Kiểm tra bảo đảm an toàn trong kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ tại TP HCM
Tại tuyến QL1A, đoạn chạy qua địa phận thành phố có lưu lượng phương tiện cơ giới 4 bánh lưu thông rất lớn. Mặc dù lộ giới được quy hoạch cho tuyến đường này lên tới 120m, nhưng thực tế chiều rộng lòng đường khoảng 33m, không có vỉa hè.
Trên suốt tuyến, kéo dài gần 30km nhà dân và các công trình kiến trúc khác đều nằm trong hành lang an toàn giao thông. Khi mật độ xe ôtô lưu thông đã quá lớn trên tuyến này, làn đường dành cho xe 2 bánh hẹp nhưng tình trạng ôtô tải thường xuyên dừng đậu lên xuống hàng hoặc chờ hết giờ cấm để vào thành phố càng khiến tầm nhìn bị che khuất.
Nhưng suốt tuyến quốc lộ này, đường làm xong đưa vào khai thác từ lâu, song hầu như chưa được lắp đặt biển báo cấm đậu xe tải. Tuyến QL1K cũng nằm trong tình trạng tương tự, do được thi công theo hình thức BOT nên việc lắp đặt biển báo, quản lý và tổ chức giao thông được giao cho chủ đầu tư chịu trách nhiệm.
Nhưng đến nay, khi đường đã đưa vào khai thác hàng năm trời, các loại biển báo như phân làn xe, giao nhau với đường không ưu tiên… vẫn chưa được lắp đặt.
Việc thi công đào đường lắp đặt hệ thống ống thoát nước cũng vậy, kết quả kiểm tra tại huyện Nhà Bè cho thấy, các công trường thi công tại đường Huỳnh Tấn Phát, Nguyễn Hữu Thọ và Nguyễn Văn Tạo đều không có rào chắn, không có đèn tín hiệu cả ngày lẫn đêm, không bố trí người hướng dẫn giao thông… Các tuyến khác như QL13, tỉnh lộ 10, QL22… cũng vậy.
Chỉ trong một thời gian ngắn, đoàn kiểm tra đã phát hiện hàng loạt những bất hợp lý trong công tác hoàn chỉnh hạ tầng, tổ chức luồng phân tuyến giao thông… là những nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tai nạn giao thông.
Cụ thể, những bất hợp lý phổ biến là không có các loại biển báo, không có gờ giảm tốc, lỗi kỹ thuật của hạ tầng giao thông… mà các đơn vị trực tiếp quản lý hạ tầng giao thông là các khu quản lý đường bộ hằng ngày vẫn thờ ơ một cách tắc trách.
Thiết bị, hạ tầng đảm bảo ATGT đều đã được giao cho từng đơn vị chủ quản với kinh phí duy tu, bảo dưỡng hằng năm rất lớn. Vì vậy, đã đến lúc cần thiết phải giao trách nhiệm cụ thể đối với từng đơn vị chủ quản khi để xảy ra TNGT (do nguyên nhân từ lỗi kỹ thuật của hệ thống cầu đường) trong khu vực quản lý