Mối họa từ những tài xế nghiện ma túy

Thứ Năm, 09/10/2014, 00:05
Có một thực tế không thể phủ nhận, tình hình tai nạn giao thông (TNGT) trong thời gian qua diễn biến hết sức phức tạp. Hậu quả đi kèm với TNGT luôn khôn lường. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến va chạm TNGT, song không thể không kể đến lỗi chủ quan của người điều khiển phương tiện. Đáng bàn, thực trạng tài xế nghiện ma túy cũng là vấn đề đáng lưu tâm không của riêng ai.
>> Lật tẩy những chiêu trò của tài xế nghiện ma túy

Giật mình tài xế nghiện ma túy

Đến giờ, nhiều người vẫn chưa hết bàng hoàng trước hậu quả đau lòng do vụ TNGT nghiêm trọng xảy ra trên tuyến QL14 vào chiều 1/10 vừa qua. Vụ TNGT này đã khiến 2 người tử vong và 11 người bị thương. Trước đó, vào khoảng 16h30 cùng ngày, xe khách mang BKS 47B-004.8x do tài xế Trần Thế Nam, ở TP Buôn Ma Thuột điều khiển khi lưu thông trên QL14, đoạn thuộc xã Ea Hleo, huyện Ea Hleo (Đắk Lắk) đã tông trực diện vào xe môtô mang BKS 77M2-184x lưu thông theo chiều ngược lại. Hậu quả khiến 2 người đi trên xe môtô tử vong tại chỗ và 11 hành khách trên xe ôtô bị thương. Đáng lưu ý, ngay sau khi vụ TNGT nghiêm trọng trên xảy ra, bước đầu các cơ quan chức năng xác định, tài xế xe khách gây ra vụ tai nạn trên có kết quả dương tính với chất ma túy. Hiện cơ quan chức năng đang tiếp tục điều tra, mở rộng vụ việc.

Trước những nguy cơ tiềm ẩn liên quan đến lái xe sử dụng ma túy, không đủ điều kiện sức khỏe để điều khiển phương tiện tham gia vận tải hành khách, hàng hóa, cách đây không lâu, ngày 28/2/2014, Bộ Giao thông vận tải đã có Công văn số 2049/BGTVT-VT yêu cầu các đơn vị liên quan kiểm tra sức khỏe của lái xe, tăng cường quản lý bến xe ôtô khách và chấn chỉnh hoạt động kiểm định phương tiện. Theo đó, giao Sở Giao thông vận tải các tỉnh, thành phố phối hợp với Sở Y tế và các đơn vị có liên quan tại địa phương phải rà soát và thực hiện xong việc khám sức khỏe cho toàn bộ đội ngũ lái xe kinh doanh vận tải, kiên quyết không để lái xe không đủ tiêu chuẩn sức khỏe điều khiển phương tiện kinh doanh vận tải…

Tại cuộc họp trực tuyến về ATGT vào ngày 3/10 vừa qua, đánh giá của các cơ quan chức năng cho thấy, thời gian qua, bên cạnh việc kiểm soát tải trọng phương tiện, Sở GTVT các tỉnh, thành đã đồng loạt kiểm tra sức khỏe lái xe của các đơn vị kinh doanh vận tải. Qua đó, đã phát hiện 1.769 trường hợp không đủ điều kiện. Trong đó, có 381 trường hợp dương tính với chất ma túy và 1.388 trường hợp không đủ sức khỏe do các nguyên nhân khác. Các đơn vị vận tải đã chấm dứt hợp đồng lao động đối với các trường hợp vi phạm, không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia kinh doanh vận tải.

Tăng cường công tác TTKS nhằm phát hiện, xử lý kịp thời tài xế nghiện ma túy vi phạm. (Ảnh minh họa).

Quy trách nhiệm cụ thể

Đề cập đến vấn đề trên, Thượng tá Nguyễn Hữu Luyện, Phó trưởng Phòng Hướng dẫn luật lệ và Điều tra xử lý tai nạn giao thông (Cục CSGT đường bộ - đường sắt, Bộ Công an) cũng tỏ ra lo ngại trước thực trạng một bộ phận tài xế đang bị “làn khói ảo” – ma túy lôi cuốn. Thượng tá Luyện cho hay, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đã quy định rõ việc nghiêm cấm người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà trong cơ thể có chất ma túy và ma túy là một loại chất kích thích khiến người sử dụng khó tránh khỏi tình trạng lệ thuộc, mất kiểm soát hành vi, bị ảo giác…

Hệ lụy khôn lường càng trở nên tiềm ẩn hơn đối với những trường hợp sử dụng ma túy, chất gây nghiện trực tiếp cầm “vô lăng” phương tiện kinh doanh vận tải hàng hóa, hành khách trên đường. Lẽ vì, khi cơ thể con người bị lệ thuộc vào ma túy, bị ma túy gây ra ảo giác, trong quá trình điều khiển phương tiện, tài xế rất dễ rơi vào trạng thái lâng lâng, phản xạ kém. Và tất nhiên, lúc này, nếu gặp tình huống bất ngờ xuất hiện trên đường, do không chủ động, phản ứng chậm, TNGT rất dễ xảy ra. Thực tế cũng đã chứng minh bởi một số vụ TNGT đau lòng có liên quan xảy ra trong thời gian qua.

Hiện trường vụ TNGT nghiêm trọng xảy ra trên QL14 (Đắk Lắk).

Tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy, thời gian qua, một bộ phận tài xế trước khi nộp hồ sơ xin việc đã phớt lờ quy định, tìm mua giấy khám sức khỏe không do cơ quan có thẩm quyền cấp để hoàn thiện hồ sơ. Và, khi chủ doanh nghiệp, đơn vị chủ quản lơi là trong khâu tuyển dụng, những vi phạm có liên quan đến tài xế nghiện ma túy sẽ không bị phát hiện. Để rồi khi cơ quan chức năng vào cuộc, lỗi vi phạm nghiêm trọng này mới bị phát giác. Bên cạnh đó, Thượng tá Nguyễn Hữu Luyện cũng cho hay, trong quá trình kiểm tra, xử lý các trường hợp tài xế sử dụng ma túy điều khiển phương tiện gây tai nạn, lực lượng chức năng cũng gặp phải một số khó khăn nhất định khi tuần tra kiểm soát giao thông trên đường. Đơn cử, theo quy định, lái xe sau khi gây tai nạn có thể được tạm rời khỏi hiện trường, do vậy, khi điều tra xác định nguyên nhân liên quan đến việc tài xế có sử dụng chất gây nghiện, ma túy hay không là một trong những vấn đề gây khó khăn cho lực lượng chức năng làm nhiệm vụ. Hay như việc thiếu trang thiết bị y tế để kiểm tra “nóng” tài xế trên đường v.v…

Cùng chung quan điểm trên, trả lời báo giới, ông Nguyễn Văn Quyền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng cho rằng, thời gian qua, việc kiểm tra sức khỏe, chất lượng lái xe tại nhiều địa phương chủ yếu được thực hiện thông qua các cơ sở khám chữa bệnh… chứ việc kiểm tra lái xe ngay trên đường chưa được phát huy hiệu quả. Trong khi đó, theo Nghị định 171/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với một số hành vi vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ quy định, người điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe (GPLX) hoặc phạt tiền từ 8 triệu đồng đến 10 triệu đồng (trong trường hợp không có GPLX hoặc có nhưng bị tước quyền sử dụng GPLX); tạm giữ phương tiện đến 7 ngày. Bởi thế cho nên, khi phát hiện trong cơ thể lái xe có chất ma túy đối với các trường hợp kiểm tra tại bệnh viện, phòng khám việc xử lý chưa đạt được hiệu quả cao…

Rõ ràng, bên cạnh việc các cơ quan chức năng thắt chặt công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm, cũng cần quy trách nhiệm cụ thể cho các đơn vị chủ quản, chủ doanh nghiệp sử dụng tài xế nghiện ma túy. Có như vậy, số vụ TNGT đau lòng do tài xế nghiện ma túy điều khiển phương tiện gây ra trong thời gian tới mới được ngăn chặn triệt để.                 

Thượng tá Nguyễn Hữu Luyện - Phó trưởng Phòng Hướng dẫn luật lệ và Điều tra xử lý tai nạn giao thông (Cục CSGT đường bộ - đường sắt): Kiên quyết đình chỉ, xử lý tài xế, doanh nghiệp vi phạm

Để đẩy lùi các vi phạm có liên quan đến tài xế nghiện ma túy, khâu sát hạch đào tạo lái xe cần được thắt chặt hơn nữa, nhất là đối với công đoạn kiểm tra sức khỏe đầu vào của các lái xe. Kế đến, các đoàn kiểm tra liên ngành phải đẩy mạnh việc kiểm tra định kỳ đối với cánh tài xế đang được các doanh nghiệp sử dụng để điều khiển phương tiện kinh doanh vận tải hành khách, hàng hóa. Đồng thời, kiên quyết đình chỉ, xử lý tài xế, các cơ sở, doanh nghiệp vi phạm. Cùng với đó, đối với các vụ TNGT gây hậu quả nghiêm trọng, cần đưa ra xét xử lưu động, xử điểm đối với các trường hợp tài xế nghiện ma túy vi phạm nhằm tạo sức răn đe, ngăn ngừa vi phạm tái diễn.

Trần Huy
.
.
.