Hiểm họa khôn lường từ những cây cầu tạm

Thứ Ba, 11/06/2013, 23:10
Chỉ làm bằng những cây luồng, người dân 3 xã Hà Trung, Ái Thượng và Lương Ngoại của huyện Bá Thước (tỉnh Thanh Hóa) đã tự “sáng chế” cho mình cây cầu để đi lại. Tuy nhiên, điều đáng nói cây cầu chính là mối hiểm họa tiềm ẩn khi mà nó đã mục nát, không có lan can bảo vệ trong khi hàng ngày nó phải “cõng” hàng trăm lượt người qua lại chủ yếu là các em học sinh.

Trong một lần lên huyện Bá Thước của tỉnh Thanh Hóa công tác, tôi được chứng kiến một cây cầu bằng tre đã mục nát  bắc qua con sông Mã hùng vĩ. Theo như quan sát, cây cầu này có chiều dài gần 200m và hàng ngày nó phải gồng mình đưa hàng trăm lượt người qua sông mà chủ yếu là các em học sinh của 3 xã Hà Trung, Ái Thượng và Lương Ngoại của huyện Bá Thước.

Anh Phông một người dân xã Ái Thượng cho biết: “Cây cầu này được làm cách đây gần chục năm rồi, vì tiện ra quốc lộ nên hầu hết bà con và các cháu học sinh đều đi qua con cầu này, nếu đi dọc theo dòng sông Mã để ra được quốc lộ thì rất xa mà đường lại khó đi”.

Theo như quan sát, để làm được cây cầu, người dân lấy nhiều đoạn luồng ghép thành các mảng nối tiếp với nhau, mỗi mảng luồng ghép đó ước chừng dài khoảng 30m. Trong khi đó, phần chịu lực của cây cầu chính là các thanh ngang, thanh dầm đều được làm bằng luồng, qua nắng mưa hiện nay nó đã bị mục nát rất nhiều.

Một cây cầu tạm khá chênh vênh.

Điều đặc biệt nguy hiểm chính là các thanh dầm ngang này được đặt trên các thùng phuy thả nổi trên mặt nước, mà mỗi lần đi lại trên cầu, các thùng phi sẽ tạo ra độ bấp bênh làm mất an toàn cho người qua lại.

“Ngày nào tôi cũng đi lại hai lần trên cây cầu này, mỗi lần đi qua cây cầu rung lên bần bật, vì các thanh dầm ngang không được buộc ở một nơi cố định, mà chúng được cố định trên các thùng phuy kia, sợ nhất là những hôm nước lớn, cây cầu càng lắc lư hơn”, anh Bùi Văn Lạc cho chúng tôi biết.

Đặc biệt khi vào mùa lũ, cây cầu có thể bị ngập trong dòng nước nhưng nhiều người vẫn bất chấp tính mạng của mình chỉ để qua cầu. Qua tìm hiểu, hiện nay hầu hết các cây cầu tạm đều không có các lan can, tay vịn, chỉ cần  sơ suất nhỏ thôi thì hậu quả sẽ rất khôn lường.

Đã có rất nhiều vụ việc đau lòng dẫn đến những cái chết oan uổng khi đi trên những cây cầu tạm như thế này, đơn cử là cái chết của cháu Lâm Thị Mỹ Hằng ở Sóc Trăng bị rơi xuống nước, do cha em bị lạc tay lái khi đi trên cây cầu tạm đúng vào dịp Tết năm ngoái. Đấy chỉ là một trong những ví dụ về mối hiểm nguy luôn rình rập, khi đi trên những cây cầu tạm được bắc qua những dòng sông, hoặc những con suối.

Ông Trương Ngọc Khuyến, Chủ tịch UBND xã Ái Thượng cho chúng tôi biết: “Dạo trước có nhiều cháu học sinh đi trên cầu nhưng vì tranh nhau đi trước có cháu bị ngã xuống sông, may mà có người dân đi qua nhìn thấy nên nhảy xuống cứu vớt, chứ không thì không ai dám nghĩ hậu quả sẽ ra sao”.

Chúng tôi có mang thắc mắc hỏi ông là tại sao biết rõ nguy hiểm như thế nhưng vẫn cho người dân đi, xã có đề xuất cấp trên là cho xây dựng một cây cầu để giúp người dân đi lại an toàn, thì ông Khuyến cho biết thêm: “Xã Ái Thượng cũng đã làm tờ trình lên cấp trên để xin một cây cầu mới và cũng đang đợi ý kiến của cấp trên. Bên cạnh đó xã vẫn thường xuyên tuyên truyền nâng cao ý thức cho người dân, khi đi lại trên cây cầu này phải đảm bảo an toàn và chúng tôi cương quyết sẽ không cho bất kì người và phương tiện nào qua sông trên những cây cầu tạm khi mùa lũ về”

Ngọc Linh – Hà Sơn
.
.
.