Voi vẫn chết dù dự án Bảo tồn voi đã có

Chủ Nhật, 03/05/2015, 08:30
Như Báo CAND đã có bài phản ánh “Chi tiền tỷ để bảo tồn, voi vẫn chết”, đây là vấn đề đang được dư luận hết sức quan tâm. Báo CAND tiếp tục trở lại vấn đề này.

Đầu năm 2006, “Dự án bảo tồn voi Việt Nam giai đoạn 2010-2015” được Chính phủ phê duyệt triển khai tại 3 tỉnh Đồng Nai, Đắk Lắk và Nghệ An. Trong đó, tỉnh Đắk Lắk là địa phương đầu tiên thành lập Trung tâm bảo tồn voi. Từ năm 2011, Trung tâm bảo tồn voi Đắk Lắk đi vào hoạt động với nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe và sinh sản của đàn voi nhà, giám sát hành trình di chuyển của đàn voi rừng.

Đến năm 2013, UBND tỉnh Đắk Lắk phê duyệt “Dự án khẩn cấp bảo tồn voi tỉnh Đắk Lắk đến năm 2020” với tổng kinh phí gần 85 tỷ đồng (thay cho “Dự án Bảo tồn voi tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2010 – 2015” trước đó). Trong số gần 85 tỷ đồng thực hiện dự án, thì có tới 60% kinh phí từ Trung ương, số còn lại do ngân sách của tỉnh và tài trợ của các tổ chức nước ngoài. Tuy nhiên, trong những năm qua do nguồn kinh phí từ Trung ương chưa được cấp, trong khi đó, nguồn kinh phí của tỉnh chỉ cấp theo kiểu “nhỏ giọt” nên việc triển khai dự án diễn ra một cách ì ạch.

Ông Phạm Văn Láng, Phó giám đốc Trung tâm bảo tồn voi Đắk Lắk bộc bạch: “Chỉ vì thiếu kinh phí mà trong những năm qua, Trung tâm bảo tồn voi chỉ hoạt động trên danh nghĩa bởi trụ sở cơ quan phải đi mượn, đội ngũ nhân viên vừa thiếu lại vừa yếu, nhất là bác sỹ chuyên ngành về chăm sóc voi. Nhiều người trong cơ quan phải kiêm nhiệm nhiều việc khác nhau, kinh phí của tỉnh cấp hằng năm cũng chỉ đủ trả lương cho cán bộ, nhân viên mà thôi”.

Ông Láng cho biết thêm, ngoài việc thiếu kinh phí thì việc giao đất, giao rừng cho việc quy hoạch khu vực xây dựng Trung tâm bảo tồn voi cũng diễn ra khá chậm chạp bởi vướng mắc nhiều thủ tục. “Chỉ đến ngày 30/3 vừa qua, UBND tỉnh Đắk Lắk mới có quyết định giao 200ha đất rừng khộp tái sinh tại Tiểu khu 462, thuộc xã Krông Ana, huyện Buôn Đôn để xây dựng Trung tâm bảo tồn voi. Nếu có đủ kinh phí, trung tâm này cũng cần ít nhất 3 năm nữa mới xây dựng và hoàn thiện được các hạng mục như: bệnh viện voi, khu chăn thả hỗ trợ sinh sản phát triển quần thể voi nhà... Vì thế, hiện trung tâm vẫn chưa có các chuyên gia và máy móc để cứu chữa, điều trị cho những con voi bị ốm hay gặp nạn”.

Voi nhà bị đưa vào khai thác du lịch, chăm sóc không đúng yêu cầu dẫn đến bị kiệt sức.

Cũng chính từ việc triển khai dự án gặp nhiều vướng mắc, diễn ra một cách ì ạch nên từ năm 2007 đến đầu năm 2015 đã có 25 con voi nhà và 19 con voi rừng bị chết. Dù các cơ quan chức năng địa phương xác định voi nhà chết là do già yếu, nhưng các chuyên gia cho rằng một trong những nguyên nhân chính dẫn đến voi chết là do bị khai thác quá sức (voi phục vụ du lịch, sản xuất) và không được chăm sóc tốt (chế độ ăn uống, chăn thả…).

“Voi nhà Đắk Lắk vốn là voi rừng được săn bắt và thuần dưỡng, nên đời sống, tập quán sinh hoạt của chúng vẫn giữ nguyên những thói quen hoang dã. Nhu cầu về thức ăn trong ngày của một con voi nhà rất lớn (khoảng 3 tạ cỏ và hàng trăm lít nước). Voi còn có thói quen ăn và uống nước lai rai liên tục từ 70% - 80% thời gian trong ngày. Khi về buôn làng, voi phải phục vụ cho nhu cầu du lịch của con người, khẩu phần ăn lại thấp, mắc bệnh nhưng không được chữa trị kịp thời. Bởi thế, voi nhà cứ “chết dần, chết mòn” khi bị vắt kiệt sức. Còn việc chuyển đổi diện tích lớn đất rừng sang trồng cây công nghiệp cũng đã khiến môi trường sống của voi rừng bị thu hẹp (từ năm 2005-2012, diện tích rừng tự nhiên của 3 huyện có voi hoang dã sinh sống là Buôn Đôn, Ea Súp và Ea Hleo đã giảm gần 14.000ha), làm voi rừng thiếu thức ăn và chết”, ông Láng lý giải.

Phó Giáo sư - Tiến sỹ Bảo Huy, Trưởng nhóm lập dự án bảo tồn voi Đắk Lắk cho biết: “Sau nhiều năm nuôi nhốt, tập trung phục vụ du lịch, chế độ ăn uống thiếu chất dinh dưỡng, voi bị bệnh tật nhưng không được thả vào rừng để nó tự tìm cây thuốc, môi trường sống của voi bị giới hạn, rừng bị tàn phá, phải ăn những thức ăn mà voi không ưa thích, khiến sức đề kháng của voi giảm sút chính là nguyên nhân dẫn đến đàn voi nhà chết dần chết mòn trong thời gian gần đây”.

Theo dự án bảo tồn voi Đắk Lắk, chủ voi sẽ được trả tiền khi voi đẻ con. Nhưng gần 30 năm qua, khả năng sinh sản của voi nhà Đắk Lắk có tỷ lệ gần như bằng 0 vì môi trường cho việc gặp gỡ, giao phối của voi bị hạn chế bởi chủ voi thường quản lý voi độc lập, ít thả voi sống cùng nhau. Chính việc quản lý voi theo hộ cá thể và theo cách của các công ty du lịch đã gây trở ngại cho việc sinh sản của đàn voi nhà. Với “tốc độ” voi chết và khả năng sinh sản như vậy, nguy cơ đàn voi nhà Đắk Lắk sẽ bị xóa sổ và đàn voi rừng cũng chịu chung số phận nếu chính quyền địa phương cũng như các cơ quan chức năng không có biện pháp bảo tồn kịp thời.

Văn Thành
.
.
.