũng không được, tôi phải lo cho gia đình, gánh nặng cơm áo sao mà dửng dưng?”.

Trời đêm rét cắt da cắt thịt nhưng những người lao động nghèo vẫn cần mẫn kéo xe kiếm từng đồng bạc lẻ tại chợ đầu mối Long Biên, Hà Nội.

2h đêm, chợ đầu mối nông sản Long Biên tấp nập các xe tải, xe máy, xe thồ hàng, cùng rau củ quả khắp nơi đổ về. Trong khu chợ nhốn nháo, hỗn tạp, nhiều lao động nghèo đang tranh giành từng thùng hàng. Cuộc sống mưu sinh ban đêm ở nơi đây có thể nói là sầm uất nhất Hà Nội. Từng khuôn mặt hốc hác, nứt nẻ tếch toác, mái tóc rối bù vẫn gồng mình dỡ từng thùng hàng nhỏ bỏ vào chiếc xe kéo. Họ chính là những phu xe ở chợ đêm. Chị Lê Thị Hòa, làm phu xe ở chợ đã gần 10 năm nay, đã quen với mưa gió, rét mướt nên chị bảo trời có rét 0 độ C thì chợ vẫn đông vui như thường. Vừa kéo xe, chị vừa thét lớn: “Đẩy mạnh lên, sắp đến dốc rồi, đẩy qua chỗ này nào, thôi dừng lại”. Những khẩu hiệu dồn dập ra lệnh đó để chỉ người phía sau, thỉnh thoảng họ chí chóe cãi vã, thỉnh thoảng vấp ngã chảy máu nhưng mỗi đêm họ cũng kéo trên 20 chuyến. Vận chuyển mỗi thùng táo, xoài, cam, quýt… được 3.000 đồng, cả đêm cũng chỉ bỏ túi khoảng 200.000 – 300.000 đồng. “Chiếc xe kéo tôi mua lại với giá 4 triệu đồng mòn hết bánh, hoen gỉ này đã nuôi sống cả 2 con gái học đại học của tôi đấy, đứa học trường Xây dựng, đứa học Bách khoa, chịu khó làm lụng đêm hôm cũng đủ tiền cho ba mẹ con mưu sinh ở nơi thành thị đắt đỏ”, chị Hòa phấn khởi nói.

Trời gần về sáng, phía gần ga Hà Nội có một cậu bé đang co ro trong giá lạnh, em đang trải chăn ngủ ngay trên vỉa hè sau một ngày mệt nhoài với các cung đường đánh giày. Mới 13 tuổi nhưng Tuấn (Quỳnh Lưu, Nghệ An) đã có thâm niên 5 năm làm nghề. Một hộp đồ nghề nhỏ, vài ba bộ quần áo rách rưới cùng cái chăn nhung đỏ là tài sản lớn nhất của cậu bé. Năm nay không mấy khách đánh giày, đêm nào cũng đi đến 12h nhưng cũng chỉ được 5 – 7 khách. Tiền kiếm được Tuấn chỉ đủ ăn uống sống qua ngày, mua thuốc khi ốm đau. Tuấn chỉ cho biết em là trẻ mồ côi và không muốn nhắc đến chuyện gia đình. “Em thèm có một ngôi nhà và một giấc ngủ ấm áp, ngủ ngoài vỉa hè rét thấu xương chị ạ”, nói rồi Tuấn kéo chiếc chăn nhung hoa cho kín khuôn mặt đen nhẻm rồi chìm sâu vào giấc ngủ. Ngoài kia là phố mùa đông lung linh vào Tết, còn cuộc đời cậu thì rét mướt, sương muối phủ đầy, sáng mai thức giấc rồi Tuấn sẽ lại tiếp tục công việc của đời mình!

Hướng Dương
.
.
.