Mở lối về cho người lầm lỗi

Thứ Bảy, 26/10/2019, 07:52
Thời gian qua, Công an tỉnh Quảng Nam cùng với chính quyền, đoàn thể các địa phương đã giúp đỡ nhiều trường hợp chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng, vượt qua mặc cảm, tự ti, vươn lên trong cuộc sống; chủ động phòng ngừa tái phạm, vi phạm pháp luật, góp phần giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội...


Trước đây, vì lầm lỡ, Trần Bảo N. (SN 1992, trú thôn Cẩm Tú, xã Quế Thọ, huyện Hiệp Đức, Quảng Nam) bị án phạt 18 tháng tù giam về tội trộm cắp tài sản. Đầu năm 2017, sau khi cải tạo, N. được mãn hạn tù trở về nhà, song với những lầm lỗi trước đó, N. có nhiều tự ti, mặc cảm nên sống khép kín với cộng đồng.

Nhằm giúp đỡ N. có thể hòa nhập với cuộc sống, ổn định, phát triển sau khi chấp hành xong án phạt tù, Ban Công an xã Quế Thọ phối hợp với Đoàn Thanh niên xã thường xuyên đến nhà động viên, giúp đỡ N., tìm hiểu về các mô hình lập nghiệp, giới thiệu, bảo lãnh cho N. được vay vốn 50 triệu đồng từ nguồn vốn cho vay của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để đầu tư trang trại trồng nấm bào ngư, mua phôi nấm để ươm nuôi…

Công an tỉnh Quảng Nam phối hợp với các đơn vị tổ chức hoạt động giao lưu, chia sẻ với người sắp chấp hành xong án phạt tù.

Giờ đây, trang trại nấm bào ngư với tổng cộng 7.000 phôi nấm, cho thu nhập ổn định 10 triệu đồng/tháng là điều kiện thuận lợi để N. vươn lên trong cuộc sống. N. nói: “Nhờ các cấp chính quyền, Công an xã đã tạo điều kiện, giúp đỡ tôi mới có thể làm tốt công việc như hiện tại, sống một cuộc sống tốt đẹp như những người khác. Tôi đang cố gắng phát triển tốt trang trại nấm của mình, ổn định cuộc sống cho gia đình”.

Ông Mạc Văn Hào, Trưởng Công an xã Quế Thọ cho biết, để tạo mọi điều kiện thuận lợi giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù sớm hòa nhập cộng đồng dân cư, trở thành người có ích cho xã hội, năm 2015, dưới sự hướng dẫn của Công an huyện, xã đã thành lập mô hình “Quản lý, cảm hóa, giáo dục và giúp đỡ người vi phạm pháp luật”.

Các thành viên tham gia mô hình đã thường xuyên tiếp xúc, gần gũi, nắm rõ tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của người chấp hành xong án phạt tù, phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành và gia đình. Qua đó ngăn ngừa và hạn chế thấp nhất các điều kiện, khả năng có nguy cơ dẫn đến phát sinh tội phạm. Từ đó đến nay, trên địa bàn xã Quế Thọ không có người tái phạm.

“Thời gian qua, chúng tôi đã giúp đỡ được nhiều thanh niên chấp hành xong án phạt tù xóa bỏ tâm lý mặc cảm, tự ti, vươn lên trong cuộc sống, nhiều người có công ăn việc làm ổn định nhờ chính sức lao động của mình. Từ đó giúp họ trở về nẻo thiện, phòng chống tệ nạn xã hội, góp phần đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn. Chúng tôi kiên quyết không để họ tái phạm”, anh Hào chia sẻ.

Tương tự, nhờ làm tốt công tác tái hòa nhập cộng đồng cho người lầm lỡ, các cấp chính quyền, Công an các xã trên địa bàn huyện Hiệp Đức (Quảng Nam) cũng đã giúp cho nhiều người lầm lỗi khác hòa nhập với cộng đồng, có công ăn việc làm ổn định.

Trung tá Võ Hoàng, cán bộ Công an huyện Hiệp Đức cho hay, trên địa bàn huyện Hiệp Đức hiện có 260 người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương; 11/12 xã, thị trấn đã xây dựng các mô hình bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù để giúp đỡ cho những người này có cuộc sống ổn định, tiến bộ, hòa nhập cộng đồng. Nhờ vậy, từ đó đến nay, trên địa bàn huyện hầu như rất ít người tái phạm hoặc tái phạm ở địa bàn khác.

“Những người chấp hành xong án phạt tù sau khi trở về thường mang tâm lý mặc cảm và bị kỳ thị, vì vậy khi trở về địa phương, các thành viên tham gia mô hình tiếp cận ngay để tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của họ, làm công tác tư tưởng, động viên tinh thần, giúp họ sống hòa nhập, an toàn ở địa phương, trở thành một công dân bình thường. Địa phương quản lý rất kỹ, không để xảy ra vi phạm”, Trung tá Hoàng nói.

Theo lãnh đạo Phòng Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp Công an tỉnh Quảng Nam, tính đến nay, tỉnh Quảng Nam đã thành lập 194 mô hình, quản lý, giáo dục, giúp đỡ cho 6.575 người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng.

Nhiều đơn vị, địa phương, ban ngành, đoàn thể, có nhiều cách làm sáng tạo, xây dựng mới nhiều mô hình, thể hiện tốt vai trò trách nhiệm trong phối hợp, chỉ đạo tổ chức tiếp nhận, quản lý, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù; phối hợp chặt chẽ với dòng họ, gia đình của người chấp hành xong án phạt tù để quản lý, giúp đỡ động viên về tinh thần, tìm việc làm phù hợp, giúp họ có thu nhập, ổn định cuộc sống, hạn chế tỷ lệ tái phạm tội và vi phạm pháp luật. Đa số người chấp hành xong án phạt tù đã thật sự hoàn lương, có nghề nghiệp ổn định...

Hà Vy
.
.
.