Khốn khổ vì nhà máy xử lý nước thải gây ô nhiễm

Thứ Hai, 29/07/2013, 07:50
Hàng ngàn hộ dân sống quanh khu vực Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng (xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh) than trời vì phải sống chung với mùi hôi thối, môi trường bị ô nhiễm bởi chính Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng gây ra. Đi dọc xã Bình Hưng nhà nào cũng đóng cửa im ỉm, cơi nới kiên cố, dùng bình xịt khử mùi và sử dụng máy lạnh thay cho khí trời.

Trước tình hình Nhà máy xử lý nước thải gây ô nhiễm, ông Nguyễn Hữu Tín, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh đã chỉ đạo  Sở KH&ĐT cần phải rà soát, báo cáo cho UBND TP việc đầu tư cùng lúc các khu xử lý bùn thải và khu xử lý bùn cho các nhà máy cấp nước có lãng phí hay không và mức độ gây ô nhiễm từ các nhà máy xử lý nước thải này gây ra. Tuy nhiên trong lúc chờ công tác kiểm tra có kết quả và hình thành phương án khắc phục thì người dân nơi này phải chịu cảnh sống chung với ô nhiễm…

Bán nhà vì ô nhiễm không khí quá nặng

Trời nắng mùi hôi gay gắt, người dân dường như nghẹt thở vì mùi xú uế. Cứ tưởng trời mưa sự ô nhiễm sẽ được giảm bớt nhưng không, càng mưa lớn nước thải tràn ra lênh láng thông qua rạch Bà Tánh và người dân phải sống chung với ô nhiễm không khí và cả ô nhiễm nguồn nước.

Dùng khẩu trang khi tiếp xúc với chúng tôi, ông Đ.V.T (SN 1965, ngụ ấp 5, xã Bình Hưng) bức xúc: “Khoảng 1 năm trở lại đây người dân sống tại khu dân cư rạch Bà Tánh phải sống chung với mùi hôi nồng nặc đi theo không khí, nguồn nước chảy về đây. Mọi sinh hoạt trong gia đình bị đảo lộn, bọn trẻ, người già trong nhà bị ho, nhức, nghẹt mũi liên tục. Dù nhà cửa xây dựng khang trang nhưng chưa bao giờ tôi dám mời bạn bè về nhà chơi vì ngay mình còn chịu không nổi thì khách làm sao thích ứng kịp”.

Nhiều người có ý định về khu vực xã Bình Hưng định cư cũng lắc đầu ngao ngán, có hộ đã mua đất xây xong nhà như chị Lê Thị Khánh Vân – khu dân cư Văn Lang cũng chỉ dám tạt ngang qua kiểm tra nhà mà không dám chuyển hẳn về sống. Những nhà dân kiên cố đã như vậy, những hộ dân nhà cấp 4 ở đây còn bị nguồn không khí bị ô nhiễm “tra tấn” gấp trăm lần.  Nhiều hộ dân đã phải dán thông báo bán nhà với giá rẻ hơn thị trường 30 - 40% nhưng khi khách đến xem ngửi thấy mùi hôi thối, chưa kịp trả giá đã lựa lời từ chối. Có người đặt cọc tiền mua nhà xong rồi cũng đành bỏ cọc vì không thể chịu được mùi không khí ô nhiễm…

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, nguồn không khí bị ô nhiễm chỉ mới diễn ra trong vòng một năm này và điểm xuất phát nguồn ô nhiễm này là Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng do Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP.HCM quản lý và đơn vị quản lý nhà máy này là Công ty  TNHH MTV Thoát nước đô thị vận hành. Đây là nhà máy xứ lý nước thải  thuộc dự án môi trường nước thành phố, thu gom nước thải của các quận 1, 3, 5 và một phần quận 10 và bắt đầu đi vào hoạt động từ tháng 6/2009 với  mức đầu tư hơn 100 triệu USD.

Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng được coi là nguyên nhân chính gây ô nhiễm cho hàng ngàn hộ dân trong các khu dân cư sinh sống tại đây.

Dân mong sớm khắc phục

Vì sao một nhà máy xử lý nước thải lớn nhất thành phố với mức đầu tư lớn như vậy lại gây ảnh hưởng đến môi trường sống của hàng ngàn hộ dân sống trong khu vực xã Bình Hưng. Trả lời câu hỏi này, ông Lý Thọ Đắc, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị giải thích: Bùn thải phát sinh từ quá trình xử lý nước được tập trung tại khu nhà lên men sơ cấp. Ở đây, bùn được đảo trộn và thông gió tự nhiên. Sau khoảng 15 ngày, bùn mới được đưa qua khu lên men thứ cấp ủ chín và đảo trộn bằng xe xúc, trước khi chuyển đi chôn lấp ở nơi khác. Do phương pháp xử lý bùn theo công nghệ ủ hiếm khí, các nhà lên men không phải là kho dạng “kín” mà là dạng “hở”, dẫn đến mùi hôi phát sinh không thể tránh khỏi. Sau khi nhận phản ánh của người dân, Nhà máy xử lý nước thải đã tìm một số biện pháp khắc phục như: Sử dụng chế phẩm sinh học giảm thiểu mùi, tăng thời gian lưu trữ bùn tại nhà lên men sơ cấp, không đảo trộn mà cho phun xịt hóa chất, che bạt chắn gió, tăng cường vận chuyển bùn ra bãi đổ ở xã Đa Phước, huyện Bình Chánh…

Một số hộ dân khu vực xã Bình Hưng xác nhận có một khoảng thời gian khoảng ba tháng sau khi người dân đâm đơn phản ánh, tình trạng ô nhiễm không khí có giảm vào buổi sáng, trưa và chiều nhưng lại bị ảnh hưởng vào lúc 2 - 3h sáng. Tuy nhiên người dân cũng chỉ hưởng được không khí “trong lành” trong  thời gian ngắn lại tiếp tục phải sống chung với ô nhiễm không khí. Khi tiếp xúc với người dân, nhiều người đã đặt ra câu hỏi, số tiền đầu tư lớn, công nghệ hiện đại từ nước ngoài tại sao Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng lại để tình trạng ô nhiễm trên diện rộng như vậy?

Trong một buổi làm việc với Đoàn giám sát của HĐND TP, ông Lưu Văn Tấn, Trưởng phòng Quản lý nước thải thuộc Trung tâm Chống ngập giải thích: Sau khi hoàn tất, một năm chi phí vận hành phía nhà thầu Nhật đưa ra là 420 tỷ nên để “tiết kiệm” cho ngân sách, Công ty Thoát nước đô thị đã liên kết với một đơn vị tư vấn của Mỹ vận hành với chi phí giảm hơn so với nhà thầu Nhật khoảng 4 lần (năm 2012 là 75 tỷ đồng, năm 2013 khoảng 100 tỷ đồng). Công nghệ xử lý của Nhật nhưng là công nghệ cũ, vì vậy muốn xử lý triệt để tình trạng ô nhiễm thoát ra khỏi nhà máy ảnh hưởng đến khu dân cư, trong giai đoạn 2, Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng nên thay đổi công nghệ xử lý(?)

Nếu thay đổi công nghệ lại một lần nữa mức đầu tư phải đội lên và chưa biết khi nào người dân mới thoát tình trạng ô nhiễm. Người dân ở đây mong rằng Sở KH&ĐT xúc tiến việc rà soát tìm ra nguyên nhân và hướng khắc phục tình trạng ô nhiễm trên để người dân an tâm định cư, sinh sống

Nghinh Phong
.
.
.