Khám phá ổ buôn bán khỉ lớn nhất từ trước đến nay

Thứ Năm, 09/03/2006, 08:30

Không phải chỉ đến khi bị kiểm tra thì việc nuôi nhốt và kinh doanh khỉ trái phép của Doanh nghiệp tư nhân - trại khỉ Long Khánh ở ấp Đức Ngãi 2, xã Đức Lập Thượng, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An, mới bị phát hiện. Trước đó rất lâu, trang trại nuôi khỉ Long Khánh của hai chị em bà Ngô Kim Tuyến và Ngô Thị Nguyên giữa vùng đất cằn cỗi này, với những hoạt động buôn bán động vật hoang dã mờ ám đã được nhiều người dân phản ánh đến các cơ quan chức năng.

Theo lời một số bà con địa phương, từ khoảng thời gian đầu trại khỉ Long Khánh được thành lập, vào tháng 3/2005 đến nay, cứ thỉnh thoảng lại có một số con khỉ từ trang trại này xổng chuồng chạy vào lưu trú trong nhà dân. Dù nếu quan sát từ bên ngoài, có thể thấy rằng trại khỉ này được tổ chức khá “kiên cố, an toàn”. Cả một khoảng sân rộng lớn, với 2 lớp tường rào lưới B40 bao bọc chắc chắn, thế mà không hiểu vì sao thỉnh thoảng khỉ lại có thể xổng chuồng, chạy vào nhà dân ở. Nhân viên quản lý trại phải đi lùng tìm, chuộc lại.

Trước khi Đội Kiểm lâm cơ động thuộc Chi cục Kiểm lâm Long An kiểm tra và phát hiện vụ việc, một chủ trại khỉ khác - là ông Huỳnh Hữu Dũng, chủ Doanh nghiệp tư nhân - trại khỉ Bình Long ở huyện Bình Long, tỉnh Bình Phước cũng đã gửi đơn đến các cơ quan chức năng tố cáo bà Ngô Kim Tuyến, chủ trại khỉ Long Khánh. Ông Dũng tố cáo bà Tuyến (tạm trú tại 130B/106 đường Phạm Văn Hai, phường 2, quận Tân Bình, TP HCM) đã làm giả giấy tờ của mình để nuôi nhốt một số lượng lớn khỉ - hơn 300 con - trái phép.

Nội dung đơn tố cáo của ông Dũng cho biết: bà Tuyến đã có lần đến cơ sở của ông với “mác” một khách hàng cần mua khỉ đuôi dài, lợi dụng sự sơ hở, mất cảnh giác lừa lấy của ông một bộ hồ sơ kinh doanh. Rồi trên cơ sở mẫu dấu của doanh nghiệp - trại khỉ Bình Long, không hiểu nhờ đâu và bằng cách nào mà bà Tuyến đã làm giả được "giấy khai sinh" cho những con khỉ nuôi lậu và làm giả được một số giấy tờ để làm hồ sơ đăng ký cho trại khỉ của mình: từ con dấu doanh nghiệp đến hợp đồng mua bán, phiếu thu tiền và cả hóa đơn giá trị gia tăng (GTGT). Dĩ nhiên, tất cả những giấy tờ này đều làm giả để nhằm hợp thức hóa nguồn gốc số khỉ được nuôi bất hợp pháp tại trang trại của bà.

Lật lại hồ sơ, thời gian đầu, mục đích kinh doanh của bà Tuyến - “một công dân vừa mới tham gia vào mô hình kinh tế trang trại” (chăn nuôi khỉ - NV), “một mô hình còn khá mới mẻ trên địa bàn tỉnh Long An” là “cũng muốn làm một điều gì đấy vừa ích nước vừa lợi nhà” (trích “Đơn khiếu nại” của bà Tuyến gửi các cơ quan chức năng trong tỉnh) - cũng có cơ sở để tin tưởng. Thế cho nên, ngày 4/5/2005, bà đã được Sở Kế hoạch - Đầu tư tỉnh Long An cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; ngành nghề: nhân giống, nuôi, phát triển và kinh doanh khỉ lông xám đuôi dài, khỉ vàng (macaca) và các loại khỉ khác. Tất nhiên, để phù hợp với những quy định của pháp luật, nội dung giấy chứng nhận trên cũng có quy định là các loại khỉ được nuôi, kinh doanh đó... “phải có nguồn gốc hợp pháp”.

Thế nhưng, ngày 15/4/2005, khi Đội Kiểm lâm cơ động Long An tiến hành kiểm tra trại khỉ Long Khánh thì mới phát hiện 309 con khỉ tại trang trại của bà Tuyến (được bà Tuyến cho biết là đã hợp đồng mua lại từ trại khỉ Bình Long ở tỉnh Bình Phước vào ngày 9/3/2005) lại không có sự xác nhận nguồn gốc hợp pháp của cơ quan chức năng tại địa phương được mua - trong trường hợp này là xác nhận của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Phước.

Song, hơn 3 tháng trôi qua, vụ việc vẫn cứ "giậm chân tại chỗ". Ngày 20/7/2005, bà Tuyến đã làm đơn gửi Chi cục Kiểm lâm tỉnh Long An xin công nhận nguồn gốc khỉ và cho phép doanh nghiệp của mình được tiếp tục nuôi và phát triển đàn khỉ hiện có. Lý do “xin cứu xét” bà nêu ra là: tuy doanh nghiệp của bà đã thiếu sót khi không có xác nhận nguồn gốc hợp pháp nhưng vì số khỉ này đã được chuyển tới doanh nghiệp nên trại khỉ của bà không thể xin xác nhận của ngành Kiểm lâm Bình Phước được (?!).

Nếu quả thật như vậy thì có một điều trái khoáy cần phải được nêu ra là: Tại sao một lượng hàng hóa lớn như thế, một số lượng động vật hoang dã lớn như thế - 309 con khỉ không rõ nguồn gốc, xuất xứ - lại được vận chuyển một cách êm xuôi, ngang nhiên từ Bình Phước (có đúng là từ Bình Phước?) về, mà lại không gặp phải bất cứ một sự kiểm tra, kiểm soát nào? Còn nếu không phải từ Bình Phước thì lô hàng này thực chất được “nhập lậu” từ đâu?

Lại nữa, sau khi Đội Kiểm lâm cơ động phát hiện ra vụ việc, nếu doanh nghiệp kinh doanh không có hóa đơn chứng từ, không được chứng thực, xác nhận nguồn gốc thì lẽ ra sự vụ phải được thông báo cho các cơ quan có trách nhiệm khác để phối hợp xử lý, như Cơ quan điều tra (CQĐT) - Công an Long An chẳng hạn. Đằng này, vô lý hơn, không rõ vì đâu mà Doanh nghiệp tư nhân Long Khánh chẳng những không bị xử lý mà lại còn được Chi cục Kiểm lâm Long An ký giấy chứng nhận điều kiện hành nghề gây, nuôi động vật hoang dã, quý hiếm. Theo tìm hiểu của chúng tôi, giấy chứng nhận này do ông Nguyễn Quốc Sắt, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Long An ký, không đề ngày tháng năm ký nhưng lại có giá trị đến ngày... 31/8/2006 (?!).

Trước những bức xúc của dư luận, CQĐT Công an tỉnh Long An đã vào cuộc. Ngày 2/12/2005, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã ra thông báo xác định con dấu và chữ ký trong hợp đồng mua bán, phiếu thu tiền và hóa đơn GTGT của Doanh nghiệp Long Khánh trong việc mua 309 con khỉ đuôi dài vào ngày 9/3/2005 là không phải của trại khỉ Bình Long (Bình Phước). Nghĩa là tất cả hồ sơ, chứng từ mà trại khỉ Long Khánh lập ra trong việc mua bán trên chỉ là hồ sơ, giấy tờ giả mạo. Theo đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Long An đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bà Ngô Kim Tuyến, cho tại ngoại, cấm đi khỏi nơi cư trú và tiến hành kê biên, niêm phong toàn bộ số khỉ ở trại Long Khánh vì có dấu hiệu buôn bán động vật hoang dã không rõ nguồn gốc, theo điều 190 Bộ luật Hình sự - “tội vi phạm, các quy định về bảo vệ động vật hoang dã, quý hiếm”. (Trước đó, ngày 13/10/2005, Cục trưởng Cục Kiểm lâm Việt Nam, ông Hà Công Tuấn, đã có công văn đề nghị UBND tỉnh Long An chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng của tỉnh Long An xem xét, điều tra sự vụ).

Về mặt nghiệp vụ, trong quá trình điều tra, khởi tố vụ án, CQĐT - ở đây là Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về quản lý kinh tế và chức vụ Công an Long An - đã báo cáo sự việc lên Cơ quan Quản lý động vật hoang dã của Việt Nam (CITES) để tham khảo hướng xử lý số khỉ “tang vật” trên. Ngày 27/10/2005, cơ quan này đã có ý kiến phúc đáp. Theo đó, số khỉ đuôi dài trên (Macaca Fascicularis - loại khỉ thuộc nhóm 2B, thuộc loài động vật hoang dã quý hiếm, hạn chế khai thác sử dụng - NV) không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc là số khỉ buôn bán bất hợp pháp, nên không cần thiết phải giám định là động vật hoang dã. Vì vậy, Cơ quan Cảnh sát điều tra có hai hướng để xử lý số tang vật này: Một là, thả lại vào rừng trong trường hợp xác định được nguồn gốc, xuất xứ của khỉ. Nhưng, việc thả đó phải đảm bảo đủ điều kiện về an toàn dịch bệnh và khả năng bảo tồn sau khi thả. Hai là, CQĐT có thể phát mãi và bán cho các tổ chức được phép gây nuôi theo quy định hiện hành của Nhà nước.

Ngày 17/1/2006, CQĐT đã triệu tập đương sự Ngô Kim Tuyến đến chứng kiến việc bán số khỉ  nói trên. Số tiền thu được là 149 triệu đồng, tạm thời được  chuyển vào tài khoản tạm giữ để chờ xử lý.

Hiện hồ sơ khởi tố vụ án đã được Cơ quan Công an Long An chuyển sang Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, đề nghị truy tố bị can Ngô Kim Tuyến để xử lý theo pháp luật

Tăng Bá Sơn
.
.
.