Lớp học tình thương của những đứa trẻ lạc quê lên phố

Thứ Năm, 22/11/2012, 17:50
Chuyện cắp sách đi học như bao đứa trẻ bình thường khác mãi là điều xa xỉ nếu một ngày lớp học tình thương không “mọc” lên ngay giữa trụ sở dân phòng của khu phố...

Bỏ lại sau lưng làng quê xa ngái, những đứa trẻ buộc phải theo chân người lớn lên phố bươn bả kiếm sống. Với không ít bé, khái niệm quê trở thành xa lạ bởi từ lúc lọt lòng đến nay, chúng vẫn là những công dân “tự do”, không có đến tấm giấy khai sinh. Những căn nhà tạm bợ thuê tạm trong khu phố thuộc diện quy hoạch treo của cảng Bến Nghé, TP HCM trở thành nơi tá túc. Chuyện cắp sách đi học như bao đứa trẻ bình thường khác mãi là điều xa xỉ nếu một ngày lớp học tình thương không “mọc” lên ngay giữa trụ sở dân phòng của khu phố...

Người thầy đặc biệt và bữa tiệc chúc mừng ngược

Tối 19/11, căn nhà cấp 4 bé nhỏ chơ vơ đầu ngõ và cũng là trụ sở dân phòng sát khu cảng Bến Nghé, quận 7, TP HCM nhộn nhịp hẳn. Hơn 20 đứa trẻ nhiều lứa tuổi tíu tít liên hoan mừng... Ngày Nhà giáo Việt Nam. Có lẽ ít nơi nào trên đất nước, thầy cô lại trở thành “nhận vật phụ”, học sinh mới là “nhân vật chính” được quan tâm nhiều như “ngôi trường” đặc biệt này. Thầy Vũ Trường Tính cho biết: Tổ chức cho các em vui chơi nhân dịp này cũng là một cách giúp các em thích đi học hơn.

Gọi là thầy giáo nhưng thực tế Vũ Trường Tính đang là cán bộ công tác tại Trạm cửa khẩu Biên phòng Bến Nghé. Khoác trên mình màu xanh áo lính, anh bảo mình lại rất “có duyên” với đám trẻ nghèo. Từ ngày còn là học viên Trường Trung cấp Biên phòng, ý thức rằng nơi làm việc của lính biên phòng thường là vùng biên giới hẻo lánh, nhiều nơi còn ít trẻ được cắp sách đến trường nên ngoài giờ học tập chính, anh lại lân la làm quen với các bạn Trường Cao đẳng Sư phạm Bà Rịa – Vũng Tàu, mượn sách tự tìm hiểu về nghiệp vụ sư phạm.

Trụ sở dân phố thành lớp học buổi tối cho trẻ em thiếu may mắn.

Đúng như dự đoán trước, rời ghế nhà trường không bao lâu, Vũ Trường Tính được phân công về ngay huyện đảo Cần Giờ, TP HCM. Ngày ngày chứng kiến cuộc sống khó khăn của người dân xã đảo Thạnh An, đặc biệt là những đứa trẻ ấp Thiềng Liềng bỏ học vì điều kiện giao thông khó khăn, Vũ Trường Tính không đành lòng. Anh xin phép cấp trên mở lớp dạy cho lũ trẻ. Nhờ thầy Tính, nhiều học sinh ham học của ấp đảo muốn học cấp 2 không còn phải vượt đò gần nửa tiếng đồng hồ mỗi ngày nếu muốn đến trường như trước nữa.

Sau 9 năm thầy trò gắn bó, Vũ Trường Tính nhận quyết định về công tác tại Trạm Biên phòng cửa khẩu Bến Nghé. Thời điểm này, lớp học tình thương ở khu phố 5, Tân Thuận Đông, quận 7 đột ngột bị đóng cửa vì cô giáo Nguyễn Thị Đỏ không có điều kiện duy trì. Thương những đứa trẻ nghèo thất học, đầu năm 2012, địa phương phối hợp cùng Trạm Biên phòng cửa khẩu Bến Nghé, Hải quan cảng Sài Gòn, Trường Đại học Luật tiếp nối tổ chức lớp học. Vũ Trường Tính là một trong những giáo viên đứng lớp chính.

“Thầy” quen nếp sống quy củ của quân đội, trò là những đứa trẻ sớm vào đời, cha mẹ vất vả lam lũ mưu sinh, ít quan tâm và ít có điều kiện quan tâm con cái đến nơi đến chốn nên những ngày đầu, lớp học cứ như “cái chợ nhỏ”. Bé quay ngang quay dọc nói chuyện, đùa nghịch. Không thể dùng kỷ luật thông thường, “thầy” buộc phải kết hợp nhắc nhở, vừa “dụ” bằng trò chơi, học mà chơi, chơi mà học... Thượng úy Tính trìu mến kể về đám học trò tinh nghịch.

Giúp nâng bước em vào đời

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận phường Tân Thuận Đông, Nguyễn Đức Tiết, khu phố 5 từng là khu dân cư cũ. Vì thuộc quy hoạch dự án cảng Bến Nghé nhưng dự án treo, nhiều năm trước, phần lớn hộ dân đã lần lượt di dời. Mới đây, thành phố thông báo tạm ngưng dự án, địa phương quyết tâm “xốc” lại địa bàn.  Tuy nhiên, trong thời gian chờ dự án triển khai, người lao động từ các tỉnh đổ về sinh sống. Những đứa trẻ theo cha mẹ, cô dì chú bác dạt từ quê lên phố kiếm sống hội tụ về ngày một đông.

Thương đám trẻ, cô giáo Nguyễn Thị Đỏ tự nguyện đứng ra mở lớp học. “Trường học” là trụ sở khu phố. Bàn ghế tạm bợ, sách vở đi vận động. Khi cô giáo không còn khả năng trụ được với các em, lớp học tự giải tán. Chỉ đến đầu năm 2012, lớp mới được tổ chức Đoàn ở khu phố cùng lực lượng Biên phòng, Đoàn Trường Đại học Luật lập lại. Lớp học tình thương lần này được tổ chức quy củ, bài bản hơn. Ngoài thầy Vũ Trường Tính, đội ngũ tình nguyện viên làm thầy cô giáo giảng dạy cho các em còn có các sinh viên Trường Đại học Luật và một số đồng đội của Thượng úy Tính.

Cơ sở vật chất như bàn ghế, sách vở, dụng cụ học tập cho các em cũng không còn phải “ăn đong” như thời của cô giáo Đỏ trước kia mà được Hải quan cảng Sài Gòn tài trợ. Để giúp các em đến nơi đến chốn hơn, các đơn vị còn phối hợp với chính quyền và trường tiểu học của địa phương tổ chức kiểm tra trình độ cho các bé sau khi kết thúc mỗi khóa học. Học trò cũng đã có học bạ đàng hoàng.

Đây là một nỗ lực đáng ghi nhận nhằm giúp các em có giấy tờ, đặc biệt là có giấy khai sinh có điều kiện xin học ở địa phương khác khi quanh cảng Bến Nghé không còn là điểm trú chân cho gia đình các em sau này

N.Nguyễn
.
.
.