Khẩn trương xử lý vụ "bệnh nhân chết vì chữa mồ hôi tay"

Thứ Tư, 09/05/2007, 10:59
Sau vụ việc bệnh nhân chết vì gây mê trước khi mổ chữa mồ hôi tay, ông Đoàn Hữu Nghị - Giám đốc Bệnh viện E Hà Nội, cho biết: Nếu phát hiện bác sĩ dùng thuốc gây mê quá liều hoặc không đúng thuốc thì sẽ xử lý nghiêm khắc theo quy định.

Hàng trăm người dân đến Bệnh viện E Hà Nội gây áp lực đòi gặp Ban Giám đốc bệnh viện để yêu cầu giải thích rõ về nguyên nhân xảy ra cái chết của người thân họ là anh Nguyễn Đức Toàn trong quá trình gây mê hồi sức. Chỉ đến khi lực lượng CS113, Công an quận Cầu Giấy và Công an phường Nghĩa Tân có mặt tại hiện trường thì sự việc mới tạm lắng dịu.

Hiện tại, Ban Giám đốc Bệnh viện E đang phối hợp với các cơ quan hữu quan tiến hành điều tra, xác minh làm rõ nguyên nhân dẫn đến cái chết của nạn nhân.

Tử vong trong quá trình gây mê

Ngày 3/5, anh Nguyễn Đức Toàn (22 tuổi), ở xã Cao Viên, huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Tây, đến Bệnh viện E Hà Nội khám và kiểm tra sức khỏe do anh bị ra mồ hôi nhiều ở tay. Sau khi khám, các bác sĩ chuyên trách đã họp bàn và quyết định mổ để xử lý chứng bệnh cho anh Toàn.

Theo Giám đốc bệnh viện, trước khi thực hiện ca mổ, bệnh nhân đã ký cam kết về những sự cố có thể xảy ra trong quá trình mổ. Ngày 7/5, ca mổ cho bệnh nhân Toàn đã được tiến hành. Song chỉ 3 giờ đồng hồ sau, bệnh nhân Toàn đã chết.

Trong khi Ban Giám đốc Bệnh viện E đang yêu cầu các bác sĩ trong kíp mổ báo cáo tường trình sự việc thì ngay trong buổi chiều hôm ấy, người nhà của anh Toàn đã kéo tới Bệnh viện E rất đông. Họ yêu cầu được gặp Ban Giám đốc bệnh viện để làm rõ nguyên nhân cái chết của người thân họ.

Tường trình của bác sĩ trong kíp mổ.

Bác sĩ Nguyễn Trung Dũng, Trưởng khoa Phẫu thuật gây mê hồi sức cấp cứu, là người tham gia trong kíp mổ cho anh Toàn, tường trình: "Ngày 7/5, Khoa Phẫu thuật gây mê hồi sức cấp cứu có tiếp nhận bệnh nhân Nguyễn Đức Toàn, là bệnh nhân mổ được chẩn đoán ra mồ hôi tay và được chỉ định mổ đốt hạch giao cảm ngực.

Tôi phân công bác sĩ chuyên khoa Đoàn Ngọc Quyên gây mê hồi sức chính kíp mổ. Nhận thấy đây là ca mổ mà công tác gây mê hồi sức không đơn giản: Bệnh nhân có blốc nhĩ thất, mạch chậm, rối loạn thần kinh thực vật từ nhỏ nên tôi cùng tham gia vào kíp mổ với vai trò phụ giúp cho bác sĩ Quyên.

Vào lúc 9h, chúng tôi bắt đầu gây mê. Trong thời gian đặt ống nội phế quản vẫn đảm bảo đủ oxy, bác sĩ Quyên nói có thể mổ được. Lúc này, bác sĩ Thanh gọi tôi ra ngoài có việc riêng, bác sĩ Quyên ở lại chỉ huy cuộc gây mê. Khi tôi ra ngoài được khoảng 7-8 phút thì y tá gọi tôi vào.

Vào đến nơi, tôi phát hiện ra mạch của bệnh nhân không bắt được. Lập tức, chúng tôi hết sức nỗ lực hồi sức cho bệnh nhân. Bằng mọi biện pháp cấp cứu trong khoảng 3 giờ đồng hồ, nhưng tim bệnh nhân không đập lại được, và cuối cùng bệnh nhân tử vong".

Bác sĩ Nguyễn Trung Dũng thừa nhận là không lường hết được các diễn biến của sự việc nên không cứu được bệnh nhân…

Bệnh viện E phối hợp với các cơ quan chức năng làm rõ sự việc

Sáng 8/5, phóng viên Báo CAND đã làm việc với ông Đoàn Hữu Nghị - Giám đốc Bệnh viện E Hà Nội. Không né tránh sự việc, ông Nghị trả lời rất thẳng thắn những câu hỏi của phóng viên xoay quanh cái chết của anh Toàn. 

Để khẳng định sự nghiêm túc của Ban Giám đốc Bệnh viện E trong việc xử lý những người liên quan đến sự việc, ông Nghị khẳng định: "Sau khi xảy ra sự việc này, Ban Giám đốc đang rà soát lại quá trình tác nghiệp của hai bác sĩ Nguyễn Trung Dũng và Đoàn Ngọc Quyên trong kíp mổ cho anh Toàn.

Nếu phát hiện được họ dùng thuốc gây mê quá liều hoặc không đúng thuốc thì sẽ xử lý nghiêm khắc theo quy định. Tuy nhiên trước mắt, bệnh viện sẽ có trách nhiệm lo tang lễ cho nạn nhân và hỗ trợ cho gia đình nạn nhân về sự mất mát vô cùng đáng tiếc này".

Cũng trong sáng 8/5, khoảng 200 người dân đã tập trung tại Bệnh viện E Hà Nội gây áp lực đòi gặp Ban Giám đốc bệnh viện để yêu cầu giải thích rõ về nguyên nhân xảy ra cái chết của người thân họ (anh Nguyễn Đức Toàn) trong quá trình gây mê hồi sức.

Khi cán bộ của bệnh viện cho họ biết, Ban Giám đốc đang họp giao ban cùng gần 200 cán bộ, bác sĩ thì nhiều người trong số này đã xông vào phòng mổ và gây hư hại tài sản. Chỉ đến khi lực lượng CS113, Công an quận Cầu Giấy và Công an phường Nghĩa Tân có mặt tại hiện trường thì sự việc mới tạm lắng dịu.

Ngay buổi trưa 8/5, Ban Giám đốc Bệnh viện E cùng một số phòng, ban nghiệp vụ của bệnh viện đã gặp gỡ đại diện gia đình nạn nhân để giải thích về lý do xảy ra sự cố đáng tiếc này, đồng thời tìm hướng giải quyết sự việc. Trong buổi họp còn có đại diện Công an TP Hà Nội, Công an quận Cầu Giấy, Viện KSND quận Cầu Giấy.

Và một trong những phương án khả thi nhất đã được đưa ra là "để tránh những suy đoán lệnh lạc gây ảnh hướng xấu trong dư luận, đề nghị cơ quan chức năng tiến hành mổ tử thi để xác định rõ nguyên nhân cái chết của anh Toàn. Tuy nhiên để làm được điều này, các cơ quan hữu quan rất cần sự hợp tác của gia đình nạn nhân".

Hiện tại, sự việc vẫn đang được các cơ quan chức năng tiếp tục xác minh làm rõ. Tuy nhiên, theo chúng tôi, trước khi có kết luận chính thức của cơ quan chức năng về nguyên nhân dẫn đến cái chết của anh Toàn thì người nhà anh Toàn cần bình tĩnh hơn để nhìn nhận và đánh giá vấn đề, chứ không nên quá bức xúc dẫn tới những hành động nóng vội gây ảnh hưởng không tốt tới tình hình an ninh trật tự khu vực

Nguyễn Phương
.
.
.