Mưu sinh kiểu bán mạng cho “tử thần”
Nhiệt độ ngoài trời những ngày qua có lúc lên đến 39 độ, hơi nóng thốc từ mặt đường lên khô khốc khiến những người lưu thông trên đường phải trang bị rất nhiều vật dụng chống nắng nhưng cũng không thể thấy dễ chịu hơn. Ấy vậy mà, những người bán hàng rong mưu sinh giữa các làn phương tiện trên các đoạn quốc lộ vẫn len lỏi chào mời khách mặc cho da mặt sạm đen vì nắng.
Trở lại quốc lộ 1 đoạn qua khu phố 4, phường Bình Chiểu, quận Thủ Đức nơi mà một người lượm ve chai bị xe khách tông chết lúc rạng sáng 20/2. Hỏi chuyện với một phụ nữ có xe giải khát ven đường về trường hợp ông già 50 tuổi lượm ve chai bị xe khách cán chết, người phụ nữ này nhanh nhảu: “Cũng chẳng biết ông ấy từ đâu tới nhưng ông già này là một trong nhiều người thường đẩy xe đạp vào đường dành cho ôtô lượm các chai nước mà tài xế quăng xuống...”.
Rồi người phụ nữ này buột miệng: “Ấy vậy mà những người bán hàng rong ở đây chứng kiến vụ việc trên có sợ đâu! Sau khi thi thể ông già được đưa đi họ lại tiếp tục chặn đầu xe bán hàng. Thiệt! Tiền cần thì cần chứ “bán mạng” cho xe tải tôi là tôi không dám!”.
Hình ảnh mưu sinh kiểu “bán mạng” tại QL1 đoạn ngã tư Gò Dưa, Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh. |
Đúng như lời người phụ nữ này, dọc từ cầu vượt Linh Xuân đến cầu Gò Dưa (Thủ Đức) dưới cái nắng như đốt hàng chục người vẫn cố len vào dòng xe tải mời chào cánh tài xế mua tờ báo, ly nước. Nhiều bác tài bị chặn đầu xe tức tối bấm còi inh ỏi, nhưng mặc, những người bán hàng rong vẫn chây ỳ níu kéo. Tranh thủ đứng giữa đường, người bán hàng rong kiếm thêm thu nhập bằng cách lượm chai lọ mà các bác tài thải ra. Tại khu vực này chúng tôi ghi nhận có đến 20 người hành nghề “bán mạng cho tử thần”. Tài xế xe tải Nguyễn Hữu Khanh (ngụ Bình Dương) thường chạy tuyến đường này ngán ngẩm: “Nhiều lúc họ “phục vụ” tận nơi cũng tiện thật nhưng làm các bác tài cứ canh cánh lo bánh xe cán phải họ. Sau khi mời chào, họ lấp ló ở đầu xe, đuôi xe, nhảy thẳng lên cabin hay cúi xuống lượm ve chai làm tài xế không tài nào quan sát được!”.
Buổi trưa nắng gắt, tại đoạn QL1 đi qua quận Bình Tân, một số xe gắn máy chở theo thùng xốp chứa nước ngọt ướp lạnh dựng dọc dải phân cách bằng sắt. Khi thấy dòng xe chạy chậm lại, những người đàn ông tay cầm 5-7 chai nước ngọt lao ra giữa đường nhảy lên cabin mời tài xế mua nước. Dòng xe tiếp tục di chuyển những người đàn ông này không trở vào lề mà tiếp tục leo lên con lươn bằng bê tông đứng mời chào như làm xiếc. Ông Thảnh - quê miền Trung cho biết: “Già rồi nên muốn xin làm công nhân không ai cho làm nên kiếm chút vốn mua hàng ra đây bán. Mỗi ngày kiếm cũng được 100-200 ngàn đủ trả tiền phòng trọ và nuôi đứa con học cao đẳng. Biết nguy hiểm nhưng không làm vậy biết làm gì bây giờ!”. Khi được hỏi đến ai cũng than hoàn cảnh khó khăn, ở quê không có việc làm, trình độ thấp nên làm việc này cực, nguy hiểm nhưng sống được!
Tại khu vực QL1 đoạn qua khu du lịch Suối Tiên (quận 9) nơi nhiều xe khách thường tấp vào lề đón trả khách như “ăn cướp” bất chấp tính mạng hay các phương tiện hai bánh đang lưu thông chúng tôi thấy rất nhiều người hành nghề kiểu “bán mạng” này. Anh Toàn hành nghề xe ôm ở đây chặc lưỡi: Ở đây đông nhất là người bán vé số, bánh mì, nước giải khát. Họ bất chấp nguy hiểm lao qua dòng xe đang di chuyển leo lên xe khách mời chào. Mấy bữa trước có bà bán vé số mém bị xe container tông, bị tài xế chửi nhưng bà ấy không sợ mà còn gân cổ quay lại cãi nhau với tài xế!”.
Nói về những người “bán mạng cho tử thần”, tài xế Võ Văn Trung (nhà Hóc Môn) chạy tuyến TP Hồ Chí Minh - Vũng Tàu ngán ngẩm: “Nói chung là rất lộn xộn! Thấy những người buôn bán chắt bóp từng đồng gởi về quê nuôi gia đình mình thấy lo lắng cho tính mạng của họ nhưng cũng có những đối tượng “giả bộ” buôn bán kiếm sống nhưng thực chất là lừa đảo!”. Anh Trung hậm hực kể, một buổi trưa dừng xe trả khách, một thanh niên xách mấy chai nước ngọt mời chào với giá 10 ngàn/chai. Không có tiền lẻ anh Trung đưa cho người thanh niên này 100 ngàn đồng. Giả bộ lục túi tìm tiền thối rồi gã thanh niên này nói anh Trung chờ để đi đổi tiền rồi vụt mất. Khi khách xuống hết, chờ mãi không thấy gã thanh niên này quay lại anh Trung đành phải lái xe đi vì khu vực này không được dừng, đỗ xe.
Đành rằng kiếm một cái nghề để lo cho cuộc sống phải vất vả mới có được nhưng việc “bán mạng cho tử thần” như thế này thật không thể chấp nhận. Hình ảnh người bán hàng len lỏi giữa các làn xe kéo dài, nhỏ hẹp chỉ cần lơ là một chút là tai nạn xảy ra mới thấy sự mất an toàn, gây cản trở giao thông mà những người này đem lại trên đường. Không chỉ ban ngày, mà ngay cả ban đêm cảnh buôn bán “bán mạng” như thế này thường xuyên diễn ra. Ban đêm tầm nhìn bị thu hẹp, quan sát khó nên cánh tài xế tỏ ra lo ngại những vụ TNGT đáng tiếc xảy ra khi người bán hàng cứ liên tục băng ngang quốc lộ chèo kéo. Rất mong các cơ quan chức năng quản lý các đoạn đường có người bán hàng rong này cần có biện pháp mạnh, triệt để để tránh mất ATGT