Lão nông nghèo hiến đất làm đường
Khác với hình dung của chúng tôi về một "điền chủ" sẵn sàng hiến 1.000m2 đất để làm đường, ông Thực đang sống trong một căn nhà lợp ngói xây từ năm 1981 thấp lè tè, mà theo ông kể, trời mưa vẫn đang bị dột. Trong cơn mưa đón bão, ông ngồi tiếp chúng tôi với đôi mắt đang mờ, vết thương cũ đang hành hạ và khuôn mặt tái xám vì ốm. Không lương hưu, chỉ sống bằng hơn 800.000 đồng tiền trợ cấp thương binh, nhưng với ông, thế là quá đủ. Sinh năm 1947, ở làng quê nông thôn, ông đã được lên lão từ lâu rồi. Một cựu thanh niên xung phong, bị thương sức khỏe yếu, hàng chục năm qua, ông sống lặng lẽ với gia đình đông đúc gồm vợ và 9 người con trong điều kiện kinh tế chật vật. Thế nhưng, khi phong trào xây dựng nông thôn mới lan tỏa đến thôn Hòa Chúc, xã Hòa Thạch, huyện Quốc Oai nơi ông sinh sống, trong hai năm 2013 và 2014, ông Thực đã liên tục tình nguyện hiến đất làm đường giao thông.
Dù còn nhiều khó khăn nhưng ông Thực vẫn tình nguyện hiến 1.000m2 đất để làm đường giao thông. |
Ngôi nhà lụp xụp. Thứ đáng giá nhất là một chiếc tủ lạnh cũ và chiếc tivi. Nhưng trên khắp 4 bức tường đều treo kín các giấy khen, bằng khen. Ở vị trí trang trọng nhất là bằng khen của Thủ tướng Chính phủ mà ông vinh dự được nhận năm 2012.
Thời trẻ, tham gia thanh niên xung phong, năm 1965, ông Thực tham gia sửa chữa cầu trong một trận bom oanh tạc của giặc Mỹ. Một mảnh bom đã ghim đúng vào đốt sống lưng, băm nát một quả thận. Vết mổ dài 18cm trước ngực ông vừa khâu vào lại phải phanh ra vì kíp mổ đã để quên một chiếc kẹp y tế trong cơ thể ông. Vậy mà tỉnh lại, ông vẫn hồn nhiên nói với bác sỹ: "Số tôi vẫn may chán, không tìm thấy cái kẹp thì tôi chắc chết rồi". Anh cả và em trai của ông đều là liệt sỹ, hy sinh trong những năm tháng bom đạn ác liệt nhất. Năm 2000, trong một cơn đau nhức đột ngột trỗi dậy, ông đi khám và kết quả chụp chiếu cho thấy, vẫn còn một mảnh kim loại trong cơ thể, găm vào đốt sống thứ 3. Một lần nữa, ông lại lên bàn mổ để tiếp tục chữa lành vết thương chiến tranh.
Lý do 3 lần ông tình nguyện hiến đất là gì? Câu trả lời chân thật, thẳng thắn: "Tôi làm theo lời dạy của Bác Hồ. Mình tham gia các tổ chức đoàn thể như Hội Cựu chiến binh, Hội TNXP rồi còn là Ủy viên của Ủy ban MTTQ xã thì phải làm gương. Muốn vận động nhân dân cùng tham gia xây dựng nông thôn mới, xây dựng quê hương, mình phải đi đầu thì mới tuyên truyền, mới vận động được chứ. Mình không làm thì còn vận động được ai nữa". 67 tuổi, với cơ thể đã bị mất 21% sức khỏe, nhưng ông vẫn phải làm ruộng, chăm sóc vườn cây ăn quả, chăn bò để nuôi một người con gái thiểu năng trí tuệ đã từng đốt cháy rụi cả căn bếp của bố mẹ. 8 người con còn lại đã trưởng thành, nhưng cũng đều làm ruộng, làm công nhân, không giúp đỡ được gì cho bố mẹ về vật chất. Năm ngoái, chính quyền địa phương ngỏ ý hỗ trợ ông 60 triệu đồng để sửa nhà, ông lại từ chối không nhận với lý lẽ: "Để dành cho các đồng đội có hoàn cảnh khó khăn hơn tôi".
Câu chuyện bị cắt ngang bởi ông có điện thoại gọi đến. Ai đó ở UBND xã gọi điện, có lẽ về việc ông vừa được UBND TP Hà Nội đề cử là 1 trong 10 công dân tiêu biểu Thủ đô năm 2014. Không rõ người gọi đến nói gì, chỉ thấy ông trả lời sang sảng: "Lại chụp ảnh à? Ảnh chân dung à? Sao, nhớ đi dép à? Ừ, nhớ rồi, không đi chân đất nữa". Lão nông ơi, ông đúng là một tấm gương sáng để chúng tôi soi vào đó mà học tập