“Khoảng trống” trong giáo dục đạo đức lối sống cho học sinh

Thứ Sáu, 26/02/2010, 15:35
Tại hội thảo tìm giải pháp phòng chống bạo lực học đường trong học sinh phổ thông do Bộ GD&ĐT tổ chức cuối năm 2009, nhiều đại biểu đã cho rằng, những vụ tai nạn thương tích có cả nguyên nhân từ phía nhà trường khi chương trình giáo dục đạo đức lối sống còn một "khoảng trống", dạy những điều xa vời, trong khi một bộ phận học sinh này thiếu hụt trầm trọng kỹ năng sống, chưa biết ứng xử phù hợp với lối sống có văn hóa.

>> Cảnh báo sự xuống cấp đạo đức, lối sống trong giới trẻ

Tuy chưa có số liệu thống kê đầy đủ về các dạng tai nạn thương tích (TNTT) xảy ra trong trường học phổ thông, nhưng theo đánh giá của Sở GD&ĐT Hà Nội thì đây là nỗi lo thường trực của từng nhà trường, từng gia đình có con em đang đi học. Có rất nhiều dạng tai nạn thương tích như cháy nổ, điện giật, đuối nước, nhưng đáng báo động là tình trạng học sinh bị chấn thương do TNGT và do bạo lực học đường đang có xu hướng gia tăng, gây ra những hệ lụy không nhỏ về mặt tinh thần cho gia đình, nhà trường và xã hội.

Theo ông Nguyễn Hiệp Thống, Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT Hà Nội, Thường trực Ban chỉ đạo phòng chống TNTT của ngành Giáo dục Hà Nội thì công tác phòng chống TNTT thường được triển khai đầu năm học. Nhưng thời điểm này đang phát sinh một số vấn đề nhạy cảm như học sinh tham gia giao thông bằng xe máy phân khối lớn trái phép, hay nạn bạo lực học đường. Do đó, Sở GD&ĐT Hà Nội tăng cường các biện pháp để phòng chống TNTT.

Học sinh vi phạm Luật GTĐB như thế này không phải là hiếm.

Một con số từ Cục CSGT đường bộ - đường sắt, Bộ Công an cho thấy, tại Hà Nội, chỉ riêng trong Tháng "An toàn giao thông" năm 2009, đã xử lý 600 trường hợp vi phạm là học sinh phổ thông. Đặc biệt, qua ghi hình tại một số trường học Hà Nội, cứ 1 giờ đồng hồ, có hàng chục trường hợp học sinh vi phạm.

Còn theo thông tin từ Sở GD&ĐT Hà Nội, thì trong năm 2009 đã xảy ra 73 trường hợp bị chấn thương, chủ yếu do tai nạn giao thông mà người điều khiển là học sinh phổ thông.

Điển hình về tai nạn thương tích do bạo lực học đường gây ra là vụ "trả thù nhầm" gây xôn xao dư luận diễn ra trước cổng Trường THPT Nguyễn Trãi, Ba Đình (Hà Nội) xảy ra vào tháng 10/2009. Hậu quả khiến một học sinh tử vong và một học sinh bị thương nặng. Đây là thực trạng báo động về sự xuống cấp đạo đức lối sống trong một bộ phận học sinh thích ăn chơi đua đòi, thích hưởng thụ, lười lao động, sống ích kỷ và thiếu sự quan tâm, dạy dỗ của gia đình.

Tại hội thảo tìm giải pháp phòng chống bạo lực học đường trong học sinh phổ thông do Bộ GD&ĐT tổ chức cuối năm 2009, nhiều đại biểu đã cho rằng, những vụ việc đau lòng như vậy có cả nguyên nhân từ phía nhà trường khi chương trình giáo dục đạo đức lối sống còn một "khoảng trống", dạy những điều xa vời, trong khi một bộ phận học sinh này thiếu hụt trầm trọng kỹ năng sống, chưa biết ứng xử phù hợp với lối sống có văn hóa.

Với mục đích "phòng là chính", ngành Giáo dục Thủ đô quyết tâm ngăn chặn hiệu quả không để xảy ra TNTT trong và ngoài nhà trường. Mục tiêu đặt ra là 100% học sinh trên địa bàn thành phố được tuyên truyền về TNTT, xây dựng trường học an toàn; đảm bảo 70% cán bộ, giáo viên, nhân viên làm công tác phòng chống TNTT tại các đơn vị, trường học được tập huấn về kiến thức, kỹ năng phòng chống TNTT, góp phần xây dựng "Trường học thân thiện, học sinh tích cực".

Để "phòng tận gốc" bạo lực học đường và tai nạn thương tích do va chạm giao thông, theo một số chuyên gia tâm lý của ĐH Sư phạm Hà Nội, cần phải tăng cường giáo dục đạo đức lối sống cho các em ở từng trường phổ thông; lồng ghép kỹ năng phòng chống TNTT vào các bài giáo dục công dân, ngoài việc giúp học sinh tìm hiểu về một số luật ở nước ta thì giáo viên phải giúp các em có thêm nhiều hiểu biết pháp luật, biết tôn trọng pháp luật.

Thạc sĩ Đỗ Thị Hải, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu môi trường và Các vấn đề xã hội: Bạo lực học đường ít nhiều đều liên quan tới kỹ năng sống. Vừa qua chúng tôi đã thực hiện điều tra trẻ vị thành niên với 1.043 phiếu hỏi. Kết quả có tới 95% các em nhận thức chưa đúng về kỹ năng sống, 77,7% các em chưa bao giờ được đào tạo, tập huấn về kỹ năng sống và hầu hết các em đều lúng túng chưa biết cách xử lí các tình huống thường gặp trong cuộc sống. Theo tôi, giải pháp tăng cường công tác giáo dục đạo đức, lối sống phải được các cấp, ngành, toàn xã hội nhận thức một cách đúng đắn và xem như một nhu cầu bức thiết hỗ trợ sự nghiệp giáo dục.

Thầy giáo Bùi Hữu Ninh, nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Việt - Đức, Hà Nội: Để phòng ngừa TNTT do va chạm giao thông, theo tôi, học sinh vi phạm Luật Giao thông thì phải xử phạt nghiêm minh để các em hiểu và tôn trọng pháp luật. Tôi cũng đề nghị, trong một số trường hợp, Bộ Công an nên nghiên cứu để tổ chức đào tạo nghiệp vụ lái xe môtô và tổ chức thi cấp phát bằng cho những học sinh đủ điều kiện. Có bằng lái xe, các em sẽ càng thấy được trách nhiệm của mình khi tham gia giao thông...

Thu Phương
.
.
.