Nhà cổ, di tích ở Hội An bị mối mọt xâm hại nghiêm trọng
Được biết, TP Hội An có hơn 1.430 di tích, riêng khu phố cổ hơn 1.100 di tích có kiến trúc vật liệu từ gỗ. Theo TTQLBT Di sản Văn hóa Hội An, từ năm 2010, đã có dự án chống mối mọt toàn bộ phố cổ. Dự án được thực hiện trong vòng 2 năm và đã làm cho hơn 1.000 di tích trong khu phố cổ. Sau 5 năm triển khai và hết bảo hành thì hiện tượng mối mọt lại tái xuất hiện.
Từ năm 2018, thông qua kinh phí của thành phố, TTQLBT Di sản Văn hóa Hội An đã mời đơn vị tư vấn vào khảo sát. Thời gian gần đây tình trạng mối mọt đã trở nên nghiêm trọng hơn, ảnh hưởng lớn đến các công trình kiến trúc, nhà cổ hàng trăm năm.
Di tích lịch sử Chùa Ông nhiều hạng mục làm bằng gỗ bị mối mọt ăn hại nghiêm trọng. |
Qua ghi nhận thực tế, ngôi nhà cổ, di tích loại 1 ở số 41 Nguyễn Thái Học (TP Hội An, tỉnh Quảng Nam) hiện là một trong những điểm đáng báo động về tình trạng mối, mọt “đục rỗng”, xâm hại từ bên trong. Cán bộ của TTQLBT là ông Trần Trung Hưng thông tin: "Tổng thể vật liệu gỗ tạo nên kiến trúc ngôi nhà cổ này đã có tuổi thọ trên 150 năm, là một công trình có giá trị rất lớn và được bảo tồn. Nhưng hiện tại, gian chính, cột, trụ của căn nhà này đều bị mối đục, ăn mòn từ chân đế lên dần đến các điểm nối giữa xà và cột gỗ… Nếu không kịp thời xử lý thì trong thời gian tới sẽ sụp đổ cục bộ 1 phần khu vực mối mọt và sẽ lây lan sang các chỗ khác và nó sẽ phá vỡ kiến trúc, kết cấu gỗ.
Phun thuốc diệt mối mọt xâm hại di tích ở khu phố cổ Hội An. |
Nguyên nhân xảy ra tình trạng xuống cấp, hư hỏng và đặt biệt là mối mọt xâm hại căn nhà cổ 41 Nguyễn Thái Học đã được xác định là do hầu hết đều làm từ vật liệu gỗ, có niên đại hàng trăm năm. Hiện tượng biến đổi khí hậu, với đặc thù địa hình của phố cổ Hội An nằm hạ lưu sông Thu Bồn, đặc biệt hàng năm lũ lụt dâng lên, khi nước dâng thì mối mọt nó sẽ leo lên, xâm hại đến các phần gỗ trong di tích.
Thêm vào đó, trong suốt một năm vừa qua, nhà cổ này hầu như phải đóng cửa vì ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19, vắng bóng du khách, không có người ở thì độ ẩm gia tăng cực kỳ lớn.
Tương tự, di tích lịch sử Chùa Ông nhiều hạng mục làm bằng gỗ cũng bị mối mọt ăn hại nghiêm trọng. Ông Lê Huyễn - Thủ từ Chùa Ông lo lắng: "Mối mọt nằm dưới lòng đất, xâm nhập vào các cột và kèo rồi đục sâu vào bên trong nên rất khó phát hiện. Vừa qua TTQLBT Di sản Văn hóa Hội An cũng đã cử đoàn tới để diệt mối. Đoàn chức năng đã dùng một hộp giấy đặt vào chỗ có mối, nhử mối và sau đó dỡ hộp ra thấy có mối tới nhiều mới phun thuốc vào để mối ăn. Sau đó con mối tiếp tục mang xuống dưới lòng đất để mối Chúa ăn. Khi mối Chúa chết mới diệt triệt để được mối…
Nhưng Chùa Ông, nhà cổ 41 Nguyễn Thái Học… chỉ là 2 trong số nhiều di tích ở phố cổ Hội An bị mối mọt xâm hại. Theo khảo sát của TTQLBT Di sản Văn hóa Hội An và Viện Sinh thái và Bảo vệ công trình của Bộ NN&PTNT, trong số 800 di tích ở phố cổ Hội An, có 265 di tích bị mối mọt gây hại ở mức độ rất nặng. Đa số di tích ở Hội An đều là của tư nhân, trong lúc thiết bị cũng như năng lực xử lý mối mọt thì người dân không có và còn thiếu.
Được biết, Trung tâm chống mối cho một số di tích được TTQLBT quản lý, nhưng với việc quá nhiều người dân gửi đơn yêu cầu hỗ trợ chống mối, bảo tồn nhà cổ. Mà với điều kiện Trung tâm như hiện nay không thể xử lý, làm hết cho người dân được. TTQLBT chỉ còn cách tư vấn, giới thiệu cho dân những đơn vị chống mối, tạm thời diệt mối trước.
Tuy nhiên, việc chống mối mọt không phải cứ làm xong là…xong, mỗi lần chống mối kinh phí không phải nhỏ, làm mỗi nhà lớn cũng phải mất vài chục triệu đồng. Và không thể chống mối theo kiểu “chữa cháy” bằng những bình xịt côn trùng như người dân hiện nay đang tự xử lý mà phải xác định đây là công tác duy tu bảo dưỡng, phát hiện và tiêu diệt. Nếu dự án “Xử lý côn trùng gây hại gỗ khu phố cổ Hội An” được triển khai, mục tiêu của dự án là xử lý triệt để toàn bộ các tổ mối đang gây hại gỗ di tích; ngăn chặn sự tái nhiễm trở lại công trình cũng như lây lan sang các di tích khác trong khu phố cổ, sẽ góp phần bảo vệ, bảo tồn được nhà cổ, “phần hồn” của di sản văn hóa Hội An.