Luật sư Nguyễn Hữu Thọ và những nơi lưu dấu của ông ở Phú Yên

Thứ Tư, 25/01/2012, 10:28
Gần 60 năm trôi qua, nhưng nhiều sự kiện lịch sử những nơi luật sư (LS) Nguyễn Hữu Thọ đã lưu dấu ở Phú Yên vẫn còn đậm nét hào hùng và đọng mãi trong ký ức nhiều người. Những ngày giáp Tết Nhâm Thìn, chúng tôi tìm về nơi LS bị quản thúc trong thời gian dài nhất và nơi ông được giải thoát ra vùng giải phóng.

1. Sinh trưởng trong một gia đình công chức ở thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức, tỉnh Long An, thời niên thiếu ông đã du học bên Pháp và lấy bằng cử nhân luật khoa, văn khoa rồi trở về quê mở văn phòng LS ở Mỹ Tho, Cần Thơ, Vĩnh Long, Sài Gòn và hoạt động trong Ban trí vận Sài Gòn – Chợ Lớn. Bằng trí thức nghề nghiệp của mình, LS Nguyễn Hữu Thọ không chỉ đấu tranh, bảo vệ cán bộ chiến sĩ cách mạng và đồng bào yêu nước bị địch bắt giữ mà còn vận động sinh viên đấu tranh đòi hòa bình, chống chiến tranh xâm lược. Đặc biệt, ông đã tập hợp hơn 700 chữ ký của giới trí thức trong văn bản tuyên ngôn Sài Gòn – Chợ Lớn, đòi chính phủ Pháp thương thuyết với Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa, sớm chấm dứt chiến tranh và trực tiếp trao văn bản đó cho Cao ủy Pháp ở Đông Dương.

Ông vinh dự được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương ngày 16/10/1949. Ngày 24/7/1950, chính quyền thực dân đã kiếm cớ bắt ông đưa đi đày tận bản Giằng ở huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu, sau đó lần lượt đưa về giam giữ ở Sơn Tây, Lai Châu. Trước sức ép của công luận và phản đối của Đoàn LS Sài Gòn – Chợ Lớn, LS đã được trả tự do vào tháng 11/1952. Về lại Sài Gòn, ông mở văn phòng LS, tiếp tục hoạt động cách mạng với vai trò Phó Chủ tịch phong trào bảo vệ hòa bình, đấu tranh đòi thi hành nghiêm chỉnh Hiệp định Giơnevơ sau khi Mỹ xâm lược miền Nam Việt Nam và dựng lên chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm.

Do thấy bất an trước phong trào bảo vệ hòa bình ở Sài Gòn – Chợ Lớn nên chính quyền Ngô Đình Diệm huy động cảnh sát bắt giam 28 cán bộ lãnh đạo chủ chốt, trong đó có LS Nguyễn Hữu Thọ. Bằng những lập luận sắc bén của mình, LS đã bác bỏ những cáo buộc tội trạng khiến phiên tòa ngày 6/12/1954 không thể kết tội ông và những người bị bắt, nhưng địch vẫn đưa về Hải Phòng quản thúc. Trước sự phản đối quyết liệt của các tổ chức cách mạng, ngày 23/4/1955, địch phải đưa những người bị quản thúc về lại Sài Gòn để trả tự do, nhưng khi vừa xuống sân bay Tân Sơn Nhất, LS Nguyễn Hữu Thọ cùng ba cán bộ chủ chốt phong trào hòa bình đã bị mật vụ bắt giữ đưa ra Phú Yên quản thúc.

2. Một trong những nhân chứng sống là ông Nguyễn Duy Luân – nguyên Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên kể lại: “Nơi LS Nguyễn Hữu Thọ bị quản thúc đầu tiên là xóm Phố, xã Hòa Thịnh, huyện Tuy Hòa 1, nay là huyện Tây Hòa - một vùng quê xa xôi cách trở, nằm giữa núi rừng. Thời điểm này tôi đương nhiệm Thường vụ Huyện ủy, Trưởng ban An ninh huyện Tuy Hòa 1 nên biết rõ LS cùng bốn người bị quản thúc tại nhà thờ họ Võ ở thôn Mỹ Phú do tộc trưởng Võ Trọng Thuật trông coi. Cảnh sát mật vụ mưu tính “mỹ nhân kế” để hạ uy tín của LS nên chúng đưa Thị Ngọc – một cô gái có sắc đẹp ở xã Hòa Bình, đang làm nhân viên thông tin quận Hiếu Xương vào nằm trong nhà bà Võ Thị Biên ở cạnh nhà thờ họ Võ. Lúc đó chập choạng tối, LS đang ở ngoài sân, nhưng đám cảnh sát ập tới đẩy ông vào giường Thị Ngọc đang nằm. LS không vào, bọn chúng nổ súng chỉ thiên ép buộc theo kịch bản đã dàn dựng, trong nhà Thị Ngọc tắt đèn dầu để cảnh sát kiếm cớ lập biên bản vu khống LS hãm hiếp phụ nữ. LS kiên quyết không ký, người dân trong xóm lên tiếng bất bình. Thất thế, cảnh sát phải rút lui, nhưng đồng nghiệp của ông đã khởi kiện cảnh sát về hành vi cố ý làm mất uy tín của LS và đã thắng kiện”...

Cụ Võ Thị Khửng – một người dân Hòa Thịnh, nay đã 85 tuổi nhưng vẫn còn minh mẫn, nhớ lại: “Năm đó tui hai tám tuổi, LS Thọ cùng những người đàn ông bị quản thúc tại nhà thờ họ Võ, riêng bà Lâm Thị Tư bị quản thúc tại nhà ông Võ Du. Hằng ngày, tui phụ giúp bà Tám nấu ăn cho LS Thọ và mọi người. Chính tui là người chứng kiến vụ cảnh sát dàn dựng kịch bản mỹ nhân kế để đẩy LS Thọ vào tù nhưng bất thành”.

Trước việc quản thúc LS ở Hòa Thịnh bất ổn, chính quyền Ngô Đình Diệm vội vã đẩy 5 người bị coi là “phần tử nguy hiểm” lên thị trấn Củng Sơn, quận Sơn Hòa, trong đó có LS Nguyễn Hữu Thọ. Nơi LS bị quản thúc lần này là nhà bà Nai, ở phía trước Chi cảnh sát quận Sơn Hòa. Tiếng là thị trấn, nhưng nằm giữa núi rừng hoang vắng, giao thông cách trở, khí hậu khắc nghiệt khiến cho LS lâm bệnh. Trước sự đấu tranh của nhóm người bị quản thúc, địch phải đưa LS xuống nhà thương Phú Yên điều trị bệnh.

Cùng thời điểm này, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Chính trị quyết định giải cứu LS Nguyễn Hữu Thọ sau khi lựa chọn ông – một đảng viên kiên trung, một nhà trí thức cách mạng có uy tín đảm nhiệm Chủ tịch Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam đầu tiên. Theo đó, Khu ủy Khu 5 và Tỉnh ủy Phú Yên giao cho đồng chí Nguyễn Lầu - Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Tỉnh đội trưởng Phú Yên chỉ đạo thực hiện “Kế hoạch chị Nghĩa” (mật danh của LS – PV).

3. Sau khi nối liên lạc, một ngày đầu tháng 9/1960, cơ sở của ta là bà Thừa Hoàng mang bức thư của Giáo sư Phạm Huy Thông trao tận tay LS Nguyễn Hữu Thọ. Theo phương án đã vạch, 19h tối 11/9/1960, ông Nguyễn Sự - một cơ sở cách mạng đi xe đạp dẫn đường LS rời Tuy Hòa ngược lên hướng Tây chừng bốn cây số, có tổ đặc công đưa lên căn cứ. Địch không biết gì về “Kế hoạch chị Nghĩa”, nhưng do chiều hôm đó địch tung quân chặn ở cửa ngõ phía Tây thị xã ngăn chặn thanh niên yêu nước thoát ly tham gia cách mạng nên cuộc giải thoát lần thứ nhất bất thành. Sáng hôm sau, ông Nguyễn Sự bị cảnh sát bắt giữ trên đường lên núi Sầm, xã Hòa Trị, huyện Tuy Hòa 2 (nay là huyện Phú Hòa) báo cáo tình hình cho Bí thư Huyện ủy Nguyễn Công Minh. Bị tra tấn dã man trước mặt LS, ông Nguyễn Sự vẫn kiên trung bất khuất, nhưng cảnh sát vẫn “đánh hơi” đề nghị bắt giam LS. Rất may là Chánh án tòa án Phú Yên thấy không có căn cứ nên can ngăn, buộc địch phải đưa LS Nguyễn Hữu Thọ về lại Củng Sơn.

Cụ Võ Thị Khửng - người phụ việc nấu cơm cho LS Nguyễn Hữu Thọ và những người bị quản thúc ở xã Hòa Thịnh.

Kế hoạch giải thoát lần thứ hai đã được Tỉnh đội Phú Yên chỉ đạo hai tổ đặc công phối hợp Đội A12 huyện Sơn Hòa, bộ đội huyện Tuy Hòa 1, hai đại đội bộ đội tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai tập kích quận lỵ Sơn Hòa đêm 18/1/1961. Sau hơn 20 phút, bộ đội làm chủ thị trấn Củng Sơn, nhưng trước đó vài giờ, LS Nguyễn Hữu Thọ được phép xuống Tuy Hòa gặp vợ con từ Sài Gòn ra thăm. Đúng thời điểm này, Tòa án tỉnh Phú Yên hình thành, LS đề nghị chính quyền cho ở lại thị xã Tuy Hòa để chữa bệnh và hành nghề luật. Tỉnh trưởng Lê Ngọc Triển đồng ý, nhưng chỉ viết đơn kiện chứ không được bào chữa tại tòa. Với tấm giấy phép cư trú, LS thuê phòng ở khách sạn Vĩnh Đông Á, đường Lê Thánh Tôn để hành nghề, nhưng vẫn bị giám sát gắt gao. Thực hiện chỉ thị của Khu ủy Khu 5 phải giải thoát LS ra căn cứ trước tháng 12/1961, trong vai người cần tư vấn luật một vụ kiện đất đai, ngày 27/10/1961, ông Lưu Trọng Điểu, Nguyễn Đùng từ Sơn Hòa xuống khách sạn tiếp cận LS.

Ngày hôm sau, ông Đùng trở lại khách sạn trao cho LS điếu thuốc lá, bên trong có bức thư của Tỉnh đội trưởng Phú Yên Nguyễn Lầu trao đổi phương án giải thoát. Theo đó, khoảng 17h chiều 29/10/1961, LS Nguyễn Hữu Thọ đi xe đạp theo đường 1A ra hướng Bắc 4 cây số thì đến “điểm hẹn” ở mã bà Dũ Ký dưới chân núi Chóp Chài, thôn Liên Trì, xã Bình Kiến. 3 trinh sát ém quân ở đó tiếp cận, trao bộ quần áo màu đen, dép cao su cho LS thay, trước khi đưa ông vượt cánh đồng Màng Màng để bộ đội dẫn đường LS về Suối Dứa rồi lên Phước Tân - căn cứ Tỉnh ủy Phú Yên. Cuộc giải thoát lần thứ ba thành công đã đưa LS Nguyễn Hữu Thọ về Trung ương Cục miền Nam

Trong tiết trời se lạnh của buổi chớm xuân, đứng bên bia tưởng niệm giải thoát LS Nguyễn Hữu Thọ dưới chân núi Chóp Chài, tôi chợt nhớ khi còn sống, lúc nào LS cũng tâm niệm Phú Yên là quê hương thứ hai của ông. Hình ảnh và những sự kiện lịch sử về nhà trí thức cách mạng, vị LS đáng kính luôn sống mãi trong tâm thức của mỗi người dân Phú Yên hôm nay và mai sau

Phan Văn Lương
.
.
.