Luật Công chứng có hiệu lực: Sao y bản chính ở đâu?

Thứ Hai, 09/04/2007, 15:47
Theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên, dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Công chứng quy định cơ quan, tổ chức (kể cả các tổ chức không phải của Nhà nước) có thẩm quyền cấp bản chính và đang quản lý sổ gốc thì có thẩm quyền và trách nhiệm cấp bản sao từ sổ gốc.

Bắt đầu từ ngày 1/7/2007, các phòng công chứng sẽ chỉ nhận công chứng các hợp đồng, giao dịch bằng văn bản mà không chứng thực bản sao, chữ ký như từ trước tới nay vẫn thực hiện. Việc xin cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký - nhu cầu hết sức bức thiết của người dân sẽ được thực hiện ra sao?

Cho phép thành lập Văn phòng công chứng để giảm tải

Liên quan đến vấn đề này, chiều 5/4, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên cho biết: Bên cạnh những kết quả đã đạt được, trong quá trình thực hiện Nghị định số 75/CP về công chứng, chứng thực còn cho thấy những bất cập cả về tổ chức và hoạt động công chứng, chứng thực.

Tình trạng quá tải, ùn tắc và phiền hà trong việc công chứng, chứng thực bản sao giấy tờ, chữ ký tại các phòng công chứng và UBND cấp huyện ngày càng tăng, gây bức xúc trong xã hội.

Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng đó là do còn có sự lẫn lộn, trùng lặp giữa hai hoạt động công chứng và hoạt động chứng thực. Bên cạnh đó, trên thực tế UBND cấp huyện chưa thực hiện hết trách nhiệm của mình trong hoạt động chứng thực, người dân lại có tâm lý "sính công chứng" nên dẫn đến hệ quả là dồn việc chứng thực bản sao giấy tờ, chữ ký về các phòng công chứng. Do đó, tình trạng quá tải, ùn tắc, bức xúc, tiêu cực xảy ra ở nhiều phòng công chứng là điều khó tránh khỏi.

Kể từ ngày 1/7/2007, Luật Công chứng sẽ có hiệu lực, theo quy định của Luật thì chức năng của hoạt động công chứng là công chứng các hợp đồng, giao dịch bằng văn bản mà theo quy định của pháp luật phải công chứng, hoặc cá nhân, tổ chức tự nguyện yêu cầu công chứng.

Luật Công chứng quy định hai hình thức tổ chức hành nghề công chứng là Phòng công chứng (do Nhà nước thành lập) và Văn phòng công chứng (do công chứng viên thành lập).

Việc quy định cho phép công chứng viên được thành lập Văn phòng công chứng để hành nghề không những phù hợp với thông lệ quốc tế về công chứng mà còn góp phần giảm bớt những gánh nặng về biên chế và ngân sách cho Nhà nước, tạo cho người dân phục vụ thuận lợi, giúp người dân có nhiều sự lựa chọn và chất lượng dịch vụ tốt hơn.

Có thể đến UBND xã, phường bất kỳ nào để chứng thực bản sao, chữ ký

Một vấn đề được đặt ra là khi Luật Công chứng có hiệu lực từ ngày 1/7/2007, các quy định trong Nghị định 75/CP về chứng thực bản sao, chữ ký không còn phù hợp.

Để giải quyết vấn đề này, Bộ Tư pháp đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký.

Thứ trưởng Hoàng Thế Liên cho biết: Dự kiến Nghị định này sẽ được ban hành đúng vào thời điểm Luật Công chứng có hiệu lực để đáp ứng được nhu cầu của người dân. Theo tinh thần của Nghị định thì thẩm quyền cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực sao từ bản chính, chứng thực chữ ký sẽ được phân cấp, ủy quyền mạnh mẽ cho UBND cấp xã.

Dự thảo Nghị định cũng quy định cơ quan, tổ chức (kể cả các tổ chức không phải của Nhà nước) có thẩm quyền cấp bản chính và đang quản lý sổ gốc thì có thẩm quyền và trách nhiệm cấp bản sao từ sổ gốc.

UBND cấp huyện có thẩm quyền chứng thực bản sao từ bản chính các giấy tờ, văn bản bằng tiếng nước ngoài; chứng thực chữ ký của người dịch trong các giấy tờ, văn bản từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt hoặc từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài; chứng thực trong các giấy tờ văn bản bằng tiếng nước ngoài.

UBND cấp xã có thẩm quyền chứng thực bản sao từ bản chính các giấy tờ, văn bản bằng tiếng Việt; chứng thực chữ ký trong các giấy tờ, văn bản bằng tiếng Việt.

Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài có thẩm quyền chứng thực bản sao từ bản chính các giấy tờ, văn bản bằng tiếng Việt và tiếng nước ngoài; chứng thực chữ ký trong các giấy tờ, văn bản bằng tiếng Việt hoặc tiếng nước ngoài, chữ ký người dịch trong các bản dịch từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt hoặc từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài.

Đặc biệt, điểm mới rất thuận tiện cho người dân là Dự thảo Nghị định quy định người có yêu cầu chứng thực bản sao từ bản chính, chữ ký có quyền yêu cầu bất cứ cơ quan Nhà nước có thẩm quyền nào nêu trên thực hiện việc chứng thực, không phụ thuộc vào nơi cư trú của người có yêu cầu.

Liên quan đến việc các cơ quan, tổ chức từ trước tới nay khi tiếp nhận hồ sơ giấy tờ thường đặt ra các quy định tùy tiện rất phiền hà cho người nộp hồ sơ. Chẳng hạn như mặc dù đã yêu cầu giấy tờ phải có công chứng, chứng thực nhưng vẫn bắt người nộp hồ sơ phải xuất trình bản chính để đối chiếu.

Nhằm khắc phục tình trạng này, dự thảo Nghị định nêu rõ: cơ quan tổ chức tiếp nhận bản sao được cấp từ sổ gốc, bản sao được chứng thực từ bản chính không được đòi hỏi xuất trình bản chính để đối chiếu. Trong trường hợp có dấu hiệu nghi ngờ bản sao là giả mạo thì có quyền xác minh.

Về thủ tục chứng thực cũng được đơn giản tối đa, đảm bảo thuận lợi cho nhân dân. Ví dụ đối với việc chứng thực bản sao từ bản chính, người có nhu cầu không phải xuất trình giấy tờ tuỳ thân, chỉ cần xuất trình bản sao và bản chính để đối chiếu là đủ. Đồng thời, người yêu cầu cấp bản sao từ sổ gốc cũng có thể gửi yêu cầu của mình qua bưu điện hoặc ủy quyền cho người khác làm thay

Xuân Luận

.
.
.