Huy động lực lượng dự bị động viên cho phòng, chống thảm họa
Đa số ý kiến các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với tờ trình của Chính phủ bổ sung thêm nhiệm vụ cho lực lượng dự bị động viên tham gia phòng, chống, khắc phục hậu quả thảm họa do thiên nhiên hoặc con người gây ra, dịch bệnh nguy hiểm.
Theo TTXVN - Tờ trình của Chính phủ về dự án Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh về lực lượng dự bị động viên trong buổi họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 28/9 đã bổ sung vào Điều 1: Nhà nước xây dựng lực lượng dự bị động viên… tham gia phòng, chống, khắc phục thảm họa do thiên tai hoặc con người gây ra, dịch bệnh nguy hiểm.
Thực tế một số địa phương đã huy động lực lượng dự bị động viên (quân nhân dự bị và phương tiện kỹ thuật) đi phòng, chống bão, lũ, cháy rừng. Lực lượng này đã góp phần đáng kể trong việc giảm thiểu thiệt hại do thiên nhiên gây ra; hoặc việc tổ chức diễn tập tình huống huy động bệnh viện dã chiến (là đơn vị dự bị động viên) để phòng, chống, khắc phục hậu quả dịch H5N1 của UBND TP Hà Nội đạt kết quả tốt.
Ý kiến của các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, trong thời bình, nhiệm vụ phòng, chống thảm họa do thiên nhiên hoặc con người gây ra, phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm, khắc phục hậu quả thảm họa, bảo vệ tính mạng, tài sản nhân dân, công trình quốc phòng, tài sản XHCN là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân. Lực lượng dự bị động viên là một thành phần của Quân đội nhân dân Việt Nam được tổ chức chặt chẽ, có kỷ luật, có năng lực hoàn thành mọi nhiệm vụ, là lực lượng tại chỗ, nếu xảy ra các tình huống về thảm họa thì việc huy động để xử lý có nhiều thuận lợi.
Đa số ý kiến nhất trí với tờ trình của Chính phủ bổ sung thêm nhiệm vụ cho lực lượng dự bị động viên tham gia phòng, chống, khắc phục hậu quả thảm họa do thiên nhiên hoặc con người gây ra, dịch bệnh nguy hiểm. Tuy nhiên, có ý kiến không đồng ý bổ sung thêm nhiệm vụ này và cho rằng, mục đích của Pháp lệnh là bảo đảm sức mạnh của Quân đội, đáp ứng yêu cầu bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN. Vì vậy, toàn bộ nội dung của Pháp lệnh phải phục vụ cho mục đích đó.
Pháp lệnh về lực lượng dự bị động viên đã ban hành từ 10 năm nay nên không đáp ứng được yêu cầu thực tế cuộc sống, do vậy việc sửa đổi, bổ sung lần này gồm phần mở đầu và 12 điều về nội dung (Điều 1, 5, 10, 12, 15, 16, 18, 19, 25, 26, 27, 29) nhằm đáp ứng kịp thời với tình hình mới. Pháp lệnh giữ nguyên 7 chương với 37 điều như hiện hành