Kiểm tra sắp xếp sử dụng đất nông lâm trường trên toàn quốc
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Diệp Kỉnh Tần, hiện nay, các nông - lâm trường toàn quốc đang được giao một diện tích đất rất lớn, gần 5 triệu ha, trong khi hiệu quả kinh tế - xã hội lại rất thấp, nhất là với các lâm trường.
Ông Tần cho biết, Bộ Chính trị, Chính phủ đang tìm mọi biện pháp tháo gỡ dần mâu thuẫn này, song, rối ren và phức tạp nhất vẫn nằm ở khâu đất đai. Báo cáo của Bộ NN&PTNT cho thấy, trên toàn quốc hiện có 697 NLT quốc doanh, trong 5 năm (2003-2007), các địa phương đã tiến hành chuyển đổi mô hình hoạt động cho 667 NLT thành các công ty nông nghiệp, lâm nghiệp, ban quản lý rừng phòng hộ.
Nhưng thực tế cho thấy, việc chuyển đổi này mới chỉ thành công ở tên gọi, còn mọi hoạt động của các công ty nông - lâm nghiệp vẫn "rối như canh hẹ". Trong số này đã có 18 nông trường, 11 lâm trường phải giải thể.
Hầu hết các địa phương về tham dự Hội nghị đều bày tỏ những khó khăn, vướng mắc của địa phương mình. Nhưng nguyên nhân chính được nhận định lại là do cung cách quản lý, sử dụng đất tại các NLT không hiệu quả.
Thậm chí, một vị lãnh đạo Bộ NN&PTNT đã nhận xét là bừa bãi. Trong số hơn 4,6 triệu ha đất đai giao cho các NLT quốc doanh trước khi quản lý, đã có trên 7.700 ha đã được các NLT tự ý cho thuê, cho mượn. Thậm chí, có khoảng xấp xỉ 54.000ha đất NLT khác đang bị lấn chiếm, xâm canh.
Tình trạng đất sản xuất trong nông lâm trường bị lấn chiếm quá phức tạp, nhưng không được địa phương tập trung giải quyết nên đã xảy ra tranh chấp kéo dài. Diện tích đất đai mà các NLT quốc doanh buộc phải giao lại cho chính quyền địa phương quản lý là 757.000ha, đến nay mới bàn giao chưa đầy 24.500ha, tức là chỉ bằng có 3,2%.
Một thực tế đáng buồn là sau khi sắp xếp lại thì các NLT có một diện tích đất đai rất lớn nhưng nhiều nơi đời sống người lao động vẫn chưa đảm bảo, nhiều NLT thu nhập rất thấp chỉ 400-500 ngàn đồng/người/tháng.
Bên cạnh khó khăn về đất đai, một "nghịch lý" hiện đang tồn tại trong các NLT quốc doanh là các đơn vị này được giao rừng sản xuất để kinh doanh nhưng lại không được tự chủ trong khai thác gỗ và các sản phẩm khác từ rừng vì phải chờ chỉ tiêu đối với các khu rừng sản xuất có nguồn gốc từ rừng tự nhiên, rừng được đầu tư từ các dự án trồng rừng của Nhà nước.
Trước tình trạng trên, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng đã yêu cầu Bộ NN&PTNT chủ trì, phối hợp kiểm tra, rà soát tình hình đất đai cũng như hoạt động của 130 NLT trong tháng 5.
Sau khi nghe các địa phương báo cáo, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương phải triển khai nhất quán, có cơ sở khoa học xác định rừng nghèo kiệt để cải tạo, chuyển sang rừng sản xuất. Từ đó tạo chủ động cho các công ty lâm nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh