Khó khăn trong việc quản lý xe mang biển Lào

Thứ Năm, 17/06/2010, 21:14
Qua rà soát số xe tạm nhập mang BKS Lào, phần lớn người điều khiển phương tiện không phải là chủ sở hữu xe, khi khai báo thường không khai báo rõ địa chỉ thường trú. Vì vậy, để xác định các ôtô này đang ở đâu khi đã vào lãnh thổ Việt Nam gặp nhiều khó khăn như "mò kim đáy biển".

Theo thỏa thuận giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Lào thì xe ôtô mang BKS của Lào tạm nhập vào Việt Nam được phép lưu lại 30 ngày kể từ ngày tạm nhập, trường hợp quá thời hạn trên thì sẽ bị xử phạt. Tuy nhiên, các đối tượng đã lợi dụng đưa xe Lào về Việt Nam sử dụng bằng cách vẫn dùng BKS Lào, hằng tháng qua lại cửa khẩu để tránh bị xử phạt về thời gian, hoặc sử dụng biển số giả hoặc thay đổi số khung, số máy nhằm hợp thức hóa để hoạt động trong nội địa.

Nguyên nhân là vì giá bán xe ôtô tại Việt Nam cao hơn nhiều so với giá mua tại Lào. Việc qua lại Lào rất thuận tiện (chỉ cần giấy thông hành hoặc hộ chiếu không cần có thị thực) và chưa có quy định về người điều khiển xe qua Lào qua lại cửa khẩu phải là người Lào "xịn".  Theo ghi nhận thì công tác quản lý, xử lý vi phạm gặp rất nhiều khó khăn.

Qua rà soát số xe tạm nhập mang BKS Lào, phần lớn người điều khiển phương tiện không phải là chủ sở hữu xe, khi khai báo thường không khai báo rõ địa chỉ thường trú. Vì vậy, để xác định các ôtô này đang ở đâu khi đã vào lãnh thổ Việt Nam gặp nhiều khó khăn như "mò kim đáy biển".

Xe mang BKS Lào hiện rất nhiều trên đất Việt Nam.

Để khắc phục tình trạng này, theo Tổng cục Hải quan thì cần phải sửa đổi các quy định về quản lý, đăng ký, điều khiển phương tiện mang BKS nước ngoài tạm nhập - tái xuất và quá cảnh Việt Nam.

Theo quy định tại Nghị định số 80/2009/NĐ-CP của Chính phủ quy định xe ôtô nước ngoài đăng ký tại nước ngoài có tay lái bên phải tham gia giao thông tại Việt Nam thì "người lái xe là người có quốc tịch của quốc gia có quy tắc giao thông đi bên trái và vượt xe bên phải, có GPLX phù hợp với loại xe điều khiển". Tuy nhiên, đối với xe gắn BKS của Lào, hiện nay trong Hiệp định Vận tải đường bộ Việt - Lào và Thông tư số 17/2005/TT-BGTVT chưa có quy định này. Cần sửa đổi các quy định về xử lý vi phạm đối với xe ôtô mang BKS nước ngoài tạm nhập - tái xuất và quá cảnh Việt Nam.

Mặc dù NĐ 18/2009/NĐ-CP của Chính phủ đã có quy định xử lý tịch thu đối với tang vật vi phạm đối với cá nhân, tổ chức có hành vi "tự ý tiêu thụ phương tiện vận tải đăng ký lưu hành tại nước ngoài tạm nhập cảnh vào Việt Nam".

Nhưng tại khoản 2 Điều 17 Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính lại quy định: "không tịch thu tang vật, phương tiện cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính chiếm đoạt, sử dụng trái phép mà trả lại cho chủ sở hữu hoặc người quản lý, người sử dụng trái phép". Vì thế, khi phát hiện vi phạm, cơ quan Hải quan không xử lý tịch thu được. Ngoài ra, cần tăng cường công tác phối hợp đấu tranh, rà soát các phương tiện quá hạn chưa tái xuất để xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Ôtô dưới 16 chỗ nhập về phải qua cửa khẩu cảng biển

Bộ Công thương, Bộ Giao thông vận tải và Bộ Tài chính vừa phối hợp ban hành Thông tư liên tịch số 25 /2010/TTLT-BCT-BGTVT-BTC quy định về việc ôtô nhập khẩu về Việt Nam. Thông tư quy định rõ: Ôtô chở người 16 chỗ ngồi, loại mới (chưa qua sử dụng) chỉ được nhập khẩu về Việt Nam qua các cửa khẩu cảng biển quốc tế: Cái Lân - Quảng Ninh, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu.

Cùng đó, cơ quan hải quan chỉ được hoàn thành thủ tục thông quan hàng hóa khi ôtô chở người đã được Cục Đăng kiểm Việt Nam cấp Giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới nhập khẩu hoặc cấp Thông báo miễn kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới nhập khẩu. T

hời hạn cấp Giấy chứng nhận chất lượng hoặc Thông báo miễn kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới nhập khẩu là 10 ngày làm việc, kể từ ngày kết thúc việc kiểm tra xe cơ giới nhập khẩu tại địa điểm kiểm tra đã đăng ký ghi trong Giấy đăng ký kiểm tra chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới nhập khẩu. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 29/7/2010.

T.Huyền

Trần Ánh
.
.
.