Hiểm họa từ... lang “băm”

Thứ Hai, 02/04/2012, 09:19
Do hay bị tưa lưỡi nên mẹ cháu Phạm Quang Phát, 13 tháng tuổi đã nhiều lần ra chợ Khánh Nhạc mua thuốc cam của bà lang vườn về bôi cho con. Cách đây một tháng, tự dưng gia đình phát hiện cháu có biểu hiện mệt mỏi, nôn nhiều nên đưa đi khám.

130 trường hợp chủ yếu là trẻ em phải vào cấp cứu và điều trị tại Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai từ tháng 11/2011 đến nay vì nhiễm độc chì do uống thuốc cam, trong đó có những ca hết sức nguy kịch đang là vấn đề đáng báo động. Ngộ độc thuốc cam rộ lên từ khi có dịch tay-chân-miệng và bùng phát từ đầu tháng 3 đến nay. Thuốc cam mà các bệnh nhân mua của “lang vườn” đều là thuốc nhập lậu trôi nổi, không rõ nguồn gốc. Khi sử dụng, trẻ nhỏ đã bị nhiễm độc chì trong thuốc cam khiến hàm lượng chì trong máu và nước tiểu cao gấp 5 đến 20 lần cho phép.

Suýt chết vì thuốc cam của… lang “băm”

Ẵm đứa con nhỏ khóc nằng nặc trên tay tại phòng hồi sức tích cực, Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, chị Phương ở thôn Đông Thịnh, xã Tam Thịnh, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang ruột đau như xát muối bởi lo lắng cho sức khỏe của con. Con chị, cháu Vũ Nhật Đức mới 8 tháng tuổi mà đã bị nhiễm độc chì do sử dụng thuốc cam.

Theo lời kể của chị Phương thì khi được 20 ngày tuổi, cháu Đức bị tưa lưỡi. Chị đã đến nhà bà lang Tiến ở gần nhà để mua thuốc cam về bôi cho con. Cả làng chị, trẻ con hễ bị tưa lưỡi, lở loét hay còi xương đều đến bà lang Tiến mua thuốc cam về uống. Bỗng một ngày trong làng có một cháu bé bị co giật và phải chuyển lên bệnh viện ở Hà Nội, bác sĩ kết luận cháu bị nhiễm độc chì do uống thuốc cam thì chị và người dân trong làng đều hoảng hốt. Mọi người ùn ùn đưa con lên Hà Nội khám. Khi ấy cháu Đức mới 5 tháng tuổi, qua xét nghiệm cháu đã bị nhiễm độc chì ở thể nhẹ. Uống thuốc một thời gian mà men gan của cháu vẫn cao, chị lại phải đưa con vào điều trị.

Nằm chung giường với cháu Đức là bệnh nhi Phạm Quang Phát, 13 tháng tuổi, ở huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình. Do hay bị tưa lưỡi nên mẹ cháu đã nhiều lần ra chợ Khánh Nhạc mua thuốc cam của bà lang vườn về bôi cho con. Cách đây một tháng, tự dưng gia đình phát hiện cháu có biểu hiện mệt mỏi, nôn nhiều nên đưa đi khám. Tuy nhiên các bác sĩ không chẩn đoán được bệnh của cháu nên gia đình đã đi lòng vòng rất nhiều bệnh viện, khiến bệnh của cháu chuyển nặng, lên cơn co giật. Cuối cùng, đến Bệnh viện Nhi TW mới tìm ra bệnh và cháu được chuyển đến Trung tâm Chống độc để điều trị.

“Cả nhà đều lo sợ, hoảng hốt khi xét nghiệm máu cháu đã nhiễm chì tới 70%. Các bác sĩ đã điều trị rất tích cực cho cháu, đến giờ sức khỏe tốt lên rất nhiều rồi” - bà ngoại của cháu Phát cho biết.

Nằm cạnh giường bệnh cháu Phạm Quang Phát là cháu Nguyễn Hữu Đoàn, 16 tháng tuổi, trú tại xã Tam Dị, huyện Lục Nam, Bắc Giang. Cháu Đoàn nhập viện trong tình trạng nôn liên tục sau khi ăn. Qua kiểm tra máu và nước tiểu, các bác sỹ đã phát hiện cháu Đoàn bị nhiễm chì lên đến 57%.

Chị Hồng, mẹ cháu Đoàn xót xa cho biết: Cách đây hơn 1 tháng, thấy lưỡi cháu có những vệt trắng như sữa, cháu lại kém ăn nên bà nội đã ra chợ mua của bà lang Tiến mấy gói thuốc màu cam, màu đen, màu trắng vừa để bôi vào lưỡi vừa để pha nước uống hàng ngày. Bà lang Tiến vốn là người đã hành nghề bốc thuốc tại làng mấy chục năm nay nên gia đình chị Hồng rất tin mấy gói thuốc kia sẽ giúp cháu Đoàn hay ăn, chóng lớn. Ai ngờ đâu, chỉ chưa đầy 1 tháng, cháu đã có những biểu hiện lạ như nôn liên tục, người xanh xao…

“Trong làng cũng đã nhiều người bị như thế này nên họ mách gia đình em đưa ngay cháu về Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai để chạy chữa”, chị Hồng cho hay. Khi hỏi về nguồn gốc loại thuốc kia, chị Hồng nhớ lại: Bà lang Tiến chỉ nói là mua của nước ngoài nên cũng không biết độc hại như thế nào.

Cháu Phạm Quang Phát đang được điều trị tại Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh chụp ngày 30/3.

Thận trọng khi dùng thuốc, xử lý nghiêm vi phạm

Tiến sĩ Nguyễn Kim Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, ngộ độc thuốc cam rộ lên khi có dịch chân-tay-miệng, một số phụ huynh đã mua thuốc cam về bôi cho con. Bệnh nhân vào cấp cứu chủ yếu là trẻ nhỏ, từ vài tháng đến vài tuổi, có bệnh nhi do còi xương, lười ăn hoặc bị tưa lưỡi, sài đẹn, lở loét, mụn nhọt… bố mẹ cũng mua thuốc cam cho uống và bị ngộ độc.

Thuốc cam mà các bệnh nhi sử dụng mua của bà lang vườn, bán thúng, mẹt ở quê đều là thuốc nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Qua phân tích mẫu máu và nước tiểu tại Viện Hoá học Việt Nam đã cho thấy hàm lượng chì trong máu của các bệnh nhân sử dụng thuốc cam trôi nổi cao gấp nhiều lần cho phép. Bệnh nhân nhẹ nhập viện trong tình trạng rối loạn tiêu hoá, thiếu máu, nặng thì bị co giật, hôn mê, lú lẫn. Sử dụng các loại thuốc cam gây nhiễm độc chì lâu dài sẽ ảnh hưởng đến trí lực và làm giảm chỉ số IQ của trẻ. Trung tâm chống độc đã từng điều trị cho bệnh nhân 10 tuổi bị nhiễm độc chì do dùng thuốc cam trong tình trạng ngây ngô chỉ mới biết nói chữ o, chữ a, tắt, bật tivi…

Tiến sỹ Nguyễn Kim Sơn khuyến cáo, khi thấy con mình bị sài đẹn, mụn nhọt, bệnh chân-tay-miệng… các bà mẹ không được tự ý mua thuốc trôi nổi trên thị trường mà phải đưa trẻ đế các cơ sở y tế để điều trị. UBND và  Sở Y tế các địa phương cần tăng cường kiểm tra hoạt động của các lang “băm”, lang “vườn” treo biển “bốc thuốc gia truyền”.

Cũng theo Tiến sỹ Nguyễn Kim Sơn, nên có biện pháp xử lý hình sự đối với các đối tượng buôn bán các loại thuốc cam trôi nổi, không rõ nguồn gốc xuất xứ, bởi lẽ hậu quả từ việc sử dụng các loại thuốc này đã rõ và khá nặng nề. Có như vậy mới đủ sức răn đe.

Theo TS Nguyễn Kim Sơn thì đến nay đã có 29 huyện của 15 tỉnh thành phía Bắc có bệnh nhân uống thuốc cam và bị ngộ độc. 130 bệnh nhân (từ 2 tháng tuổi đến 76 tuổi) vào cấp cứu tại Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai mới chỉ là con số thông kê chưa đầy đủ bởi còn nhiều ca bệnh chưa được phát hiện hoặc chữa ở tuyến dưới. Hiện tại chưa thống kê được ca bệnh ở các tỉnh miền Trung và phía Nam. Trung tâm Chống độc đã báo cáo tình hình ngộ độc thuốc cam lên Bộ Y tế và Bộ đã cử một số đoàn xuống các địa phương kiểm tra.

Trần Hằng - Nguyễn Hương
.
.
.