Mức phạt lấn chiếm vỉa hè cao, nhưng xử lý... vướng

Thứ Năm, 28/04/2011, 12:35
Đồng chí Lê Ngọc Thăng, Phó trưởng Công an phường Hàng Đào cho biết: "Hầu như ngày nào Công an phường cũng đi kiểm tra, quét vét những điểm kinh doanh lấn chiếm vỉa hè, lòng đường. Thậm chí có hộ kinh doanh đồ chơi ở phố Lương Văn Can bị xử lý tới 13 lần trong 1 năm nhưng không chịu nộp phạt vì mức phạt hiện quá cao so với tài sản mà người vi phạm bị thu giữ".

Một nghịch lý đang tồn tại khá "nóng" hiện nay là chế tài xử phạt  hành vi kinh doanh, buôn bán lấn chiếm vỉa hè, lòng đường theo Nghị định 34 của Chính phủ nâng lên mức 25 triệu đồng thì thực tế hầu như lại không xử phạt được. Mức phạt 25 triệu đang gây khó khăn cho các cấp thực thi khi người vi phạm đều bỏ lại tài sản bị tạm giữ, nhất quyết không nộp phạt; còn cơ quan thi hành nhiệm vụ phải vất vả đem định giá, đấu giá tài sản chủ yếu là hàng rong.

Lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để kinh doanh buôn bán là chuyện muôn thuở ở các đô thị lớn, đông dân, nó làm mất mỹ quan văn minh đô thị và gây mất trật tự an toàn giao thông. Nhằm giải quyết triệt để tình trạng "nhờn luật" và răn đe người vi phạm, Nghị định 34/NĐ-CP của Chính phủ đã nâng mức chế tài xử phạt cho hành vi vi phạm này lên 25 triệu đồng. Nhưng hơn 1 năm kể từ khi áp dụng, vi phạm về trật tự đô thị vẫn rất "nóng", nhưng số vụ xử phạt được chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Đơn cử ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, một trong những nơi vi phạm về lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để kinh doanh buôn bán "nóng" nhất của Thủ đô, mỗi tháng có hàng chục vụ vi phạm bị xử lý và tạm giữ hàng hoá nhưng hầu như chưa trường hợp nào chịu nộp phạt theo Nghị định 34.

Nhiều đoạn vỉa hè ở phố Nguyễn Lương Bằng, Hà Nội bị chiếm để kinh doanh.

Đồng chí Lê Ngọc Thăng, Phó trưởng Công an phường Hàng Đào cho biết: "Hầu như ngày nào Công an phường cũng tổ chức đi kiểm tra, quét vét những điểm kinh doanh quần áo, đồ chơi lấn chiếm vỉa hè, lòng đường. Thậm chí có hộ kinh doanh đồ chơi ở phố Lương Văn Can bị xử lý tới 13 lần trong 1 năm nhưng họ cũng không chịu nộp phạt. Mức phạt 25 triệu đồng hiện quá cao so với tài sản mà người vi phạm bị thu giữ, nên họ đều bỏ lại chứ không nộp phạt".

Theo ông Nguyễn Việt Hà, Đội trưởng Đội Thanh tra giao thông quận Hoàn Kiếm thì vi phạm nhiều như vậy nhưng từ khi áp dụng mức phạt 25 triệu đồng, Đội Thanh tra giao thông quận Hoàn Kiếm chưa xử phạt được trường hợp nào. Có bãi trông giữ xe diện tích được cấp phép 40m2, nhưng lấn chiếm đến hơn 100m2, khi bị lập biên bản xử lý người vi phạm cũng không chịu nộp phạt vì kêu "chế tài cao". Thậm chí có điểm kinh doanh xe máy ở phố Bà Triệu đã ra quyết định xử phạt từ năm 2010 nhưng đến nay chủ hàng cũng không tới nộp phạt và bỏ lại 2 chiếc xe máy bị tạm giữ.

Hầu hết những địa bàn mà chúng tôi tìm hiểu ở Hà Nội đều nhận được phản ánh của các cấp chính quyền là "chưa xử phạt được trường hợp nào 25 triệu đồng". Duy nhất có Công an phường Nam Đồng phối hợp với Đội CSTT Công an quận Đống Đa xử phạt được 1 trường hợp là điểm kinh doanh xe máy Kường Ngân.

Theo phản ánh của người dân thì tại các điểm kinh doanh xe máy này thường xảy ra tình trạng lấn chiếm vỉa hè để xe máy. Đồng chí Lều Thọ Dũng, Phó trưởng Công an phường Thổ Quan cho biết, Công an phường đã kiểm tra và nhiều lần xử phạt điểm kinh doanh Kường Ngân về việc xe máy của khách lấn chiếm vỉa hè. Tuy nhiên, kể từ khi áp dụng mức phạt 25 triệu đồng, Công an phường cũng chưa xử phạt được trường hợp nào.

Trên địa bàn Hà Nội còn nhiều phường không xử phạt được người vi phạm ở mức 25 triệu đồng như phường Cát Linh, Giảng Võ… Ngay cả Công an quận Đống Đa tuy đã tạm giữ được 2 chiếc xe máy của một cửa hàng kinh doanh xe máy ở phố Khâm Thiên, nhưng cửa hàng này chấp nhận "mất" hai chiếc xe chứ cũng không chịu đến nộp phạt.

Nâng cao chế tài xử phạt là một trong những biện pháp mang lại hiệu quả răn đe cao. Tuy nhiên, mức phạt 25 triệu đồng/lần vi phạm với hành vi kinh doanh, buôn bán lấn chiếm vỉa hè, lòng đường hiện nay lại chưa khả thi, nhiều quyết định xử phạt thì bị "treo", trong khi Ngân sách Nhà nước lại thất thu

Trần Hằng
.
.
.