Dễ cháy như ... tập thể cũ!?

Thứ Hai, 12/10/2015, 16:26
Trên địa bàn TP Hải Phòng hiện có nhiều khu nhà tập thể được xây dựng cách đây hàng chục năm, hiện đã xuống cấp. Các khu nhà tập thể này là nơi sinh hoạt của nhiều gia đình.


Tại các khu nhà này, hệ thống đường điện chạy trần thay vì chạy âm trong tường như các khu nhà mới xây. Hệ thống dây điện cũ, lớp nhựa vỏ bị hao mòn theo thời gian dễ gây ra hiện tượng chập điện, phát sinh nguồn lửa. Trong khi đó, số người sinh sống trong các căn hộ tập thể đông, số lượng thiết bị điện tăng theo, khiến hệ thống điện thường xuyên quá tải. Do không gian chật hẹp, cơ sở hạ tầng không đồng bộ, khu tập thể trở thành nơi tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao.

Hơn 50 khu tập thể cũ hiện có người sinh sống ở Hải Phòng, hầu hết các căn hộ tập thể rất chật hẹp, diện tích khoảng hơn 20m². Đây lại là nơi sinh hoạt chung của cả gia đình gồm từ 3-4 người. Trong đó, tại các khu tập thể như: Quán Toan (quận Hồng Bàng); Lâm Tường, Xi Măng, An Dương (quận Lê Chân); Cầu Tre, Vạn Mỹ, Đồng Quốc Bình, Đồng Tâm (quận Ngô Quyền) có tới 4 thế hệ cùng chung sống trong một khu nhà tập thể. Do không gian sống chật hẹp nên các gia đình đã tìm mọi cách cơi nới, mở rộng diện tích theo hướng "đua ra ngoài". 

Theo đó, những lồng sắt được hàn gắn theo kiểu "chuồng cọp" được hình thành và trở thành một xu thế tất yếu của các khu tập thể cũ. 

Thông thường, “chuồng cọp” thường được dùng để đặt ban thờ, kho chứa đồ. Sau khi được che chắn kín bằng các tấm tôn hoặc chằng buộc tạm bợ bằng vách các-tông, miếng xốp, “chuồng cọp” trở thành nơi chứa đồ. Phía bên trên, nhiều gia đình làm nơi đặt ban thờ, bên dưới là nơi để các vật dụng thừa trong sinh hoạt như: thùng các tông, chai lọ, đệm mút, quần áo cũ, xốp ốp trần...

Theo Thiếu tá Vũ Bá Chuẩn, Phó trưởng Phòng Hướng dẫn về PCCC, Cảnh sát PCCC Hải Phòng, đây là những chất dễ bắt lửa, dễ cháy. Nếu có một vài tàn lửa rơi vào khu vực này rất gây ra cháy. Do gia đình nào cũng có thói quen lưu trữ đồ đạc như vậy nên sẽ làm tăng nguy cơ, tốc độ cháy lan. Điều này gây nhiều khó khăn cho lực lượng chức năng trong việc dập lửa khi xảy ra cháy. Ngoài ra, nằm xen kẽ giữa các khu dân cư còn có các cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng các nguyên vật liệu dễ cháy như: sơn, nhựa, xăng dầu, xốp… làm tăng nguy cơ cháy nổ trong khu tập thể cũ.

Qua khảo sát, hầu hết các khu tập thể được các doanh nghiệp xây dựng làm nơi ở cho cán bộ, công nhân viên. Sau khi các đơn vị này giải thể, công tác quản lý các khu nhà tập thể được thành phố giao về cho Công ty quản lý nhà Hải Phòng. Hầu hết những chủ sở hữu đầu tiên của các căn hộ trên khu tập thể đã chuyển đi. Căn hộ được chuyển nhượng nhiều lần. Việc buông lỏng quản lý khiến công tác giám sát hoạt động của khu tập thể trong đó có việc thực hiện các quy định pháp luật về PCCC bị hạn chế. 

Để giảm nguy cơ cháy nổ ở các khu nhà tập thể cũ, thành phố cần sớm có chủ trương yêu cầu các đơn vị quản lý nhà tập thể cũng như chính quyền địa phương phối hợp tu sửa tổng thể các khu nhà tập thể, bảo đảm những yêu cầu tối thiểu về an toàn PCCC như hệ thống dây điện, lối thoát hiểm... 

Các ban, ngành, chính quyền địa phương thường xuyên tổ chức tuyên truyền sâu rộng để người dân hiểu rõ việc PCCC là trách nhiệm của mỗi cơ quan, tổ chức, gia đình và cá nhân. Từ đó, có nhận thức đúng, đầy đủ và thái độ chủ động hơn trong công tác PCCC ngay tại nơi mình sinh sống. Đặc biệt, chính quyền các cấp cần triển khai nghiêm túc, đồng bộ các giải pháp an toàn PCCC theo tiêu chí xây dựng mô hình khu chung cư, nhà tập thể, tổ dân phố an toàn PCCC do UBND thành phố ban hành.

Khu nhà tập thể cũ tiềm ẩn cháy nổ.

Phòng Hướng dẫn về PCCC, Cảnh sát PCCC Hải Phòng khuyến cáo:

Các gia đình nên cẩn thận trong việc sử dụng lửa, thiết bị điện và các thiết bị sinh nhiệt khác, thực hiện các điều kiện an toàn PCCC, không sử dụng thiết bị điện không bảo đảm an toàn PCCC. Trước khi ra khỏi nhà, trước khi đi ngủ cần kiểm tra nơi đun nấu, nơi thời cúng, tắt các thiết bị điện không cần thiết. Người dân nên lưu ý khi cơi nới nhà, không hàn kín “chuồng cọp”, tránh việc bịt lối thoát hiểm. Mỗi “chuồng cọp” nên có một cửa ra. Không nên lưu trữ những vật dụng dễ bắt lửa gần các nguồn phát sinh nhiệt do khu cơi nới nằm ngoài trời, ảnh hưởng bởi gió, gây cháy lan nhanh.


Đăng Hùng
.
.
.