Một số loại cây xanh đô thị có hại cho sức khỏe
Đánh giá của Bộ Xây dựng cho thấy: Trong những năm gần đây, do việc quản lý cây xanh lỏng lẻo nên tình trạng chặt phá cây, khai thác tùy tiện cây xanh đô thị đã diễn ra khá phổ biến làm giảm diện tích che phủ và khả năng sinh tồn của cây. Đặc biệt, việc trồng cây xanh ở nhiều nơi công cộng trên đường phố, vườn hoa, công viên và cây xanh trong các loại khuôn viên vẫn còn mang tính tự phát, manh mún, phân tán thiếu quy hoạch về lựa chọn và bố trí loại cây trồng phù hợp ở từng công trình, từng địa phương.
Trên thực tế, cây xanh đô thị có vai trò rất quan trọng đối với đời sống con người và môi trường đô thị. Ngoài những tác dụng trong việc cải tạo khí hậu, bảo vệ môi trường sống đô thị, hệ thống cây xanh còn là yếu tố nghệ thuật bố cục không gian và cảnh quan đô thị.
“Đến Việt Nam mà ngỡ lạc tới châu Phi”
Theo Vụ Hạ tầng kỹ thuật - Bộ Xây dựng, những năm gần đây, có nhiều loại cây xanh được đưa vào trồng tại một số đô thị đã không đem lại nhiều thiện cảm, thậm chí gây ảnh hưởng đến sức khỏe của con người.
Điển hình như phong trào trồng cây hoa sữa với mật độ dày đặc tại các đô thị miền Trung như: TP Đồng Hới (Quảng Bình), TP Đà Nẵng (Đà Nẵng), thị xã Tam Kỳ (Quảng Nam), TP Quảng Ngãi (Quảng Ngãi), TP Nha Trang (Khánh Hòa). Loại hoa này có mùi hương quá nồng, đặc biệt là vào thời điểm cuối hè nên đã ảnh hưởng đến sức khỏe của cư dân ở các đô thị.
Tại một số tỉnh ven biển có khá nhiều hàng cọ dầu thô kệch được đưa về trồng nơi đây tạo ra sự phản cảm và xa lạ đối với những thành phố ven biển.
Một số địa phương khác như tại TP Hồ Chí Minh do chưa có quy hoạch rõ ràng, nhiều người dân đã bổ sung mảng cây xanh đường phố bằng cách trồng loại cây mà mình... yêu thích, miễn đáp ứng được yêu cầu cây nhanh lớn, nhanh cho bóng mát. Qua kết quả kiểm tra đã phát hiện tại TP Hồ Chí Minh hiện đang tồn tại trên 5.000 cây xanh được "liệt" vào danh sách nguy hiểm vì ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe và môi trường sống.
Cũng tại đô thị này hiện đang tồn tại khoảng 5.600 cây sao, dầu lâu năm đến tuổi già và có đặc tính nhánh giòn dễ gãy, gây tai nạn cho người đi đường. Thống kê của cơ quan chức năng đã cho thấy, có tới gần 50% vụ tai nạn chết người vì cây xanh đều do các cây sao, dầu gây ra.
Theo Tiến sỹ thực vật học Nguyễn Đăng Khôi thì việc trồng cây xanh ở các đô thị, các công trình kiến trúc không chỉ đơn thuần để lấy bóng mát mà còn để trang trí, làm cảnh. Trang trí thì phải mang bản sắc dân tộc, phải thể hiện được vẻ đẹp của đất nước, cho nên chúng ta cần phải quan tâm đến các loại cây địa phương (cây bản địa), cả loài cây dân tộc.
Bởi một con người sinh ra và lớn lên ở một đất nước không chỉ gắn bó chặt chẽ với nền văn hoá, các phong tục, tập quán, ngôn ngữ, các công trình kiến trúc, cuộc sống vật chất và tinh thần mà còn cả với thiên nhiên cây cỏ của nước đó.
Tại các nước, bản sắc dân tộc thể hiện rất rõ trong việc trồng cây xanh. Ví dụ như đối với người Nga, cây bạch dương là vô cùng thân thiết, bạch dương được coi là cây tượng trưng cho đất nước Nga. Người dân Nhật Bản thì cây anh đào vô cùng gắn bó và tượng trưng cho sự sống, hàng năm có hẳn những ngày lễ hội hoa anh đào. Người Ấn Độ thường trồng cây đề, cây đại ở những nơi linh thiêng của đất nước. Người Lào thường trồng hoa chăm pa, còn đối với đất nước Campuchia là cây thốt nốt...
Tại các thành phố của nước ta nếu như những năm trước đây toàn trồng xà cừ, phi lao, keo tai tượng, các loại bạch đàn… thì vài năm trở lại đây, người ta trồng toàn cọ dầu, cau bụng (là những cây tiêu biểu của châu Phi) và cây cau vua (xuất xứ từ Singapore).
Theo Tiến sỹ Nguyễn Đăng Khôi, xét về vẻ đẹp kiến trúc thì đúng là cau bụng rất đẹp nhưng chỉ nên trồng số lượng vừa phải ở các công viên, khuôn viên biệt thự chứ không thể chấp nhận hiện trạng khách nước ngoài vừa đặt chân đến Thủ đô Hà Nội, bước ra khỏi Sân bay Quốc tế Nội Bài đã gặp ngay một hàng cau bụng trước mặt. Dọc hai bên đường cao tốc từ Nội Bài về Thủ đô Hà Nội, khuôn viên các nhà máy cũng đều trồng cau bụng.
Bức xúc nhất là suốt dọc đường Lê Đức Thọ và xung quanh Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình đều trồng cau bụng khiến những ai đến đây đều có cảm giác như đang lạc vào một khu liên hợp thể thao ở một nước châu Phi.
Dường như đang có một đại dịch cau bụng, cọ dầu đang diễn ra ở các đô thị miền Bắc và theo nhận định của Tiến sỹ Nguyễn Đăng Khôi thì cứ theo đà này, cảnh quan Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến và các đô thị khác ở miền Bắc sẽ biến thành cảnh quan của các đô thị khô hạn châu Phi.
Cần có sự phát triển hợp lý cây xanh đô thị
Theo đánh giá của Bộ Xây dựng, hiện nay nước ta có 718 đô thị lớn nhỏ, tỷ lệ diện tích cây xanh trung bình ở các đô thị còn rất thấp. Một số đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, diện tích cây xanh bình quân trên đầu người chỉ khoảng 1,5 - 2m2/người.
Trong khi đó, một số đô thị hiện đại phát triển trên thế giới cây xanh bình quân khá cao như ở Paris 25m2/người, Moskva (Nga) 44m2/người, Berlin (Đức) là 50m2/người. Và ở Stockholm (Thụy Điển) tỷ lệ này là 68m2/người.
Để tăng tỷ lệ cây xanh phù hợp với quy hoạch xây dựng và phát triển bền vững đô thị, Bộ Xây dựng đã bổ sung hoàn chỉnh các tiêu chuẩn, quy chuẩn về cây xanh đô thị. Trong thời gian tới, cùng với lập quy hoạch chuyên ngành cây xanh, Bộ Xây dựng sẽ phối hợp với các ngành chức năng quản lý hệ thống cây xanh một cách toàn diện.
Bộ Xây dựng cũng đã ban hành Thông tư số 20/TT-BXD về hướng dẫn quản lý cây xanh đô thị với mục đích nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước, đồng thời khuyến khích toàn xã hội tham gia quản lý, bảo vệ, phát triển cây xanh đô thị trên toàn quốc phù hợp với định hướng phát triển đô thị Việt Nam và quy hoạch xây dựng đô thị.
Thông tư này cũng quy định nghiêm cấm trồng các loại cây trong danh mục cây cấm trồng, các loại cây trong danh mục cây trồng hạn chế khi chưa được cấp thẩm quyền cho phép. Các hành vi xâm hại cây xanh đô thị như tự ý chặt hạ, di dời, ngắt hoa, bẻ cành, chặt rễ... tự ý xây dựng bục bệ bao quanh gốc cây, giăng đèn trang trí, giăng dây, đóng đinh, treo biển quảng cáo trái phép cần phải xử lý nghiêm