Làng của những người giỏi nghề sông nước

Thứ Bảy, 18/12/2010, 19:00
Trong tiếng sóng ì ạp vỗ vào mạn những con thuyền neo đậu dưới bến sông, tôi được nghe và lắng chìm trong cảm xúc câu chuyện về làng quê sông nước Hồng Lam nơi bãi bồi ven sông Lam, cái nôi nuôi dưỡng một doanh nghiệp có những tấm lòng quả cảm, từ thiện đã tự nguyện tìm kiếm trục vớt xe ôtô BKS 48K-5868 chở 21 hành khách bị lũ cuốn chìm xuống đáy sông Lam vào tháng 10/2010.
>>Gặp những thợ lặn tham gia trục vớt chiếc xe khách bị cuốn trôi

Ngày cuối năm tôi đi về làng Hồng Lam, xã Hưng Lợi, Hưng Nguyên bãi bồi ven sông Lam,  làng quê mang tên ngọn núi dòng sông biểu tượng của xứ Nghệ này, với nghề truyền thống trên sông nước là cái nôi nuôi dưỡng để Công ty Trường Thành ra đời và phát triển. Gắn bó với sông nước, người dân làng nghề này quen với từng con sóng, cơn nước lên xuống theo mùa trăng. Nhìn tăm nước, họ đoán được độ nông sâu. Qua sắc nước, họ xác định được đáy sông là bùn hay cát sỏi, loài tôm cá nào đang được ôm ấp dưới lòng sông. Cũng qua sắc nước, họ có thể định đoán được có hay không vật lạ đang đắm chìm ở dưới đáy sâu. 

Cứ vậy, người dân Hồng Lam đời này qua đời khác, không chỉ gắn với sông Lam mà vươn ra mọi con sông ở miền Trung để mưu sinh. Khi có chủ trương tập thể hóa, cả làng được tổ chức làm ăn trong các Hợp tác xã (HTX) đánh cá, vận tải đường sông, khai thác cát sỏi… Các HTX làng nghề Hồng Lam ngày đó sản xuất, kinh doanh theo kế hoạch của Nhà nước. Các HTX ấy là gạch nối để duy trì và phát triển nghề truyền thống sông nước của Hồng Lam.

Đại diện Báo CAND cùng hoạ sỹ Vũ Tiến Dũng, Bí thư Đoàn trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội tặng quà các thợ lặn tham gia trục vớt chiếc xe khách bị lũ cuốn trôi xuống sông Lam.

Nghề truyền thống sông nước bao đời ấy đã hun đúc cho người dân Hồng Lam phẩm chất can trường dũng cảm, sức vóc cường tráng dẻo dai, giỏi bơi lội để hành nghề, để chống chọi với mưa lũ, nắng gió và bồi đắp nên kinh nghiệm nghề nghiệp trên sông. Đó là tài sản quý báu nhất của Hồng Lam. Tài sản quý báu ấy là cái nôi nuôi dưỡng bao người, nuôi dưỡng nên những doanh  nghiệp, doanh nhân trong đó có Trường Thành, một doanh nghiệp từng làm nên niềm xúc động bao trái tim đồng bào cả nước.

Chia tay các thủ chỉ của làng, tôi tiếp tục đi trên làng quê bãi bồi ven sông để nghe và hiểu về Trường Thành, một doanh nghiệp giờ đây là một thương hiệu uy tín trong SXKD và nghĩa cử nhân văn. Doanh nghiệp ấy được khởi nguồn từ Hồng Lam, nơi tôi đang đếm bước. Tôi nghe đâu đây chuyện một thời chưa xa của những năm 90 của thế kỷ XX. Ngày đó các HTX nghề của Hồng Lam dần dần không phù hợp với hoàn cảnh mới, đã lần lượt giải thể, nhưng người dân Hồng Lam không thể bỏ nghề.

Với vốn liếng quý báu nghề nghiệp truyền thống của quê hương, người dân trở lại với các mô hình kinh tế gia đình âu cũng là lẽ tự nhiên, bởi sự sinh tồn. Rồi cơ chế mới và xu thế thời cuộc đã cho ra đời những công ty tư nhân, thúc đẩy nghề truyền thống của làng quê phát triển. Các anh Trần Văn Thắng, Trần Nhất Thành là những điển hình của mô hình phát triển kinh tế này. Là xã viên của Hợp tác xã Vận tải Hồng Lam, với tính năng động tháo vát, các anh đã không ngồi yên. Năm 2001, các anh đã xúc tiến lập Doanh nghiệp tư nhân (DNTN) Trường Thành do Trần Nhất Thành làm Giám đốc. Vẫn là cái nghề hoạt động sông nước, nhưng Trường Thành phát triển nhanh chóng.

Sau những năm khởi nghiệp gian khó, Trường Thành đã tích lũy và đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện tàu thuyền, xà lan đầu kéo, cần cẩu… mở rộng thị trường, đưa nghề truyền thống quê hương phát triển mạnh và sâu. Từ hoạt động khai thác khoáng sản cát sỏi, vận tải đường sông… DNTN Trường Thành phát triển mở rộng vận tải cả đường biển, trục vớt phương tiện chìm đắm dưới đáy sông biển, cho thuê phương tiện vận tải và thi công đầy uy tín.

 Tôi được nghe và được mục sở thị về năng lực hoạt động trục vớt nổi bật của Trường Thành. Với phương tiện hiện đại, đặc biệt là kinh nghiệm sông nước, lòng quả cảm được tích lũy, hun đúc từ truyền thống  bao đời của vùng quê sông nước Hồng Lam, đã cho Trường Thành năng lực lớn lĩnh vực hoạt động này. Nhờ đó mà Trường Thành đã hoàn thành nhiều vụ trục vớt khó khăn không ít đơn vị đồng nghiệp chịu bó tay, như: trục vớt tàu Hưng Phát 05 ở biển khơi Quảng Bình; trong vòng 2 tháng của năm 2008 trục vớt 3 con tàu bị đắm tại Mũi Ngọc Quảng Ninh v.v... trả lại cho đáy biển sự nguyên sơ thuần khiết.

Đó là điều tôi được nghe, còn điều tôi được thấy thì giờ đây nhắc lại lòng vẫn rưng rưng. Số là trong trận lũ lịch sử tháng 10/2010 vừa qua, khi các lực lượng hùng hậu trục vớt của quốc gia tỏ ra bất lực, với tâm niệm xẻ chia giúp đỡ, giữa dòng ước lũ chảy xiết, Trường Thành đã tự nguyện tìm kiếm và trục vớt thành công xe ôtô và 21 nạn nhân trong xe khách BKS 48K-5868 bị lũ cuốn trôi, chìm xuống đáy sông Lam.

Thành công này của Trường Thành đã khiến đồng bào cả nước và những lương tri trên thế giới theo dõi vụ việc hết sức xúc động. Lòng quả cảm, tự nguyện vô tư giàu chất nhân văn này của những cán bộ, công nhân Trường Thành, có cội nguồn truyền thống của quê hương. Tiếng thơm của Trường Thành và làng nghề sông nước Hồng Lam theo đó mà vươn xa.

Rời làng Hồng Lam, cái nôi nuôi dưỡng một doanh nghiệp của những con người quả cảm nhân văn. Mới vào năm thứ 10, doanh nghiệp này đã khẳng định uy tín, thương hiệu của một đơn vị có tiềm lực lớn hoạt động trên sông biển khắp cả nước

Tô Lan
.
.
.