Mô hình nào cho chính quyền đô thị?

Thứ Sáu, 08/03/2013, 08:47
Đề án thí điểm chính quyền đô thị do Bộ Nội vụ soạn thảo đang được lấy ý kiến các cơ quan chuyên môn để thảo luận, đóng góp ý kiến. Ngày 6/3, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì phiên họp toàn thể Ban Chỉ đạo Trung ương xây dựng đề án. Đây là vấn đề rất mới, hiện còn nhiều ý kiến khác nhau và việc lựa chọn mô hình nào cho chính quyền đô thị vẫn còn phải bàn luận kỹ.

Theo đề án, có 8 tỉnh, thành phố sẽ thực hiện báo cáo chuyên đề nghiên cứu đề xuất mô hình tổ chức chính quyền đô thị gồm: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ, Nghệ An, Bà Rịa - Vũng Tàu và Nam Định. Bộ Nội vụ cho rằng, việc đổi mới tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương đang đặt ra yêu cầu cần thiết phải làm rõ sự khác biệt giữa đô thị và nông thôn, từ đó xác định mô hình tổ chức bộ máy, quy định chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, trách nhiệm và cơ chế hoạt động phù hợp với chính quyền đô thị và chính quyền nông thôn nhằm bảo đảm tính thống nhất, thông suốt, hiệu lực, hiệu quả quản lý của mỗi cấp chính quyền.

Đề án mô hình tổ chức chính quyền đô thị nhằm đề xuất mô hình tổ chức chính quyền đô thị phù hợp với đặc điểm, tính chất của từng loại hình đô thị, đáp ứng yêu cầu, tốc độ phát triển của các đô thị Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Đề án này cùng với kết quả thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường là cơ sở đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định của Hiến pháp năm 1992 và các luật có liên quan về chính quyền địa phương.

Đề án mô hình tổ chức chính quyền đô thị trên cơ sở nghiên cứu các văn kiện của Đảng, các Hiến pháp và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến chính quyền địa phương; kết quả thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường, các đặc điểm của đô thị phân biệt với nông thôn, các đặc thù của đô thị Việt Nam hiện nay, đánh giá hiện trạng tổ chức chính quyền địa phương (trong đó có chính quyền đô thị) và tham khảo kinh nghiệm tổ chức chính quyền đô thị của các nước.

Mô hình chính quyền đô thị sẽ được điều chỉnh mới cho phù hợp.

Căn cứ đánh giá hiện trạng tổ chức chính quyền địa phương và các yếu tố phân biệt sự khác nhau giữa đô thị và nông thôn, đề án đề xuất 3 phương án xây dựng mô hình tổ chức chính quyền đô thị.

Phương án 1: thực hiện không tổ chức HĐND huyện, quận, phường trong cả nước, đồng thời để khắc phục những hạn chế trong việc thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường hiện nay. Đề án đưa ra đề xuất mới là ở huyện, quận, phường cũng không tổ chức Ủy ban hành chính (Ủy ban nhân dân hiện nay) mà chỉ đặt cơ quan đại diện hành chính của cơ quan hành chính cấp trên tại địa bàn huyện, quận, phường. Theo phương án 1, khu nội thành, nội thị chỉ có một cấp chính quyền (có HĐND và Ủy ban hành chính), không tổ chức cấp chính quyền ở các đơn vị hành chính trực thuộc (quận, phường). Khu vực ngoại thành, ngoại thị chỉ tổ chức cấp chính quyền ở xã, thị trấn, không tổ chức cấp chính quyền ở huyện. Các đơn vị hành chính quận, huyện, phường không tổ chức cấp chính quyền (không có HĐND và Ủy ban hành chính) sẽ tổ chức Ban đại diện hành chính của thành phố tại địa bàn quận, huyện và ban đại diện hành chính quận tại địa bàn phường thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo phân cấp và ủy quyền của cơ quan hành chính cấp trên tại địa bàn.

Phương án 2 thực hiện không tổ chức HĐND ở tất cả các đơn vị hành chính trực thuộc đô thị (mở rộng phạm vi so với phương án 1). Theo phương án 2, mỗi đô thị chỉ tổ chức một cấp chính quyền (có HĐND và Ủy ban hành chính), không tổ chức cấp chính quyền ở tất cả các đơn vị hành chính trực thuộc kể cả ở nội thành, nội thị và ngoại thành, ngoại thị. Theo đó, chỉ tổ chức cấp chính quyền (có HĐND và Ủy ban hành chính) ở thành phố trực thuộc Trung ương, thành phố thuộc tỉnh và thị xã thuộc tỉnh. Các đơn vị hành chính quận, huyện, xã, phường, thị trấn trong thành phố trực thuộc Trung ương và xã, phường thuộc thành phố, thị xã thuộc tỉnh không tổ chức cấp chính quyền (không có HĐND và Ủy ban hành chính), chỉ đặt ban đại diện hành chính thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo phân cấp và ủy quyền của cơ quan hành chính cấp trên tại địa bàn.

Phương án 3 tổ chức chính quyền đô thị có tòa thị chính, thị trưởng, quận trưởng, huyện trưởng, trưởng phường, trưởng thị trấn; thiết lập cơ quan hành chính đô thị ở địa bàn thành phố trực thuộc Trung ương và thành phố, thị xã thuộc tỉnh là Tòa Thị chính, đứng đầu Tòa Thị chính là Thị trưởng. Các quận, huyện, phường trong thành phố trực thuộc Trung ương và phường thuộc thành phố, thị xã thuộc tỉnh không tổ chức HĐND và Ủy ban hành chính mà chỉ đặt cơ quan đại diện hành chính thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo phân cấp và ủy quyền của cơ quan hành chính cấp trên tại địa bàn. Người đứng đầu ban đại diện hành chính quận, huyện, phường là quận trưởng, huyện trưởng và trưởng phường. Đối với xã, thị trấn vẫn tổ chức HĐND và Ủy ban hành chính, người đứng đầu Ủy ban hành chính xã là xã trưởng, người đứng đầu Ủy ban hành chính thị trấn là trưởng thị trấn.

Đà Nẵng tiên phong với mô hình chính quyền đô thị

Để tạo sự phân biệt giữa chính quyền nông thôn và chính quyền đô thị, TP Đà Nẵng đề xuất mô hình chính quyền đô thị hành chính, gồm cơ quan quyền lực nhà nước tại địa phương (HĐND) và cơ quan chấp hành, hành chính tại địa phương. Cấp hành chính trung gian là huyện, quận, phường; chỉ có cơ quan hành chính tại địa phương. Đà Nẵng đề xuất, đối với đô thị, chỉ nên tổ chức HĐND ở hai cấp (thành phố và xã), bỏ các cấp trung gian là huyện, quận.

Theo định hướng mô hình tổ chức HĐND các cấp này, số lượng đại biểu HĐND được tính theo tỷ lệ dân cư trên địa bàn với tỷ lệ 12.000 dân/ đại biểu trong quá trình thí điểm (thành phố có khoảng 80 đại biểu HĐND thành phố). Đối với các cấp hành chính không có HĐND, vai trò giám sát của HĐND được thay thế bằng hoạt động giám sát của đại biểu HĐND theo địa bàn. Tăng cường hình thức dân chủ trực tiếp, tự quản, đảm bảo cho nhân dân có thể tham gia rộng rãi vào quá trình quản lý đô thị. TP Đà Nẵng cũng đề nghị đổi tên gọi UBND thành UBHC. UBND các cấp hiện nay sẽ đổi thành UBHC các cấp theo mô hình này.

Đ.Minh
.
.
.