Hệ thống thủy nông Bắc Hưng Hải: Nguy cơ bị hủy hoại

Chủ Nhật, 17/06/2007, 17:38
Lợi ích của hệ thống thủy nông Bắc Hưng Hải có thể còn nguyên giá trị mãi mãi về sau. Thế nhưng, hiện nay trên toàn hệ thống đang có nguy cơ xuống cấp, bị xâm hại nghiêm trọng, không bảo đảm an toàn khi có bão và mưa lớn...

Cách đây gần 50 năm, hệ thống thủy nông Bắc Hưng Hải được coi là đại công trình phục vụ phát triển nông nghiệp các tỉnh Hưng Yên, Hải Dương và một phần thành phố Hải Phòng.

Từ cống đầu nguồn Xuân Quang (Hưng Yên) hệ thống thủy nông này lấy nước sông Hồng cấp nguồn tưới chủ yếu cho các địa phương có hệ thống thuỷ nông đi qua. Khi có mưa úng, các trạm bơm tiêu của hệ thống chảy qua cống Cầu Xe (Hải Dương) ra sông Thái Bình.

Lợi ích của hệ thống thủy nông Bắc Hưng Hải có thể còn nguyên giá trị mãi mãi về sau. Thế nhưng, hiện nay trên toàn hệ thống đang có nguy cơ xuống cấp, bị xâm hại nghiêm trọng, không bảo đảm an toàn khi có bão và mưa lớn...

Làm việc với Công ty Khai thác công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải, được biết ngoài hệ thống sông Hồng và sông Thái Bình, các nhánh sông Kim Sơn, Cửu An, Kẻ Sặt, Đĩnh Đào, Tràng Kỹ, Lộng Khê... là những trục chính phục vụ tưới, tiêu của công trình thuỷ lợi Bắc Hưng Hải. Với chiều dài hơn 150km đang bị xuống cấp, xâm hại nghiêm trọng.

Theo thống kê của các huyện trong tỉnh Hải Dương đã có tới 725 ao cá đào xâm lấn vào hành lang bảo vệ bờ kênh; 34 đoạn (dài 10.965m) kênh xuống cấp và 34 cống bị sử dụng làm nhà, lập bến bãi khai thác cát trái phép. Tính toàn hệ thống các đoạn kênh được coi là xung yếu hàng năm tăng từ 1500-1700m.

Chỉ tính riêng địa bàn Hải Dương, huyện Gia Lộc có 11 đoạn (4.955m bị xâm hại); huyện Tứ Kỳ có 12 đoạn (3.140m); Thanh Miện có 4 đoạn (2.050m); thành phố Hải Dương có 4 đoạn (2.100m); Bình Giang có 1 đoạn (200m) được coi là bờ kênh Bắc Hưng Hải xung yếu.

Chưa kể vô số những ao cá vi phạm hành lang bảo vệ bờ kênh, gây mất ổn định, an toàn mỗi khi mùa mưa bão đến. Nhiều nhất là huyện Cẩm Giàng với 215 ao vi phạm; Gia Lộc 190 ao, Thanh Miện 152 ao, Bình Giang 177 ao, Tứ Kỳ 74 ao, Ninh Giang 64 ao và thành phố Hải Dương 45 ao vi phạm...

Điển hình là trường hợp ở xã Hồng Quang (huyện Gia Lộc) một số gia đình tự ý xây nhà kho tại bờ hữu sông Đĩnh Đào. Tình trạng khai thác cát trái phép trên tuyến sông Sặt và sông nội đồng thuộc hệ thống Bắc Hưng Hải ở các xã Long Xuyên, Vĩnh Tuy (huyện Bình Giang) xảy ra trong nhiều năm qua, làm ảnh hưởng đến chất lượng của toàn công trình.

Công tác đầu tư, tu bổ hàng năm không được thường xuyên nên toàn bộ hệ thống một phần đã bị mai một theo năm tháng.

Nhiều huyện ở Hải Dương không thể quên đợt mưa úng lớn vào tháng 7/2004 trên hệ thống thủy nông Bắc Hưng Hải đã có tới 8.500m bờ kênh bị tràn; 240 cống qua bờ kênh bị bục; 15.000m bờ kênh xảy ra sự cố sạt, nứt mặt, nước thẩm lậu dẫn đến tụt mái bờ kênh, trong đó có 1.530m bờ kênh bị sạt nặng phải xử lý tập trung.

Ai là người có trách nhiệm bảo vệ hệ thống thủy nông? - chúng tôi hỏi. Nhiều ý kiến cho rằng Trung ương đã thành lập một công ty khai thác công trình thủy nông này và trách nhiệm quản lý Nhà nước thuộc về công ty.

Tuy nhiên, kinh phí bảo vệ, đầu tư tu bổ đều có kế hoạch từ trên xuống, phối hợp với địa phương cung cấp nhân lực để duy trì sự hoàn thiện của hệ thống thủy nông. Cứ nhìn vào cách tổ chức đó, để xảy ra tình trạng xuống cấp và xâm hại của công trình Bắc Hưng Hải đều có lỗi của tất cả các bên.

Thiết nghĩ, các kênh trục chính của hệ thống Bắc Hưng Hải đều phải được sự cộng đồng trách nhiệm, bồi trúc xây dựng kiên cố. Nếu đê Bắc Hưng Hải bị vỡ thì thiệt hại không kém gì vỡ đê ngoài sông.

Trong các phương án phòng chống bão lũ, úng, lụt của các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị quản lý trước hết phải kịp thời ngăn chặn, xử lý dứt điểm các trường hợp vi phạm hành lang hệ thống, công trình Bắc Hưng Hải. Đó chính là lời kêu gọi: hãy cứu lấy công trình lớn vùng Bắc Bộ!?

Mạnh Hừng - Văn Thịnh
.
.
.