Kiên quyết xử lý doanh nghiệp không hoàn thổ, phục hồi môi trường sau khai thác đất đá

Thứ Ba, 09/10/2018, 08:15
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam có nhiều mỏ đất doanh nghiệp đã hết hạn khai thác, song vẫn không lập hồ sơ đóng cửa mỏ, chưa thực hiện phương án cải tạo, phục hồi môi trường gây nhiều khó khăn trong công tác quản lý nhà nước tại địa phuơng và ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân…


Điển hình tại huyện Phú Ninh, theo UBND huyện, nhằm phục vụ nhu cầu đất san lấp cho dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi và các dự án đầu tư xây dựng khác, UBND tỉnh Quảng Nam đã cấp phép khai thác cho 15 khu vực khai thác đất nguyên liệu trên địa bàn huyện. 

Hiện nay, 8 khu vực mỏ đã hết giấy phép khai thác mà doanh nghiệp chưa hoàn chỉnh các thủ tục về đóng cửa mỏ để bàn giao đất cho địa phương quản lý. Trong đó, còn hai đơn vị khai thác đất san lấp tại 4 địa điểm không thực hiện việc hoàn thổ và cải tạo phục hồi môi trường đúng theo hồ sơ cải tạo, phục hồi môi trường đã được phê duyệt. 

Mỏ đất Núi Vũ không hoàn thổ để lại những hố sâu rất nguy hiểm.

Các khu vực mỏ này khi khai thác có phát sinh lượng đá phong hóa và đá tảng lớn, tuy nhiên chưa có giải pháp xử lý; chưa xây dựng giải pháp thoát nước gây mất an toàn cho người dân và gia súc quanh vùng. UBND huyện Phú Ninh và Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh Quảng Nam đã làm việc, gửi công văn đôn đốc, nhắc nhở nhiều lần nhưng đến nay hai đơn vị này không thực hiện…

Cụ thể, mỏ đất san lấp, xây dựng công trình tại khu vực núi Chùa (thôn Trường Mỹ, xã Tam Thái, huyện Phú Ninh) do Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 8 - CTCP (gọi tắt Tổng Công ty Giao thông 8) khai thác. Dù đã hết hạn kể từ ngày 3-6-2017 nhưng đến nay công ty này vẫn chưa thực hiện việc hoàn thổ và cải tạo phục hồi môi trường theo phương án được duyệt khiến cho đất đá trôi vào vườn của nhiều hộ dân. 

Căn nhà của bà Trần Thị Kiểu (62 tuổi, trú thôn Trường Mỹ) nằm ngay dưới chân mỏ đất Núi Chùa. Nhiều năm nay gia đình bà Kiểu tận dụng mảnh đất sau nhà chăn nuôi dê, thỏ, gà, lợn. Tuy nhiên, từ cuối năm 2017, sau khi Tổng Công ty Giao thông 8 hoàn thành khai thác tại khu vực núi Chùa nhưng không hoàn thổ, trả mặt bằng nên mỗi khi mưa xuống, nước kèm theo một lượng lớn đất đá đổ vào vườn, vào nhà của bà khiến cho việc chăn nuôi gặp nhiều khó khăn.

Còn tại thôn Đại Đồng, xã Tam Lộc, huyện Phú Ninh, mỏ đất Núi Vũ do Công ty TNHH Dịch vụ thương mại sản xuất xây dựng Đông Mê Kông (gọi tắt Công ty Đông Mê Kông) khai thác cũng xảy ra tình trạng tương tự. Giấy phép khai thác của công ty này đã hết hiệu lực từ ngày 19-5-2017 nhưng đến nay, công ty này chưa tiến hành cải tạo phục hồi môi trường theo phương án cải tạo, phục hồi môi trường đã được Sở TN&MT tỉnh Quảng Nam phê duyệt. 

Công ty Đông Mê Kông chưa tiến hành san gạt, hoàn thổ, chưa trồng cây, chưa xây dựng hệ thống thoát nước mưa khu vực mỏ. Đến nay địa hình khu vực mỏ Núi Vũ không bằng phẳng, có dấu hiệu xói lở đất tại khu vực khai thác khiến cho đất đá tràn vào nhà dân, tràn cả ra tuyến đường ĐT 615 gây mất an toàn giao thông và tràn ra cả ruộng đồng của người dân khiến cho một số diện tích ruộng trồng lúa phải bỏ hoang.

Ông Phan Văn Tiến, Phó Chủ tịch UBND xã Tam Lộc cho biết, mỏ đất Núi Vũ được UBND tỉnh Quảng Nam cấp phép khai thác đất nguyên liệu cho Công ty Đông Mê Công khai thác đã hết thời hạn trong năm 2017 nhưng đến nay công ty này chưa hoàn thành việc phục hồi môi trường.

“Nếu như không giải quyết thì sẽ để lại nhiều hệ quả, nhất là lượng đất đá băng qua đường, ảnh hưởng đến giao thông, ruộng vườn của người dân. Thực tế đã có không ít vụ tai nạn giao thông nguyên nhân do đất đá tràn ra đường; kể cả những điểm lấy đất tạo thành nhiều vũng nước rất nguy hiểm cho người và gia súc. UBND xã kiến nghị nhiều lần khẩn trương phục hồi môi trường nhưng đang đợi giải pháp của cơ quan chức năng”, ông Tiến nói. 

Theo ông Trần Quốc Danh, Trưởng phòng Phòng TN&MT huyện Phú Ninh, UBND tỉnh Quảng Nam đã có văn bản yêu cầu các đơn vị khai thác phải nộp hồ sơ đóng cửa mỏ và phục hồi môi trường về Sở TN&MT thẩm định và tỉnh xem xét phê duyệt trước ngày 30-9. 

Tuy nhiên, hiện nay một số đơn vị vẫn không thực hiện. Nguyên nhân là do một số mỏ trong quá trình khai thác gặp đất đá nhiều, công tác phục hồi môi trường gặp nhiều khó khăn, một số đơn vị không thực hiện nhiệm vụ của mình. “UBND huyện đã có kiểm tra cụ thể từng tiêu chí một, đã có gửi báo cáo tỉnh để cho tỉnh cho phép triển khai đóng cửa mỏ, hoàn thổ môi trường để đảm bảo an toàn. 

Tỉnh đã thống nhất giao cho chúng tôi nếu các đơn vị vẫn không thực hiện thì huyện sẽ thực hiện. Sắp tới chúng tôi sẽ báo cáo tỉnh về thực trạng này, trực tiếp thuê đơn vị tư vấn đi khảo sát lại toàn bộ các mỏ này và xây dựng những phương án để phục hồi, đảm bảo an toàn”, ông Danh khẳng định.

Hà Vy
.
.
.