Mối lo từ rác thải nhựa

Chủ Nhật, 13/10/2019, 07:39
Việt Nam được nhận định là 1 trong 5 quốc gia xả rác thải nhựa nhiều nhất, với khoảng 1,8 triệu tấn ra môi trường mỗi năm. Chỉ số tiêu thụ nhựa trên đầu người cũng tăng nhanh chóng từ 3,8kg/người/năm (1990) lên 41,3kg/năm/người vào năm 2018.


Đó là thông tin được đưa ra tại hội thảo Phát huy vai trò của khoa học và công nghệ trong vấn đề quản lý và giảm thải rác nhựa do Liên hiệp Các hội khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) phối hợp với Tổ chức Hợp tác phát triển quốc tế Đức (GIZ) tổ chức ngày 11-10.

Thống kê của Bộ TN&MT cho thấy, chỉ tính riêng Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, mỗi ngày đã thải ra môi trường khoảng 80 tấn nhựa và túi nilon. Riêng Hà Nội, thải ra 4.000 - 5.000 tấn rác mỗi ngày, trong đó rác thải nilon chiếm 7-8%.

Cần tăng cường tổ chức các hoạt động ra quân làm sạch môi trường tại các bãi biển. ảnh minh hoạ: Internet

Kết quả khảo sát ở 1 khu dân cư ở Đà Nẵng (gồm 114 hộ) cho thấy, trung bình mỗi hộ mỗi tháng thải ra môi trường 14 chai nhựa, rác túi nilon 119 cái. Bà Huỳnh Thị Liễu Hoa, Nguyên Giám đốc Sở TN&MT Đà Nẵng cho biết, theo kết quả số liệu ghi chép được ở 2 quận tại Đà Nẵng cho thấy về rác thải nhựa bao gồm cả nilon và chai nhựa thu được 8 tấn. “Nếu không được phân loại thì toàn bộ số rác này sẽ được chôn lấp tại bãi rác Khánh Sơn” - bà Liễu Hoa nói.

Theo PGS.TS. Hoàng Thị Thu Hương, theo ước tính việc tái chế 1 tấn nhựa sẽ giúp tiết kiệm được 3,8 thùng dầu thô, nếu tỷ lệ tái chế đạt 75% sẽ tương đương với việc giảm được lượng khí thải của 55 triệu ôtô đi lại trên đường. Hiện, cả nước có khoảng 2.200 doanh nghiệp sản xuất nhựa, 90% không chủ động được nguồn nguyên liệu.

Nguồn nguyên liệu trong nước đáp ứng 15-20% chủ yếu là nhựa tái sinh, còn hạt nhựa nguyên sinh phải nhập khẩu hoàn toàn. Trong khi đó, tỷ lệ tái chế ở Việt Nam chỉ đạt 27%, do công nghệ tái chế nhỏ lẻ, công nghệ thô sơ, lạc hậu gây ô nhiễm nghiêm trọng môi trường không khí, nước và đất.

Tại làng nghề tái chế nhựa Minh Khai (Văn Lâm - Hưng Yên) có 725 hộ sản xuất tái chế nhựa, với 6.400 lao động. Hàng ngày sản xuất tái chế khoảng 600-650 tấn chất thải nhựa, tối đa 1.000 tấn/ngày. Hầu hết phế liệu có nguồn gốc từ nước ngoài, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Đánh giá về thực trạng ô nhiễm rác thải nhựa tại các khu du lịch biển - đảo Việt Nam, TS. Dư Văn Toán và ThS. Nguyễn Thuỳ Vân (Viện Nghiên cứu phát triển du lịch) cho rằng, tình trạng quá tải tại các khu, điểm du lịch biển - đảo đã làm gia tăng chất thải từ các hoạt động du lịch.

Việc lạm dụng sử dụng túi nilon khó phân huỷ và các sản phẩm nhựa, đặc biệt là đồ nhựa dùng một lần đã và đang để lại những hậu quả khôn lường đối với môi trường.

Để giải quyết vấn đề giảm thiểu rác thải nhựa, nhiều chuyên gia trong và ngoài nước đã kêu gọi các cấp, các ngành và cộng đồng cùng thống nhất nhận thức, chung tay hành động chống rác thải, tiêu thụ nhựa, túi nilon sử dụng 1 lần.

Các ngành cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về tác hại của chất thải nhựa, túi nilon sử dụng một lần đối với kinh tế - xã hội, môi trường và sức khỏe con người; phát động phong trào “Chống rác thải nhựa” với sự tham gia trực tiếp của cộng đồng...

Ông Vũ Sĩ Tuấn, Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam (Bộ TN&MT) cho biết, để hạn chế được rác thải nhựa thì cần quản lý được rác thải nhựa đại dương từ nguồn thải trên đất liền và nguồn thải ở biển theo cách tiếp cận của nền kinh tế tuần hoàn, đưa Việt Nam trở thành quốc gia tiên phong trong khu vực về giảm thiểu rác thải nhựa đại dương.

Lưu Hiệp
.
.
.